Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Phụ nữ thôn quê cần được bảo vệ

Thanh Vũ -

Hầu hết phụ nữ ở nông thôn sống cam chịu, an phận, đặc biệt là sau khi đã lập gia đình. Trong thời chiến cũng như thời bình, phụ nữ thôn quê giỏi việc đồng áng, quán xuyến gia đình, nữ công gia chánh... phải nói là số một. Nhưng do lối sống an phận và cách suy nghĩ có phần xưa cũ “phu xướng phụ tùy” nên nhiều phụ nữ – dù không lệ thuộc chồng về mặt kinh tế, cũng không phải là người yếu đuối – khi bị bạo hành vẫn nhẫn nhịn cho qua.

Đơn cử là câu chuyện của đôi vợ chồng trong xóm tôi. Chị vợ là người phụ nữ giỏi giang. Mọi việc chăm sóc gia đình, con cái trong nhà đều do một tay chị làm lấy. Mới tờ mờ sáng chị đã dọn hàng bán cháo, trưa thì bán cơm, chiều bán ốc. Tối chị phải thức đến khuya may gia công. Nhà nghèo, chị ý thức được điều đó nên ra sức làm. Thế mà anh chồng suốt ngày rượu chè be bét, chẳng giúp vợ dù chỉ là việc nhỏ. Ngay cả chiếc ghế hư người vợ cũng tự tay mang búa, đinh ra để sửa lại. Không phụ vợ thì thôi, người chồng suốt ngày hăm he bán đất, vợ không đồng ý thì anh đánh. Cũng vì chuyện này mà có lần người vợ bị chồng lấy ghế đập vào đầu đến nỗi phải nhập viện. Mặc dù trưởng công an khu vực sống ở gần đấy nhưng chuyện bạo hành trong gia đình vẫn xảy ra. Bà con trong xóm khuyên người vợ làm đơn thưa chồng với công an xã nhưng chị lại thở dài nói thôi.

Đó là tâm lý của hầu hết phụ nữ ở thôn quê khi bị chồng bạo hành. Nhiều lần bị chồng đánh đến thừa sống thiếu chết nhưng sau cơn sóng gió ấy, họ vẫn trở lại bên người chồng bình thường như chưa hề xảy ra chuyện gì. Giận lắm, uất ức lắm thì cũng mang đồ về nhà ba mẹ ruột ở vài ngày rồi cũng trở lại nhà chồng. Có chị, khi chồng bị công an xã bắt giam vài ngày thì chạy đến bảo lãnh. Cũng bởi họ sợ ảnh hưởng đến việc học hành và tâm lý của con trẻ. Lại có nhiều phụ nữ dù đã hết duyên với chồng nhưng vẫn chung sống, không ly dị vì sợ cảnh tan đàn xẻ nghé sẽ không ai lo cho con cái, mà chúng sống thiếu cha thì tội nghiệp và nhiều khi lo lắng bị xóm làng chê cười.

Thường khi có chuyện bạo hành, chính quyền địa phương can thiệp thì người chồng lớn tiếng: “đây là chuyện riêng gia đình tôi, đừng can thiệp vào”. Pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng về quyền phụ nữ cũng như quyền con người. Điều 20 Luật Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Hành vi bạo hành là vi phạm pháp luật. Nhưng hiếm thấy ở làng quê, ông chồng đánh vợ hay loạn luân với con gái bị buộc phải ngồi tù (trừ những trường hợp mang tính chấn động dư luận và được các cơ quan truyền thông phản ánh). Thường chính quyền địa phương đưa các cặp vợ chồng này ra hòa giải, phạt lao động công ích chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự. Đã đến lúc cơ quan chức năng địa phương cần mạnh tay với nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em. Không thể xử lý theo kiểu “cố gắng hòa giải theo trách nhiệm” mà hầu như không có biện pháp kiểm tra, theo dõi để ngăn nạn bạo hành tái diễn. Ngoài việc tuyên truyền cho cả gia đình hiểu về luật phòng chống bạo lực gia đình, các cơ quan quản lý cấp cơ sở cũng cần hướng dẫn phụ nữ, các bé gái ở độ tuổi dậy thì kỹ năng tự bảo vệ mình, và biết tìm sự trợ giúp khi cần thiết. Phụ nữ, đặc biệt là các bà mẹ chồng quê hãy thôi ngay kiểu bao che hành vi bạo hành của con trai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối