Minh An-
Số người mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao. Trong đó, phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh tim và đột tử cao hơn đàn ông.
6% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện trên thế giới, cứ 11 người trưởng thành thì có một người mắc bệnh đái tháo đường, trong đó 46,5% người bị bệnh chưa được chẩn đoán.
Thạc sĩ-bác sĩ Lại Thị Thu Hương, đang công tác tại Trung tâm y tế quận Gò Vấp (TPHCM), cho biết thông tin này khi truyền thông về ngày Đái tháo đường của thế giới năm nay (ngày 14-11) tại Trung tâm Truyền thông và giáo dục sức khỏe TPHCM vào giữa tháng 10-2017.
Có ba phần tư số người mắc bệnh đái tháo đường sống ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Mỗi 6 giây có một người chết vì bệnh đái tháo đường. Có hơn 199 triệu phụ nữ sống với bệnh đái tháo đường, và dự báo sẽ tăng lên 313 triệu người vào năm 2040.
Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), hiện Việt Nam có 3,5 triệu người trưởng thành mắc đái tháo đường, tương đương 6% dân số, và dự kiến đến năm 2040 sẽ có 6,1 triệu người trưởng thành có thể mắc đái tháo đường, tăng hơn 74%. Hiện có đến 52,7% bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam chết vì căn bệnh này trước 60 tuổi.
Theo BS. Thu Hương, bệnh đái tháo đường là nguyên nhân thứ chín gây tử vong ở phụ nữ trên toàn cầu, gây ra 2,1 triệu người chết mỗi năm. Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường típ 2 có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao gấp 10 lần so với phụ nữ không bị đái tháo đường. Phụ nữ bị đái tháo đường típ 1 có nguy cơ cao sẩy thai sớm hoặc có con bị dị tật.
Phụ nữ bị đái tháo đường cũng có nhiều khả năng mắc cơn đau tim với tỷ lệ cao hơn gần 50% so với nam giới bị mắc bệnh này. Phụ nữ bị đái tháo đường thường phải chịu đựng khổ sở về vấn đề tim mạch gấp khoảng ba lần so với phụ nữ không mắc bệnh này.
BS. Thu Hương cũng cho biết, phụ nữ đái tháo đường có nguy cơ bị bệnh tim mạch, đột quỵ và tử vong cao hơn so với những phụ nữ không mắc bệnh này, và cao hơn cả đàn ông. Đây là những biến chứng đáng lo ngại nhất.
Khi bị đái tháo đường, lượng đường trong máu cao lâu ngày sẽ làm tổn thương mạch máu và các dây thần kinh, dẫn đến viêm mạch máu, khiến mạch cứng lại. Các mạch máu lưu thông vào các vùng khác nhau của cơ thể bị tắc nghẽn, có thể gây đau tim, đột quỵ.
Cứ mỗi 5 phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường, có 2 người đang trong độ tuổi sinh đẻ. Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thụ thai, và thai kỳ có thể có dư hậu xấu. Nhiều phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ gặp các biến chứng có liên quan đến thai nghén, bao gồm cao huyết áp, trẻ sơ sinh nặng ký, và chuyển dạ khó.
Tập thể dục thường xuyên ngăn ngừa bệnh
Theo bác sĩ Trần Minh Triết - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, đái tháo đường được xem là một trong những “đại dịch” của nhân loại trong thế kỷ 21, và trở thành gánh nặng về kinh tế xã hội với nhiều quốc gia trên thế giới vì tính chất phổ biến của nó.
Đặc biệt, đối với phụ nữ, khoa học đã chứng minh phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thường có tâm lý chịu đựng và bệnh diễn tiến nặng, dễ gây tăng huyết áp, tim mạch và có thể gây đột quỵ. Do đó, khi bị bệnh đái tháo đường, bệnh nhân nên có chế độ ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng, giảm ăn tinh bột, và phải được thăm khám và điều trị liên tục.
Để điều trị bệnh đái tháo đường hiệu quả, BS. Trần Minh Triết khuyên người bệnh tập thể dục mỗi ngày, ít nhất 30 phút, bằng cách vận động vừa phải như chạy bộ, tập dưỡng sinh, tập yoga,...
BS. Thu Hương cũng cho hay, bệnh này có thể ngăn ngừa đến 70% trường hợp mắc bệnh đái tháo đường típ 2 thông qua việc áp dụng lối sống lành mạnh. Phụ nữ là những người quản lý việc dinh dưỡng chính trong gia đình cũng như hành vi, lối sống. Do đó, họ có khả năng phòng ngừa bệnh ngay từ trong gia đình, như ăn nhiều trái cây, rau củ quả, yến mạch, hoặc thỉnh thoảng ăn gạo lức, giảm lượng đường trong bữa ăn hàng ngày.
Trẻ vị thành niên cần được tạo điều kiện chơi thể thao bơi lội, cầu lông, chạy bộ... để phòng ngừa bệnh đái tháo đường.
[box] Khoai lang tốt cho người đái tháo đường típ 2
Những người mắc đái tháo đường được khuyên cẩn trọng với những thực phẩm họ tiêu thụ hằng ngày để kiểm soát tốt các triệu chứng như đói và khát quá mức, mệt mỏi, và nhìn mờ. Bởi vì, một số thực phẩm có thể làm lượng đường trong máu tăng cao.
Theo trang express.co.uk, có một số thực phẩm có vị ngọt và có thể giúp ổn định lượng đường huyết. Trong đó, khoai lang là thực phẩm được đánh giá là hoàn toàn an toàn cho người bị đái tháo đường vì có chỉ số đường huyết của thực phẩm (GI – tức tốc độ làm tăng đường huyết của thực phẩm) thấp và lượng chất xơ cao. Chỉ số GI của khoai lang là 44 (chỉ số GI từ 0-55 là thấp). Ngoài ra, chất xơ tự nhiên từ vỏ của khoai lang cũng giúp ổn định đường huyết, do đó các chuyên gia khuyên không nên bỏ vỏ khoai lang khi nấu. Chỉ số GI thấp của khoai lang được duy trì tốt khi thực phẩm này được chế biến trong dầu ăn, trong khi khoai lang luộc lại có khả năng làm tăng đường huyết vì được tiêu hóa nhanh hơn.
Các thực phẩm khác cũng có chỉ số GI thấp là bánh mì từ bột thô, đậu lăng (lentils), các loại đậu, và rau. Tuy nhiên, người bị đái tháo đường nên cẩn trọng với những thực phẩm như khoai tây, bánh mì trắng, và gạo trắng.
Khánh Lâm [/box]