Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Qua thời khách Nhật

MINH DUY - 

Vài năm trước, cơ quan quản lý du lịch Việt Nam đặt mục tiêu thu hút một triệu lượt khách Nhật vào năm 2015 còn phía Nhật Bản kỳ vọng 200.000 lượt du khách Việt đến nước này. Đến hết năm nay, mục tiêu của phía Nhật Bản có thể đạt được nhưng Việt Nam thì vẫn chưa thấy đích.

Vàng son đã xa

buu-dien-TPHCM-la-mot-trong-nhung-diem-khach-nhat-hay-luu-toiBưu điện TPHCM là một trong những điểm được công ty du lịch đưa khách Nhật đến trong city tour.

Thời gian qua, nếu những câu chuyện về thị trường Nga thường được nhắc đến như một đột phá tăng trưởng của ngành du lịch thì khoảng 15 năm về trước Nhật Bản cũng đã làm nên câu chuyện tương tự, thậm chí còn mạnh hơn, đến mức giới du lịch và báo chí dùng chữ “booming” (bùng nổ) để nói về dòng khách du lịch từ xứ sở hoa anh đào đến Việt Nam.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng thần kỳ này không tiếp tục mãi và đến nay nhiều công ty du lịch nhận định thị trường này đã bão hòa, thậm chí giảm. Một số công ty du lịch, trong đó có những công ty lớn, cho biết doanh thu mảng này giảm hơn trước rất nhiều. Trước đây, doanh nghiệp bán nhiều tour trọn gói, đặt trước chỗ trên máy bay để chuẩn bị cho khách đi liên tục trong năm, nhưng nay những tour trọn gói bán ít đi, chỉ bán khi khách có yêu cầu.

“Tour cho khách Nhật không còn đại trà như trước, bán ít tour trọn gói hơn mà thay vào đó là tour cho khách lẻ, khách đi theo dạng sự kiện. Chỉ khi những tour du lịch thuần túy được bán xuyên suốt trong cả năm thì mới thấy được thị trường còn sức hấp dẫn lớn với du khách”, ông Hoàng Hữu Lộc, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist nói.

Bà Dương Thanh Thủy, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Thủy, cho biết lượng khách Nhật đến các trung tâm mua sắm, dịch vụ của công ty này giảm nhiều trong thời gian qua. Mới đây, bà cùng một số đối tác Nhật gặp gỡ để trao đổi các biện pháp thu hút du khách trở lại nhưng vẫn chưa tìm được cách hiệu quả. “Đối tác than giờ bán tour đi Việt Nam khó quá, có thể là do điểm đến cũ, có thể là do những thông tin về những vụ giựt dọc, cướp bóc làm du khách bị thương đã tác động đến quyết định mua tour, nhưng làm cách nào để thay đổi thì vẫn chưa có cách”, bà nói với Sài Gòn Tiếp Thị.

Ông Nguyễn Văn Trấn, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh du lịch APEX, một trong số ít những doanh nghiệp đón khách Nhật nhiều nhất, cũng cho biết tốc độ tăng trưởng giảm dần từng năm, thậm chí năm nay có thể chỉ bằng hoặc tăng chừng vài phần trăm so với năm trước. Du khách mua tour du lịch thuần túy ít đi và sở dĩ công ty vẫn giữ cho lượng khách không sụt giảm là nhờ một số đoàn lớn là học sinh, sinh viên đi thực tập, kết hợp du lịch.

Theo nhiều doanh nghiệp, nguyên nhân làm cho thị trường bão hòa tuy có phần từ sự khó khăn kinh tế của Nhật Bản, nhưng lớn nhất vẫn là ở cách làm du lịch, điểm đến cũ kỹ, dịch vụ cũ và quảng bá chưa nhiều.

Ông Lộc của Saigontourist cho rằng thị trường Nhật bùng nổ ở những năm trước không phải chỉ là công của ngành du lịch trong nước mà còn có phần đóng góp lớn từ phía Nhật Bản ở chích sách khuyến khích công dân nước họ đi du lịch Việt Nam. Từ chính sách đó, hàng loạt chương trình quảng bá điểm đến, giới thiệu ẩm thực Việt Nam được giới thiệu trên truyền hình. “Với người Nhật, khi có điểm đến mới họ tập trung đi theo phong trào, nhưng khi đã đến mà không có cái mới để giữ chân thì sẽ không quay lại. Ngay từ thời còn bùng nổ, khảo sát từ du khách đã có thấy viễn cảnh thị trường giảm như ngày nay. Du khách nói, sẽ quay lại khi có dịp chứ không phải là chắc chắn sẽ trở lại để xem cái gì đó, chẳng hạn như khi đến Bangkok thì họ nói nhất định sẽ trở lại để khám phá Chiang Mai và một số điểm đến khác”, ông nói.

Để chứng minh cho nhận định điểm đến cũ, dịch vụ cũ, nhiều doanh nghiệp nói hơn một thập kỷ qua tour cho khách tại TPHCM vẫn là city tour buổi sáng, nay có thêm chương trình buổi chiều đến Hội trường Thống Nhất, bảo tàng, nhà thờ Đức bà…; tour một ngày đi Củ Chi, Mỹ Tho nay kéo dài thêm ra Phan Thiết, Vũng Tàu; tour trên sông Sài Gòn mà nay đã ít hơn do thiếu bến bãi cho tàu neo đậu. Về show nghệ thuật thì hầu như chỉ có múa rối nước, thời gian trở lại đây có thêm À Ố show nhưng không đủ để đem lại sự phong phú cho khách giải trí; mua sắm thì cũng không có gì mới.

“Doanh nghiệp đã gắng làm mới tour nhưng rất khó. Những điểm đến ở đồng bằng sông Cửu Long thì luôn na ná như nhau, thậm chí có nhiều điểm nay xơ xác hơn trước thì làm sao có tour hấp dẫn”, ông Trấn của APEX nói.

Quảng bá điểm đến địa phương

Một sự thay đổi trong xu hướng khách Nhật đến Việt Nam là tuy số lượng khách đến TPHCM vẫn nhiều hơn so với các địa phương khác nhưng gần đây ngày càng nhiều du khách chọn đến miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng, thay vì đổ dồn đến TPHCM và một số điểm đến ở đồng bằng sông Cửu Long như trước.

Xu hướng này đã được ông Tadashi Yamaguchi, Phó phòng Du lịch nước ngoài, Hiệp hội Lữ hành Nhật Bản (JATA), dự báo vào năm ngoái, khi bàn về cách thu hút khách Nhật. Lúc đó, ông cho biết, tại Nhật Bản, việc bán tour đến TPHCM đã bão hòa, vì thành phố có ít sản phẩm tour cho du khách. Với loại tour phổ biến là kết hợp TPHCM với Siêm Riệp của Campuchia hiện cũng không còn hút khách và lượng khách cao tuổi – lượng khách chính của tour này – không quay lại.

Theo ông, TPHCM nên hợp tác với những địa phương như Phan Thiết để kết nối với các resort, kết hợp với điểm đến ở Cái Bè, Mỹ Tho hay Phú Quốc, Côn Đảo để có thêm điểm đến, hay hợp tác với miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng, sau khi có đường bay nối Đà Nẵng – Nhật Bản.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng thị trường đang dần thay đổi theo xu hướng này và đây là cơ hội để tăng cường quảng bá cho các điểm đến địa phương để thu hút khách. “Lượng khách mua tour ra Đà Nẵng ngày càng nhiều, đặc biệt là những du khách trẻ”, bà Đinh Nguyễn Ngọc Giang, phụ trách mảng du lịch quốc tế của Công ty Du lịch S.M.I, nói.

Có cùng nhận định, ông Trấn của APEX cho biết phần lớn khách Nhật đến Đà Nẵng, miền Trung thường tự đặt vé máy bay, khách sạn, đến nơi rồi mới mua tour tham quan. “Du khách chủ động hơn trong việc lựa chọn điểm đến thay vì dựa hẳn vào các công ty du lịch để đi các tour trọn gói như chục năm trước. Vì vậy, thay vì cho du khách biết điểm đến Việt Nam chung chung thì những nơi này nên chủ động quảng bá điểm đến địa phương, cộng thêm các dịch vụ tại chỗ tốt thì sẽ thu hút được nhiều khách”, ông nói.

Một số doanh nghiệp cho rằng với số lượng đường bay nối Đà Nẵng, miền Trung đến Nhật Bản ngày càng nhiều thì những sản phẩm liên quan đến khu nghỉ dưỡng miền Trung đang hứa hẹn thu hút đông du khách hơn. Do đó, nếu các địa phương, doanh nghiệp trong khu vực liên kết để tạo nên một thương hiệu duy nhất thì sẽ có lợi thế thu hút khách rất lớn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối