Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Phòng gym, spa đóng cửa, hội viên hoang mang vì nguy cơ mất tiền

Sống khỏeVận độngPhòng gym, spa đóng cửa, hội viên hoang mang vì nguy cơ...
(SGTT) - Sau thời gian giãn cách xã hội hơn bốn tháng, một số phòng gym lẫn dịch vụ làm đẹp tại TPHCM phải dừng hoạt động do không chịu nổi chi phí duy trì, khiến nhiều hội viên đã mua gói dịch vụ trả trước hụt hẫng vì tiền mất mà chưa được hưởng dịch vụ.

Ngành dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp được đánh giá là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi làn sóng dịch Covid-19. Tại TPHCM, trong gần hai năm qua, hàng loạt phòng gym, spa… đã phải đóng cửa, trả mặt bằng vì không đủ sức cầm cự khi nhiều tháng liên tục kinh doanh thua lỗ. Những người đã mua các gói dịch vụ trả trước đứng trước nguy cơ mất tiền.

Spa, phòng gym thiệt hại nặng nề vì dịch

Trên các diễn đàn, trang mạng xã hội về mua bán nhà đất có thể thấy tràn ngập những thông tin cho thuê hoặc sang nhượng mặt bằng như sang tiệm spa, nail, phòng gym… Dọc theo các tuyến phố tại TPHCM, không khó để bắt gặp nhiều trung tâm thể dục thể hình, cơ sở chăm sóc sắc đẹp vẫn cửa đóng then cài hoặc treo biển thanh lý toàn bộ cửa hàng, cho thuê mặt mặt bằng suốt nhiều tháng mà vẫn chưa tìm được khách thuê.

Đến nay, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại TPHCM được cho phép mở cửa trở lại từ ngày 1-10. Tuy nhiên, với nhóm hoạt động kinh doanh, dịch vụ làm đẹp như đến spa, massage… vẫn chưa được phép hoạt động trở lại để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Điều này khiến nhiều chủ spa đứng trước nguy cơ phá sản, nợ nần khi không còn sức để bám trụ với gánh nặng chi phí mà lớn nhất là tiền thuê mặt bằng.

Chị Trương Quỳnh Hoa, một chủ spa với dịch vụ chăm sóc da, làm móng tại quận Bình Tân, cho biết từ sau Tết, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, cửa tiệm bắt đầu vắng khách. Có những lúc cả tuần chỉ có lác đác vài khách quen đến gội đầu, massage mặt.

Chị Hoa không ngần ngại chia sẻ “Thu nhập giảm hơn 80% nhưng tôi vẫn quyết tâm duy trì vì đây là công sức gần 2 năm tôi xây dựng thương hiệu”. Vào thời điểm tháng 5-2021 khi bắt đầu đợt gia hạn thời gian thuê nhà, chị vẫn tiếp tục ký hợp đồng thuê mặt bằng thêm hai năm với suy nghĩ dịch bệnh có thể nhanh chóng được “dập tắt” như cuối năm 2020. Vì vậy, chị đã đầu tư hơn 240 triệu đồng ho chi phí mặt bằng và lương nhân viên, đồng thời vay mượn khoảng 80 triệu đồng để mua thêm bàn ghế, mỹ phẩm...

Tuy nhiên, thời gian giãn cách xã hội kéo dài, spa đóng cửa liên tục suốt nhiều tháng dẫn đến doanh thu của cửa tiệm luôn là con số 0. Điều này khiến chị Quỳnh Hoa điêu đứng trước nguy cơ phá sản, nợ nần. Nhận thấy tình cảnh “càng kéo dài càng lỗ” bởi dù thành phố có cho mở lại tất cả các hoạt động thì loại hình dịch vụ này cũng bị xếp ưu tiên cuối cùng, đến đầu tháng 10, chị Hoa đành quyết định chia tay “đứa con tinh thần”, chấp nhận sang toàn bộ cửa tiệm gồm hợp đồng thuê nhà, tất cả dụng cụ làm nghề để lấy tiền trả nợ nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được khách thuê.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Bích Vân, chủ tiệm Săn sóc da mặt Bích Vân tại đường Tân Hóa, quận 6, TPHCM cũng gặp nhiều khó khăn khi cửa tiệm đã ngưng hoạt động suốt nhiều tháng, nguồn thu nhập bị giảm 100%. Vì vậy, chị Vân quyết định xoay xở bằng cách bán hàng online với các mặt hàng như rau củ, trái cây, hải sản… phục vụ các gia đình quanh nơi chị đang sinh sống. Dù khoản lợi nhuận từ nghề tay trái không thể như trước nhưng khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, lựa chọn kinh doanh này là hướng khả thi để giảm bớt gánh nặng chi phí mặt bằng.

Khi tìm kiếm trên Google với từ khóa "sang tiệm spa tại TPHCM" chỉ với 0,69 giây đã cho ra hơn 5 triệu kết quả. Ảnh chụp màn hình
Bên cạnh đóng cửa, trả mặt bằng, một số cơ sở làm đẹp chuyển sang bán rau củ quả trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: Minh Thảo
Spa phải dừng hoạt động chưa hẹn ngày mở cửa, nhiều bàn ghế, đồ dùng chuyên dụng… được xếp gọn một góc. Ảnh: Bích Vân

Không chỉ ngành nghề chăm sóc làm đẹp, rất nhiều chủ phòng gym cũng “gãy cánh” do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Anh Quý Đạt, một huấn luyện viên đồng thời là chủ của một phòng gym nhỏ tại đường Tỉnh lộ 10, quận Bình Tân TPHCM, vẫn đang rao tin sang nhượng phòng gym với hợp đồng thuê mặt bằng 2 năm, cũng như toàn bộ dụng cụ, máy tập thể dục.

Phòng tập chỉ mở cửa được 3 tháng đã phải dừng hoạt động vì dịch Covid-19 bùng phát. Trong tháng đầu tiên, anh Đạt vẫn cố gắng duy trì nhân sự. Tuy nhiên, đến tháng thứ hai, khi nguồn thu tiếp tục không có, nhiều loại máy tập cả trăm triệu bám bụi, khoản vay khi mở phòng tập vẫn phải trả hàng tháng… khiến anh Đạt và cả gia đình gần như kiệt quệ.

Gần bốn tháng vừa qua, anh Đạt phải vay nợ để trang trải các chi phí của phòng tập. Dù đã được chủ nhà giảm 50% giá thuê mặt bằng nhưng “tôi không thể gắng gượng nổi bởi với tình hình dịch bệnh như hiện nay, thành phố có thể buộc ngưng hoạt động loại hình kinh doanh này bất cứ lúc nào. Những cơ sở kinh doanh nhỏ như tôi sẽ bị thiệt hại rất lớn. Khi đưa ra quyết định sang nhượng phòng tập, tôi thật sự rất tiếc vì đã bỏ ra nhiều công sức, tiền bạc giờ lại tan thành bọt biển”, anh Đạt giải bày.

Một số chuỗi phòng gym vẫn chưa mở cửa trở lại. Ảnh: Minh Thảo
Người mua gói dịch vụ đứng trước nguy cơ mất tiền

Khi đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, ngành nghề chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp gặp nhiều khó khăn về tình hình kinh doanh, tài chính. Các chuỗi phòng gym, yoga nổi tiếng cũng không đủ sức chống chịu. Nhiều phòng gym rao bán gấp hay thông báo phải dừng hoạt động “không xác định thời hạn" như chuỗi phòng gym WeFit, hệ thống phòng tập Lamita Dance Fitness, Trung tâm Bee You Fitness & Yoga Cầu Giấy (Hà Nội)… Điều này khiến nhiều người đã mua thẻ hội viên theo gói lo ngại về nguy cơ mất tiền.

Chị T. đã mua gói dịch vụ chăm sóc sắc đẹp tại quận 3 TPHCM cho biết trước dịch chị vừa gia hạn gói dịch vụ tại spa này với giá 8 triệu đồng và mới sử dụng hai lần. Trước khi chính thức không được hoạt động thì chị cho biết đã không dám đi spa vì sợ nguy cơ lây bệnh, bây giờ đã bốn tháng spa không được hoạt động và không biết đến khi nào được hoạt động lại. Chị rất lo spa phá sản thì coi như chị mất tiền. "Lúc đó không biết kêu ai, cũng không muốn đi báo công an vì còn đi làm, hơi sức đâu chạy theo vụ kiện mà không biết có lấy lại tiền được nguyên vẹn không", chị T nói.

Một hệ thống phòng gym F. đã tuyên bố đóng cửa và phá sản với lý do không có nguồn thu, mất khả năng chi trả các khoản phí, đồng thời “không nhận được sự hỗ trợ về mức giá thỏa thuận cho mùa dịch nên không được tiếp tục sử dụng mặt bằng tại đây”, thông tin ghi trên fanpage của phòng gym này.

Tuy nhiên, việc phòng gym F. đóng cửa bất ngờ khiến nhiều người đang sử dụng dịch vụ tại đây bức xúc vì hội viên đã đóng tiền các khóa học trước thời điểm dịch, vẫn chưa có giải quyết thỏa đáng.

Một phòng gym F. bất ngờ thông báo đóng cửa và phá sản. Ảnh chụp màn hình

Theo chị Vũ Thị Yến Nhi, một hội viên tại chi nhánh gym F. ở quận Bình Thạnh, vào ngày 5-5-2021, chị đăng ký gói tập 6 tháng với khoản phí 3.360.000 đồng và đã đặt cọc trước số tiền là 1.650.000 đồng, dự tính tháng kế tiếp sẽ đóng 50% còn lại nhưng hai ngày sau thành phố có lệnh đóng cửa phòng gym vào đầu tháng 5, phòng tập ngừng hoạt động do dịch Covid-19.

Trong thời gian đóng cửa, khi chị Nhi hỏi về vấn đề hỗ trợ cho hội viên, một nhân viên sale của phòng tập cho biết vì đang dịch nên cơ sở này chưa có chính sách hỗ trợ. Sau đó, phòng tập này bất ngờ thông báo đóng cửa và phá sản. Chị Nhi lập tức liên hệ với nhân viên sale thì nhận được thông tin người này đã nghỉ việc vào tháng 5. Khi chị liên hệ qua 2 số điện thoại được cung cấp nhưng đều “bặt vô âm tín”.

Việc phòng gym F. bất ngờ đóng cửa nhưng không có thông báo rõ ràng về hỗ trợ cho hội viên đã đóng tiền mà chưa sử dụng hết, khiến nhiều người rất hoang mang và cảm thấy bị lừa dối.

Một trường hợp khác, anh Bùi Ngọc là hội viên tại Gym T. N. (quận Tân Phú), đăng ký gói tập 2.000.000 đồng/năm (thông qua chương trình giảm giá) nhưng chỉ mới tập một vài buổi phải nghỉ dịch. Mới đây nhất, anh Bùi Ngọc nhận được thông tin phòng tập tại quận Tân Phú đóng cửa. Tất cả hội viên chuyển về chi nhánh khác để tiếp tục tham gia khóa tập. Điều này khiến rất nhiều hội viên không hài lòng vì các chi nhánh tập của Gym T. N. rất xa so với địa điểm đăng ký tập trước đó.

“Cơ sở này nên trả lại tiền cho những người còn thời hạn tập, không thể ép hội viên đi xa như thế này được. Rất nhiều người bận rộn không thể di chuyển quá xa so với chỗ ở”, anh Ngọc bày tỏ bức xúc. Ngoài ra, nhiều người liên hệ về vấn đề đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng hết thì không nhận được phản hồi nào từ phía phòng tập.

Một phòng gym có tên T. N. bất ngờ thông báo ngưng hoạt động ở chi nhánh quận Tân Phú. Ảnh: Minh Thảo

Tương tự, anh Quang Trường từng đăng ký tập ở Gold Gym tại đường Phạm Thế Hiển (quận 8) với gói chi phí 350.000 đồng/tháng nhưng chỉ tập khoảng tháng thứ 3 phải ngưng lại vì dịch Covid-19.

“Sau khi tình hình dịch ổn định, tôi quay lại phòng gym thì nhận được thông báo thẻ thành viên đã hết hạn và phải đăng ký tháng mới”, anh Trường cho biết. Như vậy, dù đã đóng đủ các khoản chi phí nhưng trong thời điểm phòng gym đóng cửa, số buổi tập của hội viên vẫn không được gia hạn. Thời gian vừa qua, khi những sự việc như vậy xảy ra, quyền lợi của hội viên đều bị bỏ rơi và không biết kêu ai.

Làm thế nào đảm bảo quyền lợi của hội viên?

Hiện nay, các loại hình cung cấp dịch vụ sức khỏe và làm đẹp như phòng gym, yoga, thẩm mỹ viện, spa… thường đưa ra những chương trình dài hạn với giá cả hấp dẫn. Hội viên thường mua gói nửa năm, hay cả năm để được hưởng chiết khấu cao. Việc bất ngờ thông báo đóng cửa, tạm ngưng hoạt động khiến người đã bỏ ra nhiều triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng để mua trước dịch vụ có nguy cơ mất trắng tiền.

Anh Bùi Minh Tỉnh, hiện đang là quản lý của một trung tâm thể hình ở quận 7, TPHCM, cho biết "Trong thời điểm dịch kéo dài, trung tâm tạm ngưng hoạt động, với những khách đã mua các gói dịch vụ dài hạn và không còn nhu cầu tập luyện, bên mình hoàn trả lại tiền đúng với thời gian tập còn lại cho hội viên. Với trường hợp vẫn sử dụng dịch vụ của trung tâm sẽ được cộng dồn ngày tập để khách có thể trở lại ngay khi trung tâm hoạt động trở lại".

Theo anh Tỉnh, khi đăng ký tham gia một khóa tập thể dục hoặc yoga, việc nảy sinh tranh chấp là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, các hội viên nên cẩn thận ngay từ khi ký hợp đồng. Trường hợp xảy ra sự cố, khách hàng sẽ tránh được những tổn thất, tranh cãi nếu bên cung cấp dịch vụ vì một lý do nào đó ngưng cung cấp dịch vụ.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, Luật sư Vy Trọng Thành, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết đối với trường hợp một bên cung cấp dịch vụ tập gym, yoga, thể hình và một bên là người sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ thanh toán tiền và một bên có nghĩa vụ cung cấp dịch vụ cho bên sử dụng dịch vụ để hai bên đạt được mục đích của mình. Khi hai bên xác lập giao dịch dân sự này, dù không thể hiện bằng văn bản cụ thể nhưng giao dịch này phù hợp với quy định pháp luật, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì vẫn được xem là một hình thức của hợp đồng và được pháp pháp luật công nhận và bảo vệ.

Để đảm bảo quyền lợi khi ký hợp đồng hoặc thanh toán biên nhận với bên cung cấp dịch vụ thì người sử dụng dịch vụ nêu chú ý các vấn đề sau:

  • Cần tìm hiểu trước bên cung cấp dịch vụ là ai?
  • Có giấy phép đăng ký kinh doanh hay không?
  • Đại diện đứng ra ký hợp đồng/phiếu thanh toán tiền bên phía cung cấp dịch vụ là ai? Chức vụ gì? Nếu không phải đại diện theo pháp luật của công ty hoặc chủ hộ kinh doanh thì có giấy ủy quyền hay không?
  • Trong phiếu thanh toán cần ghi cụ thể nội dung thanh toán cho dịch vụ nào?

Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “ Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác”.Vì vậy, trong trường hợp bên sử dụng dịch vụ không được cung cấp dịch vụ theo thỏa thuận giữa các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của bên sử dụng dịch vụ không được đảm bảo, bên sử dụng dịch vụ có thể khởi kiện đến cơ quan Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Minh Hoàng - Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây