Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Phương tiện hỗ trợ luyện tập đạp xe tại nhà

(SGTTO) - Gần một năm trở lại đây, xu hướng tập đạp xe tại nhà đang dần phổ biến, nhất là trong mùa dịch Covid-19 nhiều người hạn chế ra ngoài.

Một khi các thiết bị tập đạp xe tại nhà chính hãng xuất hiện trên thị trường nhiều hơn, cộng đồng chơi môn thể thao này sẽ lớn dần lên.

Hiện nay, những vận động viên tập môn xe đạp hay vận động viên chơi ba môn phối hợp đang có xu hướng chuyển sang luyện tập đạp xe tại nhà. Vận động viên Huỳnh Trung Tín, có hơn ba năm kinh nghiệm chơi ba môn phối hợp, cho biết cộng đồng đạp xe đã biết đến xu hướng đạp xe tại nhà từ lâu rồi nhưng do trước đây thị trường chưa có nhiều nhà phân phối thiết bị đạp xe tại nhà, phần lớn là hàng xách tay nhưng số lượng hàng cũng ít nên không thu hút nhiều người tập.

Từ năm ngoái, thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều thiết bị đạp xe tại nhà, trong đó thiết bị của thương hiệu Wahoo đã có nhà phân phối chính thức, nhu cầu đạp xe tại nhà theo đó cũng tăng nhanh.

Trainer hay gọi là rulo. Ảnh: Wahoo

Trải nghiệm đạp xe cảm giác thật tại nhà

Để tập đạp xe tại nhà, người đạp cần mua thiết bị trainer hay còn gọi là rulo gắn vào bánh sau của xe đạp và nâng xe đạp lên khi đạp. Xe đạp đua và xe đạp chạy trên đường đều gắn được vào trainer. Trừ những loại xe đạp cho trẻ em hay loại xe đạp nhỏ gọn có thể gấp lại là không gắn được vào trainer do kích thước của bánh xe quá nhỏ.

 

Phần mềm Zwift cho phép người tập tương tác với cộng đồng chạy như chơi game. Ảnh: Vận động viên Huỳnh Trung Tín

Có rất nhiều loại trainer nhưng nhìn chung có hai loại chính gồm trainer thường và smart trainer. Trainer thường có giá bán tầm 3-4 triệu đồng chỉ gồm một thiết bị phần cứng. Còn smart trainer có giá bán trên 10 triệu đồng, có loại gần 30 triệu đồng có thể kết nối với phần mềm đạp xe online như Zwift hay TrainingPeaks. Riêng chỉ có ứng dụng Zwift được thiết kế như game nhập vai, người đạp vừa luyện tập vừa chơi game. Zwift cho phép vận động viên có thể tập chạy trên môi trường giả lập giống như môi trường chạy ngoài đường thực tế.

Ưu điểm và nhược điểm của tập chạy tại nhà

Trên thế giới, các vận động viên đạp xe chuyên nghiệp rất chuộng tập đạp xe tại nhà như vận động viên Lionel Sanders, hạng nhì giải vô địch thế giới Ironman 2017, đã luyện tập phần lớn thời gian tại nhà.

Nếu tập chạy ngoài đường, các vận động viên sẽ gặp rất nhiều rủi ro như trời mưa, gió, kẹt xe, phải dừng đèn đỏ nhiều lần làm cản trở hiệu quả tập luyện. Điều đáng sợ nhất với vận động viên đạp xe là tai nạn giao thông, nhất là khi đang chạy trên đường với vận tốc 35-40km/h.

Tập chạy tại nhà vẫn cho cảm giác rất thật. Ảnh: Vận động viên Huỳnh Trung Tín

Khi đạp xe ở nhà, người tập có thể tiết kiệm thời gian hơn đạp xe ngoài trời vì có thể đạp vào bất cứ lúc nào và không gặp nhiều yếu tố cản trở hay nguy hiểm trên đường.

Ngoài ra, người tập có thể luyện một số động tác hiệu quả hơn. Theo chia sẻ của vận động viên ba môn phối hợp Cao Ngọc Hà trên nhóm Bơi - Đạp - Chạy, đạp xe trong nhà cũng là một cách hiệu quả để tập brick (đạp rồi chạy) của ba môn phối hợp. Tập brick nghĩa là vừa đạp xong thì chạy ngay để chân không được nghỉ ngơi sau khi đạp. Khi tập ở nhà, sau khi bạn đạp xong, bạn có thể ra ngoài đường chạy ngay, lúc đó chân vẫn còn cảm giác nặng giống như lúc mới đạp xong khi bạn đang thi đấu. Bạn cũng có thể chụp ảnh, quay phim các tư thế khi đang đạp xe để điều chỉnh nếu đạp sai.

Tuy nhiên, luyện đạp xe trong nhà một thời gian dài sẽ khiến các vận động viên buồn chán, lười tập và bắt đầu nhớ cảm giác chạy ngoài đường. Hơn nữa, cũng theo vận động viên Cao Ngọc Hà, đạp xe trong nhà cũng làm giảm khả năng điều khiển xe, xử lý tình huống trên đường. Do đó, trước khi thi đấu, các vận động viên vẫn phải tập đạp xe ngoài đường ít nhất một tháng.

Các loại trainer phổ biến hiện nay

Magnetic trainer
Loại trainer này dùng các thỏi nam châm (magnet) để tạo ra lực cản khi đạp. Người dùng phải chọn các cấp lực cản gồm có 5 cấp, cấp 1 là mô phỏng đường bằng phẳng, đạp nhẹ cho đến cấp 5 mô phỏng leo núi, đạp nặng. Giá rẻ, khoảng hơn 2 triệu đồng. Nhược điểm là phát ra tiếng ồn lớn, mô phỏng đường thật không chính xác.

Fluid Trainer
Loại trainer này không dùng cần gạt để chỉnh cấp độ như loại trainer nam châm, mà tùy chỉnh độ nặng nhẹ tùy theo lực đạp của người dùng. Ưu điểm là đạp êm, mô phỏng đường thật tốt. Giá khoảng 4 triệu đến hơn 10 triệu đồng tùy sản phẩm và tùy hãng.

Smart trainer
Loại trainer này đồng bộ với điện thoại hoặc laptop qua cổng bluetooth hoặc ANT+. Người dùng có thể tùy chỉnh lực cản qua ứng dụng với nhiều cấp và độ chính xác hơn nhiều so với hai loại trên. Loại có khả năng mô phỏng đạp càng giống với thực tế giá sẽ càng cao.

Quỳnh Châu

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối