Phó thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngăn chặn tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm và có giải pháp đảm bảo lợi ích cho người lao động tại các đơn vị phá sản.
- Hướng dẫn hồ sơ hưởng BHXH một lần tại TPHCM
- Đề xuất ngưng sử dụng hóa đơn khi doanh nghiệp trốn đóng BHXH từ 6 tháng
TTXVN đưa tin, Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra giải pháp ngăn chặn tình trạng chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm.
Phó thủ tướng yêu cầu 2 đơn vị trên lên phương án bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động tại các doanh nghiệp đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, phá sản; doanh nghiệp ngừng hoạt động và không có người đại diện theo quy định pháp luật.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại các văn bản đã phát hành, sớm khắc phục triệt để tình trạng chậm đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.
Hiện cả nước có khoảng 206.468 người lao động bị nợ đọng bảo hiểm. Đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới giải quyết cho 30.241 người được hưởng các chế độ hưu trí, tử tuất và Bảo hiểm xã hội 1 lần; 34.575 người đã được xác nhận quá trình đóng đang bảo lưu; 77.627 người đã được xác nhận quá trình đóng đang tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội tại các đơn vị mới.
Cổng thông tin Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, cơ quan này đã đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố rà soát, xác định chính xác từng người lao động tại các doanh nghiệp đã phá sản, đang làm thủ tục phá sản, ngừng hoạt động và đơn vị không có người đại diện theo pháp luật (chủ bỏ trốn) để tiếp tục giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho người đủ điều kiện và xác nhận quá trình đóng bảo hiểm với người chưa đủ điều kiện.
Về giải pháp dài hạn, bộ đang soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi và sẽ bổ sung quy định làm rõ khái niệm “trốn đóng bảo hiểm xã hội”; quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên, hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng tính đến quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện ra tòa án đối với các doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội. Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.
Thêm vào đó là bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động là phải bồi thường cho người lao động nếu doanh nghiệp không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời và gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
T.Huy
Theo Kinh tế Sài Gòn Online