Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Quản lý chung cư sẽ phải đi học

CHÍNH PHONG -

Theo tinh thần của Luật Nhà ở 2014, các thành viên ban quản trị tại các chung cư sẽ phải đi học để được cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức quản lý, sử dụng nhà chung cư. Chưa biết quy định này sẽ được triển khai ra sao khi hiện tại nó đang ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Người nói dễ

Hiện Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo “Thông tư quy định về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư”. Dự thảo này được đăng tải trên cổng thông tin của bộ để nhận ý kiến đóng góp cho đến hết ngày 30-10, sau đó tiến hành sửa đổi và ban hành.

6Việc hình thành ban quản trị chung cư, trong đó các thành viên có kiến thức về quản lý, vận hành tòa nhà chung cư, là vấn đề cấpthiết đang được đặt ra.Ảnh minh họa: Mạnh Tùng

Theo dự thảo, chương trình đào tạo khung cho các cán bộ, nhân viên làm việc tại các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư gồm 60 tiết. Trong đó bao gồm các phần lý thuyết và thực hành về pháp luật, quản lý hệ thống điện, cấp thoát nước, thang máy, phòng cháy chữa cháy… Chương trình đào tạo khung cho thành viên ban quản trị nhà chung cư gồm 12 tiết với các phần về pháp luật, quản lý chi tiêu, phòng cháy cứu hộ.

Cuối khóa học sẽ có kiểm tra, cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo. Giấy chứng nhận này có giá trị trong thời hạn năm năm. Sau năm năm, học viên phải tham gia lại khóa đào tạo để được cấp giấy chứng nhận tiếp theo. Những người làm việc trong tòa chung cư phải có giấy chứng nhận tương ứng với vị trí làm việc của mình, bởi sẽ có kiểm tra, xử phạt nếu các đơn vị quản lý chung cư không chấp hành.

Giữa tháng 9, Bộ Xây dựng đã tổ chức buổi tọa đàm lấy ý kiến cho dự thảo này tại TPHCM. Nhiều ý kiến cho rằng quy định việc học bồi dưỡng và cấp chứng nhận quản lý nhà chung cư cho ban quản trị là hợp lý bởi họ là những người điều hành các công việc liên quanđến cuộc sống hàng trăm người khác. Theo đó, các kiến thức về quản lý chi tiêu tài chính, phòng cháy chữa cháy, ký kết hợp đồng quản lý vận hành nhà chung cư, quản lý phần diện tích sử dụng chung-riêng… là rất cần thiết cho ban quản trị.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó ban quản trị chung cư RubyLand (quận Tân Phú), nói việc thành viên ban quản trị có thêm những kiến thức này là cần thiết vì khi xảy ra sự cố, thành viên ban quản trị phải là đầu tàu phối hợp với các nhân viên kỹ thuật xử lý, và phải là chỗ dựa để trấn an cư dân. Theo ông, 12 tiết học không làm mất nhiều thời gian của người tham gia.

[box] Chương trình đào tạo khung cho thành viên ban quản trị nhà chung cư:

Phần kiến thức cơ sở bao gồm kiến thức pháp luật chung về nhà ở và pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Phần kiến thức nghiệp vụ bao gồm hai chuyên đề về quản lý chi tiêu tài chính của ban quản trị, quy trình phối hợp giữa ban quản trị với chủ sở hữu nhà chung cư và đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, nguyên tắc ký kết và giám sát việc thực hiện hợp đồng bảo trì, hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư. [/box]

Kẻ nói khó

Thế nhưng, đại diện một số ban quản trị chung cư tại TPHCM có mặt tại tọa đàm cho rằng quy định trênkhó khả thi. Bởi lẽ, tại nhiều chung cư đã diễn ra hiện tượng chẳng cư dân nào chịu tham gia ban quản trị chứ chưa nói đến việc buộc họ đi học.

Theo anh Trần Long, cư dân chung cư Bàu Cát (quận Tân Bình), thành viên ban quản trị chung cư toàn những người làm việc không hưởng lương, bắt họ phải tham gia học để lấy chứng chỉ là khó. Hơn nữa, những người này không phải là người vận hành các hoạt động kỹ thuật chung cư, mà thuê các công ty bên ngoài làm việc đó.

Còn theo anh Đình Tú sống tại chung cư Carillon Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), việc tất cả các nhân viên vận hành tòa chung cư phải đi học theo một chương trình đào tạo chung là cần thiết. Bởi, anh ví dụ, nhân viên chuyên về điện có thể giỏi về điện nhưng hạn chế về kiến thứcvề thông gió, cấp thoát nước… nên nếu không được đào tạo chung sẽ khiến việc phối hợp vận hành tòa nhà giữa các bộ phận thiếu nhịp nhàng. Nhưng điều anh Tú phân vân là hiện nay các đơn vị quản lý vận hành chung cư thường thuê ngoài các công ty chuyên ngành để làm việc hàng ngày như bảo vệ, vệ sinh tại tòa chung cư. Như vậy, các nhân viên bảo vệ, vệ sinh này có cần phải qua khóa học và có chứng chỉ hay không.

Anh Hoàng, quản lý ở chung cư Dragon Hill (quận 7) cho biết tòa nhà này có 15 nhân viên kỹ thuật, 26 nhân viên bảo vệ và 20 nhân viên vệ sinh. Theo anh, nếu đưa tất cả các nhân viên bảo vệ và vệ sinh đi học thì hơi khó, bởi không biết các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ và vệ sinh có sẵn sàng chi tiền học phí vài triệu đồng/khóa học cho mỗi nhân viên đi học, vì hợp đồng của họ chỉ là bảo vệ và vệ sinh.

Về thời hạn chứng chỉ, nhiều người đang làm công tác quản lý chung cư cho rằng năm năm là thời hạn ngắn. Sau năm năm mà bắt họ đi học lại những kiến thức cũ, của công việc họ vẫn làm hàng ngày trong chừng đó năm là thiếu hợp lý. Chỉ nên kiểm tra, sát hạch lại kiến thức rồi cấp lại chứng chỉ và đồng thời nâng thời hạn chứng chỉ lên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối