BÌNH AN -
Mùa mưa đã bắt đầu, thời gian này khá nhiều trẻ em mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp. Bên cạnh đó, những bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh về đường tiêu hóa cũng gia tăng khiến số lượng bệnh nhân càng đông hơn ở các bệnh viện.
Phụ huynh đưa trẻ đến khám và điều trị bệnh về đường hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh H.N
Tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, từ đầu mùa mưa đến nay mỗi ngày bệnh viện nhận khám khoảng 6.000-7.000 bệnh nhân, chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, hen suyễn… Các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 mỗi ngày khám gần 6.000 bệnh nhi, cũng với các bệnh tương tự.
Lo ngại sốt xuất huyết, tay chân miệng
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ đầu năm đến nay có gần 8.000 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2015. Chỉ trong ba tuần đầu tháng 6, toàn thành phố có 328 trường hợp bị sốt xuất huyết nhập viện, chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi. Số ca tử vong từ đầu năm đến nay do bệnh sốt xuất huyết là hai ca.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, dự báo lượng bệnh nhi đến khám và điều trị bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng cao trong thời gian tới vì đã vào mùa mưa khiến muỗi sinh sản và phát triển mạnh.
Cục Y tế dự phòng nhận định, thời gian tới, dịch sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Trong khi đó, người dân vẫn còn thờ ơ với việc phòng chống bệnh.
Tại TPHCM, số người mắc bệnh tay chân miệng cũng gia tăng. Trong ba tuần qua, toàn thành phố ghi nhận gần 500 ca nhập viện, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, mọi người cần rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; thường xuyên lau chùi các bề mặt tường, sàn nhà, đồ vật, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, đặc biệt là đồ chơi, vật dụng học tập của trẻ.
Bệnh đường hô hấp cũng gia tăng
Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, khí hậu ẩm thấp trong mùa mưa tạo điều kiện thuận lợi cho siêu vi trùng phát triển, vì thế trẻ thường dễ mắc các bệnh liên quan đến siêu vi.
Hiện mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 có khoảng trên 150 trẻ nằm điều trị ở khoa, trong khi mùa nắng chỉ có khoảng 100 trẻ nằm điều trị về bệnh này. Phần lớn bị bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen suyễn… là những bệnh trẻ rất dễ mắc trong mùa mưa.
Theo bác sĩ Tuấn, để đề phòng những bệnh này, phụ huynh cần tránh cho trẻ không bị thay đổi thời tiết đột ngột bằng cách giữ ấm, ăn uống đủ chất, đặc biệt uống nước cam, chanh, ăn rau, củ để có sức đề kháng phòng bệnh.
Ngoài ra, theo các bác sĩ khoa nhi, mùa mưa cũng là điều kiện cho các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, do độ ẩm cao cộng với thời tiết nắng mưa thất thường.
Do đó, người dân tránh ăn uống ở vỉa hè, tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn uống, thức ăn cần che đậy cẩn thận, vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, loại bỏ các thức ăn thiu, ẩm mốc hoặc đã để lâu ngày.