THÁI HÀ -
Tại Mỹ, theo Trung tâm Phòng chống dịch bệnh của nước này (CDC), hàng ngày có 10 người Mỹ chết vì đuối nước, 1/5 trong số đó là trẻ dưới 14 tuổi, và đây là nguyên nhân lớn thứ hai dẫn đến tử vong ở trẻ em.
Ở Mỹ, trở ngại lớn nhất đối với các bang nước này vẫn là kinh phí, họ không thể lấy ngân sách công để chi trả các chương trình phổ cập bơi cho trẻ em.
Cũng từ số liệu của CDC, tỷ lệ trẻ da màu trong độ tuổi 5-14 bị đuối nước gấp ba lần trẻ da trắng. Theo khảo sát của Quỹ bơi lội Mỹ, gần 70% trẻ da màu, 60% trẻ gốc La Tinh không có kỹ năng bơi, trong khi số này ở trẻ da trắng là 40%. Rất nhiều vận động viên bơi lội Mỹ giành huy chương ở các kỳ Olympic, nhưng phần lớn là người da trắng, những vận động viên bơi lội da màu hàng đầu như Cullen Jones rất hiếm. Bản thân Jones đến với bơi lội là sau một lần suýt chết đuối hồi nhỏ.
Sự khác biệt trên cho thấy một điều: tiền đóng yếu tố quan trọng trong việc trẻ có thể tham gia học bơi hay không. Ở thành phố Minneapolis chẳng hạn, các trường học có bể bơi đều ở những khu thịnh vượng, còn các trường ở những khu nhiều người da màu không có bể bơi. Những gia đình người da trắng có điều kiện cho con em đi tập bơi hơn.
Dù các tổ chức như CDC hay Hội chữ thập đỏ, Quỹ bơi lội Mỹ kêu gọi chính quyền cần đưa học bơi vào chương trình học ở các trường tiểu học và trung học như một môn học bắt buộc nhưng cho đến nay, ở Mỹ mới chỉ có mỗi bang Minnesota ra quy định bắt buộc phải đưa học bơi vào chương trình học ở các trường công.
Trở ngại lớn nhất đối với các bang vẫn là kinh phí, họ không thể lấy ngân sách công để chi trả cho các chương trình phổ cập bơi cho trẻ em. Mà không lấy được tiền ngân sách để chi trả thì không thể áp đặt quy định bắt buộc các bậc phụ huynh phải chi tiền để con em họ học bơi. Hiện nay, vẫn còn một số trường đại học như Cornell, Columbia, MIT bắt buộc sinh viên phải vượt qua cuộc kiểm tra bơi lội mới cho tốt nghiệp, nhưng ngày càng có nhiều trường bỏ quy định này.
Ngay cả tại nước Úc, nơi mà bơi lội là môn thể thao được ưa chuộng nhất, phổ cập bơi cũng chưa là chương trình bắt buộc. Từ vài năm nay, tổ chức cứu trợ Royal Life Saving thực hiện đơn thỉnh nguyện online thu hút chữ ký của hàng trăm ngàn người đề nghị chính quyền các bang ra luật đưa học bơi vào chương trình học bắt buộc, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Muốn gì thì các dự luật đều phải được nghị viện các bang thông qua. Lãnh đạo Đảng Lao động, thủ lĩnh phe đối lập trong quốc hội là ông Bill Shorten có hứa nếu đắc cử thủ tướng, chính quyền của ông sẽ tài trợ phổ cập bơi cho trẻ em trên toàn nước Úc, dự án này ước tính lên tới 41 triệu đô la Mỹ (USD).
Nhiều người nói thẳng, nếu các chương trình phổ cập bơi miễn phí thì họ cho con em tham gia, còn nếu mà phải đóng phí thì họ không có tiền. Nhưng cũng có nhiều người không tán thành việc lấy ngân sách để trả phí cho các chương trình phổ cập bơi, có người nói trên diễn đàn tờ The Courier (Úc): “Tôi biết có một đứa trẻ gần nhà tôi không biết bơi, nhưng cha mẹ nó thì vẫn đủ tiền hút thuốc lá, tại sao tiền thuế của tôi lại phải trả cho đứa trẻ đó học bơi?”.
Ở châu Âu mới chỉ có 15 nước đưa học bơi vào chương trình học bắt buộc, với ngân sách của chính phủ. Tại Vương quốc Anh, theo khảo sát vào năm ngoái, chỉ có 2% số trường học thực hiện đầy đủ chương trình 22 giờ học bơi mỗi năm do chính phủ giới thiệu, 1.300 trường không hề có chương trình dạy bơi. Theo Hiệp hội Bơi nghiệp dư Anh, 51% trẻ từ 7 đến 11 tuổi, tức là 1,1 triệu trẻ, không thể bơi quá 25 m, 39% trẻ không hề tham gia lớp học bơi nào. Tại Ireland, phí học bơi ngoại khóa không hề rẻ, tới 100 euro mỗi học kỳ, đó là chưa kể đến việc các bậc cha mẹ phải đưa đón con cái và các khoản khác.
Ngoài kinh phí, một nguyên nhân khác khiến trẻ lười bơi là ở cha mẹ của chúng. Nghiên cứu của trường Đại học Memphis (Mỹ) chỉ ra các bậc cha mẹ không biết bơi hay sợ nước sẽ “lây nhiễm” sự sợ hãi này sang con cái, vì thế một đứa trẻ trong gia đình không có cha mẹ biết bơi chỉ có 13% cơ hội học bơi. Tại Anh, 1 trong 10 cha mẹ không đưa con đi bơi vì chính họ không biết bơi, 52% cha mẹ không tin con mình có thể bơi nếu gặp nguy hiểm dưới nước.
Để bẻ vỡ cái vòng lặp này cần phải có chương trình đột phá, bằng chính sách, bằng các quỹ từ thiện. Nhà văn Martha Southgate nhận xét trên tờ The New York Times: “Nước Mỹ đối mặt với nhiều vấn đề lớn hơn là dạy trẻ em bơi. Nhưng với một bà mẹ đứng trên bờ hét lạc giọng khi thấy đứa con mình đang chìm dưới nước, thì không vấn đề nào quan trọng hơn là dạy đứa trẻ đó tự cứu sống mình”.