TƯỜNG VI -
Sài Gòn có những thứ đặc trưng mà nhiều nơi khác khó thể nào có được. Ví như những bình trà đá miễn phí được đặt đâu đó bên lề đường, những tiệm cơm giá chỉ 2.000 đồng dành cho người nghèo hay những phần cơm trưa được phát miễn phí trong các bệnh viện... Hẻm Sài Gòn nhiều vô số kể, mới đi ngang người ta dễ lầm, bởi hẻm nào cũng giống nhau.
Hẻm, có khi là những lối đi nhỏ hẹp, vừa đủ lách một chiếc xe đạp hay có khi rộng hơn đủ cho xe hơi đi lọt. Là những ngôi nhà san sát nhau, lụp xụp có, sang trọng có. Là những nơi mà người ta có thể tìm thấy mọi thứ trong một, từ một cái chợ chồm hổm bán đủ thứ rau thịt cá, những cửa tiệm tạp hóa cho đến những quán cà phê phục vụ khách địa phương và cả khách muôn phương. Hẻm còn có cả phòng khám, nhà thuốc, công ty, cửa hàng, nhà thờ, đình, chùa chiền…
Hẻm như đã lên... phố
Cứ khoảng giờ tan tầm, một dòng người lại lũ lượt đổ vào con hẻm 76 Hai Bà Trưng, quận 1 để tìm một món ăn vặt. Ở đây đủ thứ món ăn được bày bán, từ bánh canh, cháo lòng, bún thịt nướng… với giá chỉ tầm 10.000 đồng cho đến 15.000 đồng nên những người quanh đây ví von là “hẻm ẩm thực bình dân”. Nào sinh viên, học sinh, anh xe ôm… hay dân văn phòng từ các cao ốc quanh đó tìm đến như một nơi chốn thân thuộc.
Hẻm 181 Xóm Chiếu, quận 4, hẻm 51 Cao Thắng, quận 3, hẻm 284 Lê Văn Sỹ, quận 3… là những địa điểm ăn vặt của người Sài thành. Cứ tầm 6 giờ tối trở đi, những con hẻm lại tấp nập người ra vào ăn uống. Họ đến đây để thưởng thức đủ các món ăn với giá cả bình dân, phù hợp với túi tiền của dân lao động. Những ai thích ăn ngọt, có thể đến hẻm 14 Trần Bình Trọng, quận 5 hay hẻm 177 Lý Tự Trọng, quận 1 để có thể nhâm nhi các loại bánh, rau câu hay trái cây…
Hẻm là nơi bạn có thể tìm mọi thứ đồ ăn thức uống, nhưng Sài Gòn còn có những con hẻm đặc biệt “hổng giống ai”. Hẻm 15B Lê Thánh Tôn, quận 1 là một ví dụ. Nằm khuất sau con đường được mệnh danh là “Phố Nhật thu nhỏ”, con hẻm 15B cũng bình thường nếu như nó không có một dãy tường dài hơn 100 m sặc sỡ những hình vẽ graffiti. Những tác phẩm màu sắc này làm cho con hẻm trở nên sống động hơn. Khoảng hơn ba năm trở lại đây, bờ tường hẻm rêu phong dần được thay thế bằng loạt hình vẽ sáng tạo của bộ môn nghệ thuật đường phố.
Một người dân sống trong hẻm 15B cho biết, đã có một nhóm vẽ graffiti tìm đến xin phép vẽ lên bức tường ở đây để tạo vẻ mỹ quan cho con hẻm ẩm thấp. “Lúc đầu, nhiều người trong hẻm không đồng ý nhưng vì họ thuyết phục quá và sau khi nghe trình bày ý tưởng chúng tôi cũng xiêu lòng!”, người này nói. Hẻm 15B từ đó khoác lên mình những hình ảnh ngộ nghĩnh, thu hút rất nhiều bạn trẻ đến chụp hình lưu niệm.
Tương tự, hẻm 3A Tôn Đức Thắng, quận 1, nơi có ba dãy nhà từng bỏ hoang và đang được tân trang với màu sơn tươi sáng cùng những hình ảnh mang phong cách graffiti nghệ thuật đường phố trên tường. Nơi đây trở thành không gian lý tưởng cho những người đam mê nghệ thuật đương đại, thu hút các nghệ sĩ trẻ của nhiều nhóm graffiti trong và ngoài nước đến trổ tài.
Hẻm từ thiện, hẻm thân thương
Ngoài ra, Sài Gòn còn có những con hẻm từ thiện. Đơn cử, hẻm 96 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận được biết đến với những dịch vụ không tốn tiền từ thùng thuốc, bơm sửa xe miễn phí cho người khuyết tật, xe ôm miễn phí cho người già, bình trà đá cho đến dịch vụ mai táng miễn phí. Hẻm 60 Lý Chính Thắng, quận 3 có xe bánh mì của bà Cúc cùng với con heo đất đặt bên cạnh để quyên góp tiền cho các mái ấm và giúp những người neo đơn có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài con heo đất từ thiện, bà Cúc còn cùng với người dân trong hẻm phát động phong trào mua ve chai làm từ thiện.
Hẻm Sài Gòn giống như một thành phố thu nhỏ, nằm chằng chịt len lỏi giữa phố xá tất bật náo nhiệt. Nếu như thành phố thường hay xảy ra kẹt xe vào giờ cao điểm, người Sài Gòn lại nhanh tay quẹo vào con hẻm nào đó để tìm một con đường khác mà đi. Bởi hẻm nhỏ ở Sài Gòn chi chít như ma trận lại thông ra đường cái lớn rồi lẫn vào các đại lộ lớn, nơi có những công trình kiến trúc pha trộn bởi nhiều nét văn hóa của thế giới.
Anh chàng nhiếp ảnh gia người Đức Yves Schiepek từng thực hiện một loạt ảnh về con hẻm ở Sài Gòn cho tờ The Saigon Times Weekly đã chia sẻ những năm tháng anh sống trong một con hẻm nhỏ ở khu phố Tây, quận 1. “Tôi có một sự mê hoặc với những con hẻm ở thành phố này. Tôi có cảm giác gần gũi với cuộc sống của người Việt hệt như bạn đang bước qua những gian phòng khách. Có thể người dân chẳng để ý gì đến bạn vì họ đã coi bạn như một thành viên trong gia đình. Ở một khía cạnh khác, tôi thấy được cái nghèo của những con người ở đây mà cảm thương cho họ. Tôi nghe nhiều người nước ngoài nói những điều không tốt về những con hẻm, nơi có đầy gián, chẳng hạn. Nhưng tôi cũng có thể nhìn thấy gián ở một nhà hàng sang trọng nào đó ở thành phố này. Với tôi, sự thương cảm đó chứa đựng điều bí ẩn trong những con hẻm, bởi tôi chẳng cảm thấy buồn hay thất vọng khi băng qua những nơi này”.