Phương thức quản lý dịch vụ gọi xe thông qua phần mềm Uber vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi, ngay cả khi người đứng đầu ngành giao thông vận tải cho rằng đây là dịch vụ mà người dân được hưởng lợi, cần được hợp thức hóa...
Uber sẽ được hợp thức hóa?
Hiện tại ứng dụng Uber vẫn hoạt động bình thường, sau khi có những thông tin ứng dụng này tạm dừng hoạt động hôm 3-12.
Ông Karun Arya, Giám đốc truyền thông của Uber tại khu vực Đông Nam Á và Nam Á, khẳng định với Sài Gòn Tiếp Thị rằng phía Uber không sở hữu hoặc vận hành bất cứ phương tiện chuyên chở hay nhân viên lái xe nào, mà Uber chỉ kết nối yêu cầu của hành khách với những công ty vận tải dịch vụ đã được cấp phép. Đối tác của Uber là những công ty vận chuyển có đăng ký kinh doanh. Các phương tiện vận chuyển của đối tác cũng được kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và phải đăng ký bảo hiểm đầy đủ mới được kết nối tới người tiêu dùng.
Liên quan đến những cáo buộc trốn thuế của Uber, ông Karun Arya cho biết, các doanh nghiệp vận chuyển là đối tác sẽ có trách nhiệm đóng thuế vì các doanh nghiệp này đã được cấp phép kinh doanh.
Về phía cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Tại cuộc họp báo hôm 1-12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, Uber là dịch vụ taxi trá hình, bất hợp pháp, ẩn chứa nhiều nguy cơ không an toàn. Cả người lái xe và hành khách đều không được đảm bảo lợi ích chính đáng như bảo hiểm, các nguy cơ an ninh, an toàn khi xảy ra sự cố...
Tuy nhiên, ngay hôm sau 2-12, tại cuộc họp của Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt vấn đề, Uber giá thấp hơn taxi truyền thống, người dân được hưởng lợi, tại sao không hợp pháp hóa? Ông Thăng yêu cầu các đơn vị thuộc bộ rà soát lại, nếu loại hình kinh doanh này chưa được quy định tại các nghị định, thông tư hướng dẫn, thì phải đưa vào để bổ sung và hợp pháp hóa. Phải làm sao để thuận tiện cho việc quản lý và người dân được hưởng lợi.
Quản lý bằng cách nào?
Sau khi Bộ trưởng Đinh La Thăng có ý kiến cần hợp pháp hóa Uber để quản lý, thì đến thời điểm này, phương thức quản lý như thế nào vẫn đang chờ các cấp dưới tham mưu.
Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia – người đã từng đảm nhận chức vụ Vụ trưởng Vụ Vận tải của Bộ GTVT cho rằng, trước hết Uber cần phải đăng ký kinh doanh. Bởi vì khi có doanh thu phát sinh từ lãnh thổ Việt Nam thì phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Về phương thức quản lý, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng hiện rất nhiều nước cho phép Uber hoạt động, có nghĩa là họ có hành lang pháp lý để quản lý dịch vụ này. Theo ông Sanh, đầu tiên Bộ GTVT phải sửa đổi các quy định về vận tải, trong đó đưa hoạt động của Uber vào các văn bản và quy định cụ thể về quản lý con người, phương tiện. Bộ Tài chính cũng phải sửa đổi các quy định để thu thuế, vì loại hình này thu tiền của người dân thông qua thanh toán trực tuyến. Thậm chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phải quản lý vấn đề an ninh, an toàn mạng của Uber.
“Đối với những loại hình dịch vụ mới, nhiều tiện ích và được người dân đón nhận như Uber thì cần tạo điều kiện để đưa vào khuôn khổ quản lý chứ không nên cấm”, ông Sanh nói.
Việc đưa hoạt động Uber vào các văn bản để quản lý tốt hơn cũng phù hợp với những gì Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua hồi tháng 11.
Lê Anh