Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Phim truyền hình dưới áp lực cạnh tranh

Nguyễn Huy-Bảo Trúc

Sự xuất hiện ngày càng nhiều của phim truyền hình Việt Nam trên các kênh, cùng với việc doanh thu từ các tiết mục quảng cáo trong khung giờ chiếu phim đang đem lại nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất lẫn nhà đài. Tuy nhiên, yêu cầu quan trọng và cấp bách đặt ra cho các đài truyền hình và các nhà sản xuất chính là chất lượng của các sản phẩm giải trí này.

Kể từ khi Luật Điện ảnh và Luật Điện ảnh sửa đổi cho phép xã hội hóa sản xuất phim truyền hình và đặc biệt là trong Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21-5-2010 có yêu cầu về tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim, trong đó phim truyện Việt Nam phải được phát sóng vào khoảng thời gian từ 20 giờ đến 22 giờ trong ngày. Ngoài ra, còn có thể phát sóng vào các giờ khác đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các nhà sản xuất phim truyền hình, nhà nước lẫn tư nhân. Sự ra đời của hơn 30 hãng phim tư nhân trong những năm gần đây đã tạo nên sức sống mới cho hoạt động của ngành điện ảnh trong nước. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều kênh truyền hình được cho ra mắt khán giả cũng tạo nên nhu cầu ngày càng cao về phim cho hoạt động của các đài phát thanh-truyền hình, góp phần làm cho thị trường sản xuất phim truyền hình trong nước ngày càng trở nên sôi động.

Đam mê nghiệt ngã, một bộ phim đang gây chú ý trên sóng truyền hình, với kịch bản được Việt hóa từ loạt phim truyền hình ăn khách của Colombia.
Đam mê nghiệt ngã, một bộ phim đang gây chú ý trên sóng truyền hình, với kịch bản được Việt hóa từ loạt phim truyền hình ăn khách của Colombia.

Áp lực kinh phí

Có thể nói, việc cho phép xã hội hóa sản xuất phim truyền hình đã tạo điều kiện cho các hãng phim tư nhân trở thành đối tác chính cung cấp phim cho các đài truyền hình. Thời gian ban đầu, các đài muốn đảm bảo phim lên sóng phải hấp dẫn người xem nên đã đặt ra những yêu cầu về rating hay GRP (Gross Rating Point) (chỉ số thể hiện tỷ lệ người xem của một chương trình truyền hình hay một spot quảng cáo nào đó). Phim nào sau khi trình chiếu đạt 1.0 trở lên (1 GRP = 1% khán giả mục tiêu (target audience) thấy được mẫu quảng cáo một lần) thì nhà đài mới trả tiền cho nhà sản xuất phim theo như thỏa thuận. Nếu không thì nhà sản xuất sẽ bị phạt, và có khả năng không thể hoàn vốn.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều kênh truyền hình (đặc biệt là các kênh giải trí, kênh dành cho phụ nữ…) cần có một lượng phim lớn để trình chiếu liên tục từ sáng đến tối nên rốt cuộc phim hay dở gì cũng được lên sóng. Nhu cầu từ thị trường lớn, nhiều hãng sản xuất phải chạy đua với thời gian mới bảo đảm tiến độ hoàn thành các bộ phim truyền hình nhiều tập, do đó, họ không bảo đảm phim nào cũng đạt chỉ tiêu rating. Bên cạnh đó, nhiều hãng phim cũng không đồng tình và tẩy chay các kênh truyền hình nào áp dụng rating nên hiện tại nhiều đài truyền hình đã bỏ yêu cầu này. Không bị sức ép về chất lượng, nhiều bộ phim truyền hình theo kiểu “càng xem càng chán” liên tục được giới thiệu đến công chúng.

Ông Cổ Nguyên Khoa, Giám đốc Công ty Truyền thông Việt Phương Đông, đơn vị sản xuất phim và các chương trình truyền hình thực tế cho biết, nguồn thu chính của phim truyền hình Việt Nam là từ quảng cáo. Nhưng doanh nghiệp khó khăn nên họ ít đặt quảng cáo trong giờ chiếu phim. Vì vậy, tiền mua bản quyền phim mà các đài truyền hình trả cho hãng cũng bị sụt giảm nhiều so với trước đây. Vì ít tiền nên các hãng phim buộc phải “giật gấu vá vai”, cắt giảm kinh phí trong tất cả các khâu. Hậu quả là phim làm ra có nhiều lỗi và… sạn, kém hấp dẫn người xem. Ngược lại, phim nào có nguồn vốn lớn thì được đầu tư chắc tay hơn, đạt chất lượng hơn.

Đại diện của các hãng phim cũng cho rằng, áp lực kinh phí đang là vấn đề nan giải của ngành sản xuất phim truyền hình. Nhiều hãng phim ra đời đồng nghĩa với việc lượng phim mới tăng lên, và cũng khởi đầu cho những cuộc cạnh tranh (công bằng lẫn không công bằng) để đạt được hợp đồng làm phim với các đài truyền hình. Một trong những phương thức đơn giản nhất để có được hợp đồng là giảm giá. Và khi kinh phí dành cho mỗi tập phim bị giảm xuống thì thời gian quay phải rút đến mức ngắn nhất, diễn viên chính diễn qua loa cho xong vì cát-sê thấp, đạo diễn chấp nhận cả những diễn viên phụ chưa biết nghề vì họ đồng ý nhận thù lao tượng trưng… Chưa kể, bối cảnh phim thường xuyên bị “ăn gian”, ví dụ câu chuyện diễn ra ở miền Tây thì chọn cảnh ở huyện Bình Chánh (TPHCM) để đoàn phim giảm chi phí đi lại. Hậu quả là phim làm ra không đạt yêu cầu về chất lượng, không thu hút được khán giả.

Các nhà làm phim cũng cho rằng kinh phí làm phim theo quy định hiện nay đang ở mức thấp so với mặt bằng chung trên thị trường. Ví dụ, các đài truyền hình đang áp dụng mức 100 triệu đồng cho một tập phim 60-70 phút. Việc áp giá đồng hạng cho mọi loại phim không có sự phân biệt về nội dung, nguồn dữ liệu, bối cảnh, quy mô… cũng làm khó cho các nhà sản xuất, và cũng là một trong những nguyên nhân làm sụt giảm chất lượng nghệ thuật của tác phẩm.

Thiếu vắng sự đầu tư dài hạn

Trong các cuộc hội thảo liên quan đến đề tài phim truyền hình do Hội Điện ảnh TPHCM tổ chức, nhiều đại biểu đã nêu lên những mặt hạn chế trong hoạt động sản xuất phim trong nước. Một trong những khó khăn lớn mà lĩnh vực sản xuất phim truyền hình Việt Nam đang phải đối mặt đó là sự thiếu hụt trầm trọng kịch bản hay. Điều này xuất phát từ nguyên nhân chính là thiếu các nhà biên kịch có kỹ năng nên các kịch bản phim hiện nay chủ yếu được viết theo dạng kịch bản văn học.

Vì thiếu vắng kịch bản hay nên dẫn đến tình trạng phải mua bản quyền và sau đó Việt hóa các kịch bản phim từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… như các bộ phim Ngôi nhà hạnh phúc, Cô gái xâu xí, Cô nàng bất đắc dĩ, Váy hồng tầng 24, Những người độc thân vui tính... và mới đây nhất là Đam mê nghiệt ngã được xem là phiên bản Việt của loạt phim truyền hình Pasión de Gavilanes của Colombia. Tuy nhiên, một số bộ phim không thu hút được sự chú ý và cảm tình của công chúng.

Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi tâm sự, do có cơ hội tham gia nhiều bộ phim truyền hình nên chị biết, kịch bản kém đang là một vấn đề đau đầu của các nhà sản xuất. Nhiều đạo diễn hiện tại thường kiêm luôn vai trò biên kịch và phần lớn các kịch bản chỉ sử dụng được ý tứ của cốt truyện, còn tình tiết phải phụ thuộc vào khả năng sáng tạo của đạo diễn. Và điều này đang gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng phim.

Đội ngũ diễn viên phim truyền hình tuy gia tăng về số lượng nhưng vẫn chưa thể đáp ứng kịp yêu cầu về chất lượng. Nhiều diễn viên xuất thân từ các lĩnh vực nghề nghiệp khác, không được đào tạo chuyên sâu về cả lý thuyết và thực hành và cũng không có cả những trải nghiệm trong nghề nghiệp nên gặp nhiều khó khăn trong tác nghiệp. Những diễn viên “tay ngang” này diễn xuất theo bản năng, do đó khó trụ vững lâu dài với nghề. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các ngôi sao trong giới showbiz, các gương mặt mới nổi lên từ các cuộc thi hoa hậu, người mẫu, ca nhạc, khiêu vũ… trong các bộ phim nhằm thu hút sự chú ý của khán giả cũng góp phần làm chất lượng diễn xuất của phim truyền hình đi xuống. Bên cạnh đó, thù lao thấp cũng khiến diễn viên khó toàn tâm, toàn ý sáng tạo và gắn bó với vai diễn, họ còn phải chạy sô thường xuyên nhằm kiếm sống nên trường hợp đạo diễn phải gọi người khác thay thế khi phim đang quay cũng là câu chuyện khá phổ biến.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu những phim trường chuyên nghiệp, có bối cảnh đa dạng để thực hiện các bộ phim ở các thể loại khác nhau, đặc biệt là phim có bối cảnh cổ và phim lịch sử, cũng nói lên sự thiếu đầu tư về lâu dài trong ngành này. Và cuối cùng, vai trò cùng trách nhiệm của các đài truyền hình – đơn vị phụ trách đầu ra cho các tác phẩm phim truyền hình, cũng cần được nâng cao và cụ thể hóa một cách chặt chẽ hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối