Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Phố và người

Trần Thùy Linh

1. Giống như hàng triệu người khác, tôi sẽ phải đi một chặng đường dài hàng ngàn cây số, để đến đích. Đến một nơi có quán cà phê nhỏ, ngồi ở mảnh vườn trên cao và nhìn ra ngôi nhà thờ mấy trăm năm tuổi. Nghe gió mùa đông đi ngang qua cành cây khô, hay tiếng lá vàng lá đỏ xào xạc rơi trong những thanh âm lao xao của phố phường. Đến một nơi có mắt ai cười lấp lánh xanh như nước hồ trong phố một ngày hè. Đến một nơi mang tên gọi phố nhưng lại là quê. Quê hương. Nơi đó chính là thành phố của tôi, là nỗi nhớ của hàng triệu người đi xa như tôi. Không gì thay thế được và mãi mãi gắn với người.

Quán cà phê xưa nơi tôi hay ngồi là một căn nhà phố kiểu Pháp thuộc địa hai tầng, đặc trưng với những vòm lớn và cửa chớp cao dài màu xanh lá. Bên trong quán là những chiếc bàn tròn thấp và ghế gỗ chân quỳ đã lên màu nâu bóng. Bao thế hệ người thành phố tôi đã ngồi nơi đây? Từ góc thấp của chiếc ghế trên tầng hai bạn sẽ thấy một trong những bức tranh của phố. Khung tranh là cửa sổ dài màu xanh, tháp chuông nhà thờ cổ trầm mặc màu xám đá, được “vẽ” trên một nền trời đa sắc, biến đổi theo mùa. Và những cành khô của mùa đông, những chồi xanh li ti của mùa xuân, hay lá vàng mùa thu, lá xanh ngăn ngắt của mùa hè luôn là những nét chấm phá đắt giá, mang tới cho bức tranh một không khí khác biệt ít nơi nào có được. Những sắc lá đổi thay theo mùa đã đi vào tâm trí bao người xa quê, xa phố? Thành nhạc, thành thơ, thành tranh và thành ký ức. Bạn đã bao giờ ngắm một bức tranh như thế? Có chủ thể, có hòa sắc, có chuyển động, có âm thanh, có không gian, có không khí của phố của quê, và của chính con người bạn? Một nơi chốn luôn như những gì xưa cũ nhất, gắn bó nhất với bạn một thời hoa niên, nhưng cũng đồng thời đầy tươi mới, đầy biến động, mà vẫn mang lại cho bạn thật nhiều bất ngờ mỗi lần trở lại. Tôi không chỉ có một “bức tranh” như thế ở thành phố quê hương. Nhiều bức tranh nhỏ ghép lại thành một bức tranh lớn, thành tình yêu và nỗi nhớ không thể gọi tên.

Hoa trên phố.
Hoa trên phố.

2. Lần trở lại gần đây nhất là khi phố đang vào thu. Mùa thu của hiện tại thật khác xa với mùa thu của ký ức, dù cho vẫn là nắng nhạt nhòa, vẫn là lá vàng bay bên bờ hồ hay trên khung cửa còn sót lại từ ký ức. Thời gian lưu dấu trên những ngôi nhà, những con đường và con người của phố. Thời gian và con người cũng góp phần thay phố, thay quê và thay đổi chính mình. Giống như hàng triệu triệu cư dân các thành phố lớn bất kỳ nơi đâu trên trái đất này, những cư dân thành phố quê tôi cũng tất bật trong vòng xoáy cuộc đời. Đông qua, xuân tới, hè đi và thu về. Thời gian cứ thế trôi, có thành phố nào không thay đổi? Có đời người nào không đổi thay? Những phố nhỏ hiền hòa thoắt biến thành đại lộ. Phố vài trăm ngàn dân đã hóa đại đô thị. Nhà chẳng còn chạy dọc theo phố nữa. Người cũng không còn khoan thai. Người không theo kịp phố, hay phố phải gồng mình vì người? Diện mạo thành phố như một tổ kiến khổng lồ, chằng chịt dọc ngang, ríu rít với người và xe, khói và bụi, lửa và nước, sẵn sàng bùng nổ, sẵn sàng trào dâng bất kể nhị kỳ xuân thu. Những con đường xưa, nay xô bồ với bê tông và hàng quán. Mặt hồ chẳng còn “nước trong xanh mây trời” nữa. “Thảm cỏ ngát hương thơm” còn đâu? Không ít tình yêu của người phố xưa đã không còn dành cho phố nay nữa, đã mau chóng nhạt phai theo khói bụi thời gian. Người-trong-phố và người-ngoài-phố phải chăng không còn thấy hồn phố nữa? Có còn chăng, chỉ là một nỗi niềm đau đáu về phố quê hương?

Tôi đã nghe nhiều cảm nhận khác nhau của những người-trong-phố và người-ngoài-phố. Mỗi nhóm người nhìn phố của tôi theo một cách riêng, nghĩ khác nhau lắm, nhưng lại có một điểm rất chung: dù yêu hay ghét, hầu như ít người dửng dưng với phố. Trong những chê bai của những người đã-từng-là- người-trong-phố, vẫn thấy đâu đó những tiếc nuối không nói được thành lời, một mối quan tâm, vẫn thấy một tình yêu, dẫu mang đầy đau đớn hay xót xa. Đôi khi người ta hay dùng sự chê bai để khỏa lấp những yêu thương luôn quay về. Những người đang ở phố nay cũng càm ràm về những đổi thay, cũng hay phàn nàn về việc người-ngoài-phố bỗng trở thành người-trong-phố, có khi đổ diệt mọi thay đổi xấu xí cho người-ngoài-phố. Nhưng trong thâm tâm họ đều biết rằng, những người-phố-xưa đích thực, vốn thanh lịch, nho nhã, có học thức và biết cách ứng xử, không bao giờ đối xử với phố và người theo kiểu hời hợt bên ngoài như vậy; cũng không “bới móc” hay khắt khe cực đoan với phố và người như thế, dù thời thế có đổi thay tới đâu. Tôi thì luôn thấy phố thật lạ. Nó mang lại cả niềm vui cho những người tưởng như đang chối bỏ nó. Một thành phố đầy bao dung. Một tâm hồn trẻ trung tươi mới của một phố nay đang chuyển mình trong cái vỏ trầm mặc đáng kính của những gì xưa cũ.

Viết tới đây, chợt nhớ tới lời một người bạn nước ngoài, một người không-trong-phố-mà cũng chẳng-ngoài-phố, nói về phố của tôi: “Thành phố ấy cho bạn cảm giác như bạn chưa từng sống cho tới khi bạn gặp nó. Bạn chẳng thể có được không khí ấy ở bất cứ đâu. Nơi đây, cuộc sống chầm chậm trôi, con người thong thả sống và những góc phố thâm trầm kể chuyện. Nếu lắng nghe, bạn sẽ “thấy” thành phố. Ngay cả khi bạn không ở đó. Nó như nơi chốn để đi về, kể cả đối với du khách. Bạn sẽ không thể quay lại với phố một lần nữa, nếu như bạn không thực sự hiểu sâu về nó. Nói cách khác, thành phố này chọn bạn, chứ không phải ngược lại”.

Đến quán cà phê nhỏ, ngồi ở mảnh vườn trên cao và nhìn ra ngôi nhà thờ mấy trăm năm tuổi...
Đến quán cà phê nhỏ, ngồi ở mảnh vườn trên cao và nhìn ra ngôi nhà thờ mấy trăm năm tuổi...

3. Quán cà phê trong căn nhà phố kiểu Pháp nơi tôi hay ngồi đã mang một diện mạo mới. Bức tranh nơi cửa sổ không còn như xưa nữa, thay vào đó là cả một khu vườn giữa lưng chừng trời cao, nhìn ra tháp chuông nhà thờ. Bàn ghế sắt màu trắng phù hợp với khung cảnh vườn, thay thế cho màu nâu xưa cũ. Nhưng không vì thế mà những hòa sắc, những chuyển động, những âm thanh và không khí của bức tranh quê hương đã mất đi. Những lộc xanh non bắt đầu lác đác đâm chồi trên những cành cây của gốc cổ thụ trên hè phố. Người đã đổi thay và phố cũng đã đổi thay, theo nhiều mặt, cả tích cực lẫn tiêu cực. Nhưng phố vẫn vẹn nguyên là phố. Tôi tìm thấy hồn của phố xưa và bắt gặp cả hồn phố nay trong quán cà phê nhỏ ấy. Như phố vẫn hiện về trong những giấc mơ ở nơi xứ người. Cả trong mơ lẫn ngoài đời, tôi vẫn thấy phố giống như một con người. Một cô gái duyên dáng, mang một vẻ đẹp cổ điển, không phô phang như những đô thị khác, không khoác một màu áo rực rỡ phấn son nhưng vẫn không kém phần trẻ trung. Một cô gái chỉ đẹp trong mắt người biết cảm nhận, có tâm hồn và trân trọng những giá trị tinh thần. Tình yêu của người-trong-phố và người-xa-phố có gì đó giống như hồn phố, giống như loa kèn trắng xanh lặng lẽ tỏa hương tháng Tư, giống như dâu da xoan trắng trong dịu dàng và tím bằng lăng da diết từng góc phố khi hè về, như hương hoa sữa nhẹ nhàng rắc những hạt mưa trắng ngà lên tóc người qua đường những ngày thu. Thành phố tồn tại và lớn lên, từ tình yêu không lời của những người luôn mang hồn phố trong tim.

Tôi chợt nhận ra rằng, phải chăng tất cả là do thái độ, để phố cũng là người?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối