DIỄM MI -
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 diễn ra từ ngày 1 đến 5-12 đã khai mạc tối ngày 1-12 tại Nhà hát Hòa Bình, TPHCM đồng thời các hạng mục phim dự thi bước vào thời gian công chiếu tại các rạp. Điều đặc biệt nhất trong liên hoan phim (LHP) lần này nằm ở hạng mục chính – phim điện ảnh – khi xảy ra thế cân bằng hiếm thấy giữa phim nhà nước và phim tư nhân.
Cảnh trong phim Quyên.
Trước thời điểm khai mạc LHP, ban tổ chức đã trải qua một đợt tuyển chọn từ 55 phim điện ảnh được sản xuất trong khoảng thời gian hai năm, xuống còn 20 phim dự thi và 15 phim chiếu trong chương trình toàn cảnh (công chiếu chứ không tham gia tranh giải). Đồng thời, các nhà phê bình đánh giá kỳ LHP năm nay, hạng mục phim điện ảnh có chất lượng cao hơn cả về nội dung và hình thức thể hiện so với trước.
Con số ấn tượng 10-10
Cảnh trong phim Sống cùng lịch sử.
Nếu như các kỳ LHP trước đây, phim do nhà nước sản xuất chỉ chiếm khoảng 20-30% trong hạng mục phim điện ảnh, thì năm nay con số đó đã tăng lên, giữ thế cân bằng là 50%-50% tức là 10 phim nhà nước và 10 phim tư nhân. Điều này đã có thể dự báo trước khi mà trong hai năm qua (từ ngày 1-9-2013 đến ngày 10-10-2015, thời gian hợp lệ để phim được tham gia LHP), cả nước diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ... Đi cùng các sự kiện là việc Nhà nước đặt hàng làm phim về các đề tài nói trên là điều dễ hiểu, và cũng chính vì vậy, phim về đề tài chiến tranh, cách mạng trong LHP lần này lại nhiều hơn so với các LHP trước.
Sống cùng lịch sử, Đường xuyên rừng, Người trở về, Thầu Chín ở Xiêm, Những đứa con của làng là 5 trong tổng số 10 phim của Nhà nước đặt hàng thuộc về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng. Những cái nhìn toàn cảnh về một thời mưa bom, bão đạn; tình cảm lứa đôi dung dị, mộc mạc; cuộc sống những ngày hòa bình lập lại… được khắc họa một cách rõ nét bằng những kỹ xảo điện ảnh mới mà trước đây phim Việt khi làm về đề tài này thường đi vào lối mòn, diễn nhiều hơn tả thực. Tuy nhiên, trước khi đem đến LHP lần này, những bộ phim làm về đề tài lịch sử cũng đã bị dư luận lên tiếng phản ánh, cho rằng tiền đầu tư hàng tỉ đồng nhưng phim “chết” tại rạp, còn phim về chiến tranh thì lại đưa vào nhiều hình ảnh được cho là nhạy cảm.
Sống cùng lịch sử của đạo diễn Thanh Vân là bộ phim bị dư luận “mổ xẻ” nhiều nhất khi đưa cảnh nhạy cảm vào ngay những thước phim đầu tiên, để lộ nhiều cảnh nóng nhưng không cấm trẻ em dưới 16 tuổi. Trong ngày công chiếu đầu tiên của LHP, Sống cùng lịch sử được chiếu vào khung giờ khá lý tưởng là 8 giờ tối nhưng theo quan sát của người viết, số lượng người xem đến rạp không nhiều, số phiếu bình chọn cũng không nhiều.
Nếu phim nhà nước đặt hàng sản xuất về đề tài lịch sử mang số phận long đong, tính tuyên truyền nhiều hơn là chú ý đến doanh thu phòng vé thì phim tư nhân vẫn giữ được phong độ của mình khi không còn nhiều phim bị gắn mác “hài nhảm”. Phim điện ảnh tư nhân được mùa tại phòng vé công chiếu trong LHP lần này như Hương ga, Chàng trai năm ấy, Quyên, Scandal – hào quang trở lại… được khán giả chờ đón, thể hiện qua số lượng vé xem miễn phí tại rạp Galaxy Nguyễn Du (cụm rạp công chiếu phim điện ảnh dự thi) hết ngay trong vài giờ thông báo người xem được nhận vé. Tuy nhiên, như báo chí đã nói từ trước, phim tư nhân vẫn chưa có những bứt phá vượt trội về nội dung, hình thức thể hiện không mới, khiến các phim sản xuất chỉ dừng lại ở mức trung bình, doanh thu phòng vé bình thường, vậy nên để đồng lòng chọn ra tác phẩm hay nhất thì còn lưỡng lự nhiều.
Đoàn làm phim Sống cùng lịch sử chào khán giả trước giờ công chiếu phim.
Cái bắt tay lịch sử
Trong khi Công ty TNHH Phim Truyện Việt Nam, được mệnh danh là “anh cả đỏ” ở phía Bắc, tham dự LHP với ba phim: Sống cùng lịch sử (đạo diễn Thanh Vân), Cuộc đời của Yến (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) và Nhà tiên tri (đạo diễn Vương Đức), thì “anh cả đỏ” phía Nam – Công ty TNHH Phim Giải Phóng cũng có hai phim được trình chiếu là Đường xuyên rừng (đạo diễn Lê Xuân Cường) và Mỹ nhân (đạo diễn Đinh Thái Thụy). Những phim điện ảnh nói trên, được dự báo là sẽ khó cạnh tranh với các phim tư nhân ở phòng vé thì “cái bắt tay lịch sử” được nhắc đến nhiều nhất trong đêm khai mạc LHP là đứa con chung Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Đây là phim mà kịch bản được Nhà nước (Cục Điện ảnh) tuyển lựa chặt chẽ để tài trợ, các nhà sản xuất tư nhân thực thi.
Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh trong hai tháng qua đã tạo ra cơn sốt nhất định trong phòng vé, một hiện tượng giống như phim Để mai tính 2 (nằm trong danh sách phim chiếu trong chương trình toàn cảnh) của Công ty TNHH Hãng phim Chánh Phương. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, một thước phim trong trẻo về tuổi thơ chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, do Victor Vũ đạo diễn, được hợp tác sản xuất bởi Galaxy Media & Entertainment Saigon Concert, Hãng phim Phương Nam và Cục Điện ảnh. Trong khuôn khổ LHP lần này, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được Cục Điện ảnh đánh giá là một câu chuyện mới, đánh dấu sự hợp tác thành công đầu tiên giữa Nhà nước và tư nhân, khi đạt được cả doanh thu phòng vé (vốn đầu tư 20 tỉ đồng, đã thu về 80 tỉ đồng) và gây được hiệu ứng trong xã hội nhờ tính nhân văn của nội dung. Bộ phim được giới chuyên môn đánh giá là một ứng viên nặng ký cho giải thưởng của LHP năm nay.
Như vậy, tại LHP Việt Nam lần thứ 19, khi số lượng phim nhà nước và tư nhân ở thế cân bằng, người xem có nhiều cơ hội hơn để đánh giá chất lượng phim. Tuy nhiên, không ít khán giả đến xem phim cũng đặt ra giả thuyết rằng có phải vì sản xuất trong thời điểm đất nước diễn ra nhiều lễ kỷ niệm lớn nên số lượng phim về lịch sử lọt qua vòng sơ khảo nhiều đến như vậy? Vì trước đó, có những phim “chết” tại phòng vé hoặc có doanh thu rất thấp và vấp phải nhiều “mổ xẻ” của dư luận nhưng vẫn vượt qua vòng tuyển chọn. Nhưng dù sao, bữa tiệc phim Việt cho khán giả TPHCM đang diễn ra hết sức hấp dẫn vì ngoài hạng mục phim điện ảnh còn có 61 phim tài liệu, 23 phim hoạt hình, 6 phim truyện video cũng sẽ tranh giải trong mùa LHP lần này.
Những vị khách cuối cùng may mắn nhận được vé xem phim miễn phí.
Kết quả sẽ được công bố vào tối ngày 5-12, trước khi biết được người chiến thắng trong mùa LHP lần thứ 19, cuộc đua tranh vé bầu chọn của khán giả tại phòng chiếu vẫn diễn ra vô cùng thú vị ở bốn cụm rạp: Star Cineplex 3-2, CGV Hùng Vương, Galaxy Nguyễn Du, MegaGS Cao Thắng, bởi LHP năm nay có thêm hai giải cho phim được khán giả bình chọn ở mỗi hạng mục.