Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Phòng bệnh viêm phổi lúc giao mùa

Viêm phổi là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là vào thời điểm giao mùa như hiện nay. Bệnh viêm phổi được biết đến như là một trong sáu nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, nếu như được phòng ngừa đúng cách, trẻ có thể tránh được những hậu quả xấu nhất.

Tỷ lệ tử vong hơn 50%

Viêm phổi là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến và có tác hại lớn đối với trẻ em. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), viêm phổi là bệnh lây nhiễm gây tử vong số một đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Mỗi năm trên thế giới có tới 156 triệu trường hợp trẻ em bị viêm phổi cần được điều trị, mỗi ngày có 2.500 trẻ tử vong vì bệnh viêm phổi. Còn ước tính ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ em viêm phổi.

Mới đây, trong buổi tọa đàm “Phòng ngừa viêm phổi, bảo vệ trẻ em” do Hội Y học dự phòng phối hợp với tạp chí Mẹ và Con cùng Văn phòng đại diện GlaxoSmithKline Pte tổ chức tại TPHCM , BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết phế cầu khuẩn là vi khuẩn hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ nhỏ. Viêm phổi do phế cầu là bệnh có nguy cơ tử vong cao, vượt 50% ở nhóm bệnh nhân là trẻ nhỏ và người già. Ở các nước đang phát triển, tử vong do phế cầu chủ yếu là viêm phổi.

Causes-and-Symptoms-of-Pneumonia-in-Children

Viêm phổi có thể khởi phát nhanh và đột ngột trong vòng một ngày hoặc vài ngày. Các triệu chứng của bệnh như ho nhiều, lạnh, sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau ngực, đau cơ, mệt mỏi, ho ra đàm. Những biểu hiện này khá giống với bệnh cảm cúm nên các bậc phụ huynh dễ bỏ qua hoặc xem nhẹ.

Theo BS. Khanh, do thiếu kiến thức y khoa nên các bậc cha mẹ chỉ mới chú trọng đến triệu chứng thở khò khè của trẻ, trong khi triệu chứng thở nhanh (trên 40-50 lần/phút) và lồng ngực di chuyển không bình thường khi thở dễ dàng bị bỏ qua. Đến khi trẻ thở khó, có dấu hiệu tím tái thì bệnh đã trở nặng.

Học cách phòng bệnh viêm phổi

Tuy là căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa, chữa trị thì trẻ có thể thoát khỏi nguy cơ tử vong do bệnh viêm phổi.

BS. Khanh cho biết, vi khuẩn phế cầu thường được lây truyền nhiều nhất qua đường không khí (ho, hắt hơi), tiếp xúc với người bệnh hoặc người khỏe mạnh có mang phế cầu khuẩn trong người. Vì thế, để phòng vi khuẩn cần thường xuyên rửa tay, sử dụng nguồn nước sạch, lắp đặt hệ thống thông gió trong nhà hợp lý và sử dụng các thiết bị nấu nướng sạch (không tạo khói) giúp ngăn ngừa bệnh viêm phổi.

Ngoài ra, ông Khanh khuyên rằng nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu để tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ, đồng thời có chế độ dinh dưỡng đặc biệt đối với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Các bậc cha mẹ cũng nên học cách quan sát nhịp thở của trẻ để sớm đưa trẻ đi khám bệnh. Thông thường, sau khi trẻ có dấu hiệu ho, khò khè đến ngày thứ ba thì người lớn nên đưa trẻ đi khám bệnh.

Trong quá trình chăm sóc trẻ bị bệnh viêm phổi, cần cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất đi do sốt cao và quan sát nếu trẻ thở nhanh phải báo ngay cho bác sĩ. Ngoài ra, không nên tùy tiện cho trẻ dùng các bài thuốc, mẹo chữa viêm phổi bằng cây lá dân gian nếu chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.

Tiêm vắc xin phòng ngừa phế cầu giúp trẻ tránh xa bệnh viêm phổi và một số bệnh khác do phế cầu gây ra. Đây là biện pháp bổ sung bên cạnh việc kiểm soát môi trường sống và nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tiêm chủng là yếu tố quan trọng nhất để giảm số ca bệnh mới mắc do phế cầu. Chủng ngừa giúp giảm nguy cơ tử vong và tiết kiệm chi phí điều trị bệnh viêm phổi đồng thời hạn chế lây lan bệnh tật trong cộng đồng.

“Việc sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh trong quá trình điều trị bệnh viêm phổi dễ dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc. Tính kháng thuốc ngày càng tăng của vi khuẩn là một quan ngại nghiêm trọng. Hiện nay ở Việt Nam đã có vắc xin phòng bệnh viêm phổi, tuy nhiên đối với trẻ dưới 3 tuổi thì không có tác dụng, còn từ 3 tuổi trở lên thì chỉ có hiệu quả trong vòng ba năm, sau đó trẻ cần tiêm liều vắc xin mới nếu muốn phòng bệnh”, BS. Khanh nói.

Ông Khanh hy vọng trong thời gian tới vắc xin phòng ngừa phế cầu sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng để dân chúng có thể tiếp cận với công cụ phòng bệnh do phế cầu gây ra.

Quỳnh Vân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối