Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Quái kiệt khẩu cầm cổ nhạc

HÀ ĐÌNH NGUYÊN -

Người dân Nam bộ đã quá quen với cây đàn ghi-ta phím lõm hoặc cây đàn sến dùng để đệm cho người ca vọng cổ hay ca tài tử. Thế nên, nhiều người đã kinh ngạc khi chứng kiên một quái kiệt chỉ dùng... miệng của mình để “đờn” cho người khác ca cổ nhạc.

Nghệ-nhân-Bảy-On-đang-đờn-bằng-miệng-cho-ca-sĩ-cải-lương-Ngọc-Đợi--trong-một-gameshow-truyền-hìnhNghệ nhân Bảy On đang “đờn bằng miệng” cho ca sĩ cải lương Ngọc Đợi trong một gameshow truyền hình.

Lang thang trên Facebook, vào trang của nghệ sĩ Thanh Bạch, thấy anh tải lên một video clip trong một tiệc cưới có hai người đàn ông giúp vui. Mỗi người cầm một micro, anh này ca vọng cổ, anh kia đệm đờn bằng… miệng. Quả thật, nếu đừng nhìn vào màn hình và lắng tai nghe tiếng nhạc đệm thì chắc chắn không ai có thể nghĩ rằng những tiếng đàn thánh thót, luyến láy và đầy âm sắc kia lại được “lẩy” ra từ miệng của một con người.

Người viết liên lạc với nghệ sĩ Thanh Bạch, anh cho biết người này tên là Bảy On, bán vé số ở Thủ Thừa, Long An. Chúng tôi lên đường đi tìm quái kiệt chỉ với chừng ấy thông tin. Cứ ngỡ sẽ rất khó khăn vì Thủ Thừa là một huyện rất rộng của Long An, tìm người như đáy biển mò kim. Ai ngờ mới hỏi “ông Bảy On bán vé số”, người ta nhao nhao: “Ông thầy đờn bằng miệng chớ gì, ở ấp 4, xã Mỹ An đó”.

Nghệ-nhân-Bảy-OnNghệ nhân Bảy On.

Bảy On có dáng đậm người, nước da ngăm đen khiến nhiều người nghĩ anh gốc Khmer, nhưng anh cho biết: “Tui là người Việt rặt, tên đầy đủ là Trịnh Văn On, sinh năm 1968 tại… đây luôn”. Sinh ra trong một gia đình nông dân chẳng dính líu gì đến nghệ thuật, Bảy On từng đi bộ đội rồi về quê làm ruộng. Miệt quê Nam bộ, hầu như bất cứ đám nào (đám cưới, đám tang, đám giỗ và cả… đám nhậu) thì chỗ nào cũng có ca vọng cổ, hát cải lương kèm theo tiếng đờn ghi-ta phím lõm lảnh lót. Bảy On nghe riết rồi nhập tâm từng chữ đờn.

Mỗi lần nghe ai ca là miệng anh lẩm bẩm theo tiếng đờn, riết rồi quen.

Bảy On khởi nghiệp “đờn” từ những cuộc nhậu với bạn bè. Rượu vô là ai cũng “mắc” ca, vậy là tìm cây ghi-ta phím lõm. Bảy On xua tay: “Thôi khỏi, tui đờn… miệng cho”. Tưởng là giỡn chơi, ai dè Bảy On đờn ngon lành. Được sự tán thưởng và khuyến khích của bạn bè, Bảy On cố gắng phát huy khả năng của mình. Trước tiên là luyện tập cho khẩu âm của mình có được tiếng vang, âm thanh từ trong cổ họng phát ra nghe to hơn người bình thường. Tập nín thở mà phát ra chữ đờn, càng lâu càng tốt. Rồi tập bật ngón tay, dùng ngón cái và ngón giữa chụm vào nhau và bật một cái – âm thanh phát ra không khác gì tiếng gõ của chiếc mõ gỗ dùng trong đờn cải lương, ca cổ.

Thế là Bảy On có thêm tiếng song loan đệm vào bài ca cổ. Tập luyện mãi cho đến lúc các thầy đờn thứ thiệt trong vùng gật đầu, chấp nhận “Được đó mậy” mới thôi. Rồi lối xóm chung quanh, có tiệc tùng hiếu hỉ, đám bạn lên sân khấu ca, kéo theo “thầy đờn miệng”. Bảy On xuất hiện trên các “liên hoan sân khấu” từ đó.

Khoảng 3-4 năm nay, Bảy On hành nghề bán vé số. Với chiếc xe máy cà tàng, chiếc cặp nhỏ đựng vé số đeo chéo hông. Bảy On rong ruổi khắp nơi, từ Bình Chánh (TPHCM) qua Gò Đen, Bến Lức, Tân An, Tân Nhật, Hòa Lương, Lương Bình (Long An), tới đâu hễ thấy có đám cưới, đám tiệc là ghé vào. Trước là mời chào mua vé số, sau nữa hễ có dịp là tranh thủ lên sân khấu “đờn” cho ai đó ca. Vậy là thực khách tán thưởng: vừa mua vé số ủng hộ, vừa thưởng tiền. Tiền kiếm được từ nghề “đờn” cũng kha khá, phụ thêm vào khoản thu nhập của bà xã đang là công nhân trong một công ty chế biến hạt điều để lo cho hai đứa con trai.

Người viết hỏi: “Anh “đờn” miệng tuyệt chiêu như vậy thì hẳn cũng phải biết đờn ghi-ta phím lõm chứ?”. Bảy On cười: “Không hề, nhét cây ghi-ta vào tay tui thì… bó tay, chỉ được cái miệng thôi”. Bảy On tiết lộ sở trường của anh là đệm vọng cổ nhịp 8/12, đó là với người “rành sáu câu”, còn với những người ca không trúng nhịp thì anh phải “rước” họ. Còn về ca tài tử thì “anh em ca sao mình đờn vậy, nhưng khoái được “đờn” những bản Đoản khúc Nam Giang, Vọng kim lang…”. Nhìn Bảy On “đờn”, ai cũng phải nể cái cách lấy hơi để lẩy ra những chữ (nốt) nhạc trong một lòng bản rất dài. Tuy nhiên, dù nín thở “siêu” cách mấy thì Bảy On cũng chỉ “đờn” được 3 câu rồi đề nghị người ca tạm ngưng, chờ anh lấy hơi trong vài phút, rồi mới hoàn thành bản “đờn” đủ sáu câu vọng cổ.

Khán giả xem truyền hình cả nước trong chương trình Tìm người bí ẩn cách nay ít lâu bất ngờ khi nghe Bảy On “đờn” vọng cổ, nên tên tuổi của “nhạc sĩ đờn miệng” ngày càng nổi tiếng khắp vùng quê Long An.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối