Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Phim truyền hình gặp khó

Gần đây, những diễn viên đắt sô phim truyền hình Việt Nam đã bộc bạch rằng vì phim truyền hình gặp khó nên bản thân họ và nhiều diễn viên phải tìm kế sinh nhai khác. Dẫu vậy, có ý kiến khác từ người trong cuộc rằng sự sa sút này sẽ tác động tích cực đến các nhà làm phim trong nước.

Ra mắt phim Gạo nếp gạo tẻ.

Trò chơi truyền hình làm khó phim truyền hình

Nghệ sĩ ưu tú Công Ninh hiện là trưởng khoa đạo diễn trường Đại học Sân khấu và Đạo diễn TPHCM. Do thu nhập của một người thầy không đủ để chu toàn cho cuộc sống gia đình nên anh phải tham gia đóng rất nhiều phim truyền hình để có thêm thu nhập như là một cách giữ lửa nghề. Có thể nói anh là một trong số ít những nghệ sĩ trung niên đóng nhiều phim truyền hình nhất và nhờ đó mà anh hiểu rõ được thực trạng của phim truyền hình Việt Nam.

Theo Nghệ sĩ ưu tú Công Ninh, số lượng phim truyền hình được sản xuất trong hai năm trở lại đây giảm đi nhiều, thậm chí nhiều phim dù đã quay xong nhưng bị nhà đài từ chối phát sóng. “Bởi vì, tỷ lệ người xem phim truyền hình giảm nhiều trước sự tấn công mạnh mẽ của các trò chơi truyền hình và chương trình truyền hình thực tế đang hấp dẫn khán giả hơn. Trong đó, nguyên nhân quan trọng là trò chơi truyền hình và chương trình truyền hình thực tế ngắn gọn, sống động và giàu cảm xúc còn phim truyền hình vẫn mắc lỗi dài dòng, rề rà mà tình tiết lẫn câu chuyện nhìn chung đều kém hấp dẫn”, anh nói.

Trên thực tế, trước đây phim truyền hình Việt Nam cũng mắc nhiều lỗi, song khán giả vẫn chấp nhận bỏ qua vì họ không có nhiều sự lựa chọn. Đây là một trong những lý do giải thích cho tính ỷ y và sự cẩu thả của không ít các nhà sản xuất lẫn nghệ sĩ. Nhưng giờ đây, khán giả đã có nhiều món ăn tinh thần khác hấp dẫn hơn, thì họ chắc chắn sẽ chọn cái ra sau mà thú vị hơn. Đó là chưa kể các chương trình trò chơi truyền hình được sản xuất quá nhiều và phát sóng dày đặc trên nhiều khung giờ khác nhau càng khiến phim truyền hình bị vây bủa không lối thoát.

Sự khủng hoảng của phim truyền hình đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều diễn viên, nghệ sĩ. Nhiều người phải quay sang mưu sinh bằng các phương cách khác như bán hàng trên mạng Internet, mở nhà hàng quán ăn, kinh doanh cà phê… Nói cách khác, đời sống kinh tế của nhiều nghệ sĩ, diễn viên không còn sung túc như thuở xưa nếu như chỉ tham gia đóng phim truyền hình.

Lo nhưng vẫn hy vọng

Phim truyền hình lâm vào hoàn cảnh khó khăn nhưng là lời cảnh tỉnh cần thiết. Các nhà sản xuất, các nhà làm phim buộc phải nhìn lại mình và thay đổi triệt để nhằm kéo được khán giả trở lại với phim màn ảnh nhỏ. Diễn viên, đạo diễn Quang Thảo cho rằng giai đoạn khủng hoảng này của phim truyền hình Việt Nam là khoảng thời gian để các nghệ sĩ chuộc lỗi với khán giả bằng cách chuẩn bị kỹ càng hơn, trau dồi và hoàn thiện bản thân hơn cho những dự án. “Cần phải bỏ đi lối làm việc quá tranh thủ, bỏ qua nhiều lỗi mà riết rồi thành thói quen chung, khiến phim rời rạc và đầy sạn. Tôi tin nếu được đầu tư chỉn chu đúng mực thì khán giả lại quay về với phim truyền hình, bên cạnh các món giải trí mới”, Quang Thảo nói.

Minh (Phương Hằng) trong Gạo nếp gạo tẻ.

Nghệ sĩ ưu tú Công Ninh cho biết, hiện tại đã có nhiều nhà sản xuất bắt đầu làm phim một cách cẩn thận và chỉn chu hơn, kịch bản được đầu tư nghiêm túc, thời gian quay dài hơn, đạo diễn yêu cầu diễn viên diễn sâu hơn. Những chi tiết nếu như trước kia vẫn làm qua loa đại khái thì bây giờ phải thực hiện đến nơi đến chốn. Công Ninh cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kịch bản phim, vốn là điểm yếu nhất trong phim truyền hình Việt Nam hiện nay. Theo anh, nếu có kịch bản hay thì khán giả vẫn say mê và khi chưa đủ sức viết ra được kịch bản hay một cách nhanh chóng thì việc Việt hóa các kịch bản nước ngoài cũng là giải pháp chấp được. Thực tế có nhiều kịch bản nước ngoài được Việt hóa đã và đang được khán giả truyền hình đón nhận nhiệt liệt, như Gạo nếp gạo tẻ chẳng hạn.

Nguyễn Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối