Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Phòng bệnh hô hấp do mạt bụi nhà

(SGTT) - Theo các chuyên gia chuyên ngành hô hấp, mạt bụi nhà, một loại vi sinh vật trong nhà, là nguyên nhân chính gây viêm mũi, viêm da dị ứng và đường hô hấp quanh năm.

Sấy quần áo và chăn màn ở nhiệt độ cao là một cách diệt mạt bụi nhà hiệu quả. Ảnh: Telegraph.co.uk.

Bụi mịn, siêu mịn trong thời gian gần đây luôn là chủ đề được quan tâm về sức khỏe, đặc biệt là về những bệnh hô hấp. Tuy vậy, vi sinh vật tồn tại trong nhà mới thực sự là nguyên nhân chính của hầu hết các chứng viêm mũi, viêm da dị ứng và đường hô hấp, hiện đang chiếm đến 70% số trường hợp bệnh. Trong đó, những vật dụng thường bám những vi sinh vật mà chúng ta không nhìn thấy như nệm ghế sô pha, rèm cửa, giường ngủ… lại ít khi được chú ý vệ sinh giặt giũ, tạo thành ổ bệnh ngay trong nhà.

Mạt bụi nhà

Trong các loại vi sinh vật sống trong nhà, con mạt nhà (hay còn gọi là mạt bụi nhà) là tác nhân chủ yếu gây ra phần lớn trường hợp bị dị ứng da như nổi mẫn đỏ, sưng tấy, ngứa ngáy…

PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết mạt bụi nhà là một loài động vật lớp nhện, kích thước rất nhỏ, khoảng 0,3 mm. Mạt bụi nhà sống trong các vật dụng có vải sợi như chăn, ga, gối, đệm, thảm trải nhà, đồ chơi trẻ em… Một chiếc nệm ngủ có thể chứa đến hàng triệu con mạt bụi nhà.
Loại vi sinh vật này ăn những mảnh vụn chất hữu cơ, như vảy da, thực phẩm mốc, mảnh gàu da đầu… Mạt bụi nhà sinh trưởng mạnh ở nhiệt độ 25-30 độ C và độ ẩm khoảng 75% - 85%. Do vậy, môi trường bên trong nhà rất thuận lợi cho mạt nhà sinh sản quanh năm. Mạt bụi nhà để lại rất nhiều phân. Phân và xác của mạt bụi nhà rất nhỏ và nhẹ, bay lơ lửng trong không khí, con người dễ dàng hít phải, gây kích thích dị ứng hoặc thậm chí là hen suyễn.

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã từng kết hợp Vương quốc Bỉ hợp tác thực hiện dự án “Đánh giá nguy cơ và dự phòng những bệnh lý mạn tính đường hô hấp tại khu vực phía Nam Việt Nam” trong vòng năm năm. Nhóm nghiên cứu cũng xác định được tác nhân gây dị ứng, mẫn cảm nhiều nhất, thường gặp ở Việt Nam là con mạt bụi nhà. Cứ 100 người bị dị ứng thì có 22 trường hợp là do mạt bụi nhà gây ra. Nguy cơ dị ứng với con mạt bụi nhà xảy ra ở thành thị cao hơn nông thôn. Kết quả nguyên cứu còn chứng minh được rằng những người dân sống ở nông thôn di chuyển đến sống ở thành thị thì khả năng dị ứng, mẫn cảm tăng lên rất nhiều.

Dị ứng mạt bụi nhà có thể nhẹ như gây chảy nước mắt nước mũi, hắt hơi, nổi mẩn ngứa, đỏ mắt. Dị ứng cũng có thể trở nên nguy hiểm hơn, nhất là với những người có bệnh hô hấp mạn tính như viêm mũi dị ứng, hen suyễn. Dị ứng từ mạt bụi nhà làm bệnh nặng thêm, gây kích phát cơn hen suyễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Cách phòng tránh

Rất khó diệt hết mạt bụi ở trong nhà. Vì vậy cách phòng tránh những dị ứng hen suyễn liên quan đến mạt bụi nhà vẫn là cố gắng giữ gìn vệ sinh nhà cửa cho sạch sẽ.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp, mỗi khi làm vệ sinh nhà cửa, cần tránh việc đập, giũ hoặc quét mạnh làm tung bụi nhà, khuấy động các phần tử gây kích ứng dị ứng khuếch tán vào trong không khí.

Mạt bụi ăn da chết và những phần tử hữu cơ khác có trong bụi bẩn, nên nơi nào bám bụi thì khả năng cao là nơi đó có nhiều mạt bụi. Ta có thể hạn chế sự phát triển của mạt bụi bằng cách lau sạch bụi bằng khăn ẩm. Khăn lau cần được giặt sạch thường xuyên để tránh sự lây lan của mầm bệnh. Với những nhà thường dùng thảm trải hay có nhiều nệm giường cần mua máy hút bụi. Cần chọn các loại máy có bộ lọc HEPA để tránh làm phát tán các yếu tố gây dị ứng ra khắp nhà. Khi hút bụi, cần hút kỹ những đường may, khe và kẽ góc của đồ nội thất.

Một phương pháp nữa có thể giúp tiêu diệt mạt bụi là giặt bằng nước nóng và sấy quần áo ở nhiệt độ cao (khoảng 55 độ C trở lên).

Thường xuyên mở cửa nhà để đón ánh nắng mặt trời, mỗi tuần phơi nệm một lần ra trời nắng to. Phòng ngủ nên thiết kế thoáng khí, trong trường hợp cần thiết có thể gắn thêm quạt gió thông khí cho căn phòng. Không nên chất quá nhiều đồ đạc trong phòng ngủ khi không cần thiết vì chúng dễ bám bụi.

Để hạn chế khả năng sinh trưởng của mạt bụi nhà, ta có thể làm giảm độ ẩm trong nhà bằng cách giữ nhà thông thoáng. Ngoài ra ta có thể giảm độ ẩm bằng cách sử dụng các loại máy hút ẩm hoặc chế độ hút ẩm của máy lạnh. Độ ẩm cần duy trì ở mức 50% là hợp lý, vừa tạo cảm giác thoải mái vừa hạn chế được việc ẩm mốc và vi sinh vật phát triển.

Đối với một số loại vật dụng bằng vải hoặc đồ chơi dễ hư hỏng ở nhiệt độ cao, có thể diệt mạt bụi nhà bằng phương pháp đông đá. Đem bọc kín vật dụng và bỏ vào ngăn đông tủ lạnh, để đông đá trong 24 giờ.

Hoàng Nhung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối