Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Quảng Nam bàn cách tái cơ cấu du lịch, phát triển du lịch xanh sao cho hiệu quả

Chuyển hướng sang tập trung quảng bá, xúc tiến du lịch ở những thị trường có nguồn khách tiềm năng mới ngay trong và sau dịch Covid-19; xây dựng bộ tiêu chí xanh; ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến; đầu tư sản phẩm du lịch xanh và bền vững... là những giải pháp cấp bách để góp phần vực dậy ngành du lịch của Quảng Nam - tỉnh ven biển miền Trung sở hữu nhiều di sản văn hóa.

Có thể nói, dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch nhưng cũng tạo cơ hội để nhiều địa phương đánh giá về chặng đường hoạt động du lịch đã qua và tìm hướng phát triển cho ngành du lịch xanh và bền vững.

Hội thảo “Tái cơ cấu thị trường du lịch Quảng Nam”, diễn ra vào lúc 13h30 ngày 10-6, với sự tham gia của hàng loạt chuyên gia, doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch.

Hội thảo “Tái cơ cấu thị trường du lịch Quảng Nam”, diễn ra vào lúc 13:30 ngày 10-6 tại khu nghỉ dưỡng Silk Sense Hoi An River Resort, phường Cẩm An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được xem là cơ hội để các doanh nghiệp và chuyên gia ngồi lại với nhau, để đánh giá về chặng đường hoạt động du lịch đã qua và tìm hướng phát triển cho ngành du lịch xanh và bền vững. Sự kiện này được chủ trì bởi ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, với diễn giả là các chuyên gia, doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch. Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn là đơn vị bảo trợ truyền thông cho sự kiện này.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thế thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, phát biểu khaima5c hội thảo. Ảnh: Trung Châu

Sau phần phát biểu khai mạc của ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thế thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam là phần trao đổi ngắn của bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa, UNESCO Việt Nam.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa, UNESCO Việt Nam. Ảnh: Trung Châu

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), đánh giá thị trường khách du lịch đến Quảng Nam thời gian qua và mục tiêu cơ cấu thị trường chiến lược cho du lịch Quảng Nam trong thời gian sắp tới.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB). Ảnh: Trung Châu

Dẫn chứng từ cuộc khảo sát du khách nội địa hậu Covid-19 mà TAB cùng VNExpress vừa thực hiện trong tháng 5 vừa qua, ông Kiên cho biết dịch Covid-19 đã tác động đến việc du khách lựa chọn điểm đến. Theo đó, đa số du khách lựa chọn điểm đến du lịch an toàn với dịch bệnh (36%) và điểm đến có tính an ninh, an toàn (32%).

Gần 20% số người thao gia cuộc khảo sát lựa chọn dịch vụ có ưu đãi. Sau giai đoạn giãn cách xã hội thì nhu cầu du lịch biển tăng cao (67%), tiếp theo là nhu cầu du lịch thiên nhiên (56%) với các khu nghỉ dưỡng trên núi và khu du lịch sinh thái. Covid-19 cũng tác động đến chi tiêu ngân sách của du khách, nên gần 50% lựa chọn tour ngắn ngày (2-3 ngày). Bên cạnh đó, tâm lý e ngại dịch bệnh, thói quen giãn cách xã hội dẫn đến việc gần 89% người tham gia cuộc khảo sát lựa chọn đi du lịch theo gia đình/bạn bè.

Trình bày về chương trình phục hồi du lịch nội địa, theo ông Kiên, giải pháp của các doanh nghiệp cần hướng đến sự đoàn kết, hợp tác truyền thông các thông điệp “Cơ hội vàng để khám phá Việt Nam”, "Việt Nam – Đất nước và điểm đến an toàn". Các doanh nghiệp lớn cần hợp tác và cam kết: Thứ nhất, không bán sản phẩm không an toàn và chất lượng kém; Thứ hai, không lừa dối khách hàng bằng quảng cáo sai sự thật; Thứ ba, không bán với giá dưới giá thành sản xuất trực tiếp và không bán phá giá. Doanh nghiệp cần đổi mới và linh động phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu mới.

Về giải pháp của Chính phủ, ông Kiên kiến nghị cần hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và khách sạn bằng các chính sách nhanh giảm thuế, phí, vay lãi suất thấp, giá điện sản xuất (ví dụ: Nghị Quyết 84 của TTg ngày 29-5-2020); Xây dựng tiêu chuẩn và tiêu chí an toàn (vì dụ: Quyết định 474 của Tổng cục Du lịch); Khuyến khích cơ cấu lại ngành du lịch, bao gồm thị trường, sản phẩm, giá, kênh phân phối...; Tái cơ cấu lại quản lý và điều phối phát triển du lịch nói chung.

Chính phủ cần khuyến khích người dân đi du lịch thông qua các thông điệp an toàn, yêu nước và hành động cắt giảm thuế, phí tham quan; xúc tiến du lịch nội địa, điển hình là kế hoạch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Bên cạnh đó, hỗ trợ các dự án chuyển đổi số và thanh toán điện tử được triển khai nhanh.

Đóng góp ý kiến cho giải pháp mở cửa du lịch quốc tế hậu Covid-19, theo ông Kiên, Chính phủ cần chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế với nguyên tắc cẩn trọng, an toàn ưu tiên sức khỏe của người dân. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ trong các đàm phán song phương với các nước an toàn giữa các Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ VHTTDL... Chính phủ cần có các con số đáng tin tưởng để quyết định mở cửa với các nước và quy trình đề xuất của Hội đồng tư vấn; mở các chuyến bay thẳng; miễn thị thực và thị thực điện tử... Cần áp dụng thật tốt các biện pháp hoạt động an toàn tại sân bay, khách sạn và điểm tham quan du lich; tiến hành kiểm tra (test) khoảng 10% khách nhập cảnh; yêu cầu khách cài ứng dụng (app) cho phép theo dõi lịch sử, vị trí và địa điểm đi lại; và chuẩn bị cả các biện pháp đóng cửa khi có rủi ro.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du ngoạn Việt, trình bày về định hướng phát triển du lịch tàu biển cho Quảng Nam.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du ngoạn Việt. Ảnh: Trung Châu

Theo ông Phan Xuân Anh, khi tàu biển du lịch cập cảng tại một địa phương sẽ đem lại lợi ích cho những dịch vụ kèm theo khác như các tuyến điểm du lịch, lữ hành, ăn uống, mua sắm… bên cạnh việc phí thuê bến cảng.

Với những lợi thế sẵn có của mình, như cảng biển [Chu Lai] đủ sức đón tàu biển du lịch cỡ lớn, hạ tầng giao thông thuận lợi đến các điểm du lịch và tuyến điểm du lịch đa dạng phong phú, Quảng Nam là điểm đến tiềm năng của các tàu biển quốc tế.

Tuy nhiên, để có thể biến tiềm năng này thành hiệu quả kinh tế thực sự, với một cảng biển chưa từng có kinh nghiệm đón tàu khách quốc tế như vậy, thì cần giải quyết những vấn đề như: dịch vụ xung quanh cảng, bến riêng cho tàu du lịch, tiếp thị cảng đến các công ty chuyên làm tour biển trong nước và quốc tế và các thủ tục hành chính về việc đón trả khách...

Về mặt vĩ mô, tỉnh Quảng Nam nên đưa du lịch biển vào một phần kế hoạch phát triển của tỉnh. Trong khi đó, Sở Du lịch cùng Ban quản lý cảng đưa ra những chính sách phù hợp để xúc tiến du lịch tàu biển.

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, trình bày về mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản trong phát triển du lịch Quảng Nam

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam. Ảnh: Trung Châu

Theo ông Michael Croft, trong khi các cơ quan và doanh nghiệp cùng đánh giá tác động và tìm hiểu bối cảnh mới của du lịch Việt Nam, thì cần lưu ý rằng cuộc khủng hoảng này cũng tạo cơ hội để thay đổi cách thức tiếp cận của các đơn vị, nhằm xây dựng lại ngành du lịch nhưng theo một cách thức khác, bền vững và kiên cường hơn. Quảng Nam, nơi tiên phong trong công tác bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững, chính là nơi thích hợp để thực hiện những nhiệm vụ này.

Vậy Việt Nam thấy được những thời cơ gì trong bối cảnh mới hiện nay? Giai đoạn tạm gọi là “tĩnh” này là dịp để ngành du lịch khảo sát lại chuỗi cung, nguồn năng lượng và cách thức quản lý rác thải. Đây là thời cơ để ngành du lịch cập nhật kế hoạch quản lý khu di sản và hiện đại hóa các chiến lược. Đối với du lịch đại trà đang không bền vững như những giai đoạn trước thì đây lại là cơ hội để chúng ta thiết kế lại các sản phẩm du lịch hay những trải nghiệm du lịch và làm cho những trải nghiệm du lịch đó hấp dẫn hơn với những vị khách luôn tìm kiếm những kỳ nghỉ đặc biệt, tại những địa danh đặc biệt.

Ở cấp độ quốc gia, cần chú trọng vào phương thức tiếp cận du lịch mang lại giá trị cao, trong đó coi lượng khách du lịch quay lại với mức chi tiêu lớn là một chỉ số để đánh giá sự thành công của phát triển du lịch, trái ngược với cách tính chỉ tiêu là số lượng khách du lịch tăng lên.

Cách tiếp cận này có thể giúp ổn định kinh tế và dễ dự báo về kết quả tăng trưởng kinh tế hơn, đồng thời giúp hạn chế những tác động tiêu cực từ ngành du lịch đối với xã hội và môi trường. Đổi lại, các chương trình nhấn mạnh vào các sản phẩm, trải nghiệm hay hình ảnh văn hóa mới sẽ làm tăng chất lượng du lịch. Thêm nữa, việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa mới cũng sẽ tạo thêm những cơ hội mới cho những người thuộc nhóm yếu thế, bởi như chúng ta đã biết, ngành văn hóa phần lớn dựa vào những lực lượng lao động không chính quy, đó là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số - họ là lực lượng lao động chính của ngành du lịch.

Nếu ngành du lịch coi trải nghiệm thực tế (authenticity) là chìa khóa của thành công thì yếu tố còn lại là tính bền vững. Du lịch là nhân tố chính của sự biến đổi, ngành du lịch cần phải đi trước để đảm bảo rằng những tác động từ các hoạt động du lịch đối với môi trường đang được quản lý tốt và bền vững – đây là điều hết sức quan trọng trước khi triển khai bất kỳ dự án nào, sẽ không đặt ra các giải pháp sau khi thực hiện mà cần ưu tiên các giải pháp ngay từ bước đầu.

Ngành du lịch cũng cần phải quan tâm hơn đến việc sử dụng tài nguyên một cách bền vững và các sáng kiến quản lý rác thải hiệu quả hơn. Ông Croft cho rằng những sáng kiến giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng và của cả khách du lịch về tầm quan trọng của những giải pháp để đạt được những mục tiêu vừa nêu sẽ là yếu tố quan trọng để các giải pháp đó thành công.

Và cuối cùng, theo ông Croft, phát triển bền vững không phải là việc chậm hóa quá trình lại mà là tiếp cận theo một phương thức mới. Ở Việt Nam, một chương trình nghị sự về phát triển du lịch bền vững sẽ không chỉ giúp quảng bá những trải nghiệm du lịch tốt hơn, lành mạnh hơn, giúp tăng cường tinh thần đoàn kết và thống nhất trong cộng đồng, mà còn giúp tạo ra những việc làm mới, giàu ý nghĩa hơn cho người dân. Vì trước tiên, phát triển bền vững lấy con người làm trung tâm, và đó là lý do tại sao UNESCO sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác ở các lĩnh vực khác nhau để cùng phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam nói chung và tại tỉnh Quảng Nam nói riêng.

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, trình bày về phương pháp nhận diện thương hiệu du lịch xanh Quảng Nam

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam. Ảnh: Trung Châu

Ở góc nhìn của một chuyên gia du lịch, ông Phan Xuân Thanh cho rằng hậu Covid-19 là cơ hội tốt để du lịch Quảng Nam tái cơ cấu, đẩy mạnh sản phẩm du lịch xanh đã được manh nha thực hiện trong thời gian qua. Việc xây dựng thương hiệu du lịch xanh, bền vững cho Quảng Nam là hết sức cấp thiết.

Trong mục tiêu xây dựng “sản phẩm xanh” đặc thù cho Quảng Nam, cần có những hành động cụ thể trong đầu tư và kinh doanh như bảo vệ môi trường, thực hành nhân văn trong du lịch, sử dụng hiệu quả và tái tạo tài nguyên, năng lượng tái tạo, tuần hoàn chất thải, xu hướng hữu cơ, thân thiện tự nhiên, đàn hồi, giảm áp lực đến di sản và tuân thủ quy luật tự nhiên. Những điều trên giúp du lịch Quảng Nam hướng đến mục tiêu kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Để làm được điều này, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đưa ra một số giải pháp. Đầu tiên là xây dựng dữ liệu thông tin, phân tích thị trường dựa vào dữ liệu lớn. Thứ hai là xây dựng bộ nhận diện thương hiệu theo một vòng tròn khép kín, khởi đầu từ thông điệp "Quảng Nam điểm đến xanh", kế tiếp là xây dựng hình ảnh thương hiệu, thiết kế ứng dụng (app), tặng phẩm, quà tặng khuyến mãi và kết thúc với thương hiệu nhánh.

Giải pháp thứ ba là xây dựng dòng sản phẩm xanh, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, Nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành để xây dựng cơ chế quản lý điểm đến xanh và thay đổi nhận thức, tạo đồng thuận cộng đồng trong hành động là những giải pháp khác.

Ông Hà Thanh Hải, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch bền vững từ Thụy Sĩ (SSTP), giới thiệu bộ tiêu chí xanh cho du lịch Quảng Nam

Ông Hà Thanh Hải, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch bền vững từ Thụy Sĩ (SSTP). Ảnh: Trung Châu

Ông Hà Thanh Hải trình bày về 6 bộ tiêu chí phát triển du lịch bền vững, dành cho du lịch cộng đồng, khách sạn vừa và nhỏ, nhà nghỉ sinh thái, lữ hành, lưu trú nhà dân (homestay) và điểm tham quan. Theo đó, mỗi loại hình hoạt động sẽ có chủ đề, tiêu chí và chỉ dẫn riêng. Ví dụ, với lĩnh vực khách sạn vừa và nhỏ có 8 chủ đề cần quan tâm, bao gồm tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, quản lý  và xử lý chất thải rắn, quản lý  và xử lý nước thải, quản lý  và xử lý hóa chất, chất độc hại, kiểm soát  và quản lý ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm không khí, các hoạt động bảo vệ môi trường khác và phát triển nguồn nhân lực.

Ông Hải cho biết sẵn sàng giúp các doanh nghiệp tiếp cận với Chương trình của Thụy Sĩ về phát triển du lịch bền vững (SSTP) và giúp doanh nghiệp thực hiện các tiêu chí, yêu cầu để được SSTP công nhận là doanh nghiệp du lịch bền vững.

Ông Lý Đình Quân, Tổng giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp sông Hàn, trình bày về các giải pháp công nghệ và truyền thông kỹ thuật số hướng đến du lịch trải nghiệm, du lịch xanh.

Ông Lý Đình Quân, Tổng giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp sông Hàn. Ảnh: Trung Châu

Từ sự ghi nhận qua thực tế làm việc cùng các doanh nghiệp và đối tác trong lĩnh vực du lịch, ông Lý Đình Quân nhận định hầu hết doanh nghiệp Việt chưa thể ứng dụng các công nghệ 4.0, đơn cử như công nghệ chuỗi khối (blockchain) vào hoạt động khôi phục du lịch.

Nhà sáng lập của Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp sông Hàn (Song Han Incubator) cho rằng có nhiều công nghệ tiêu tiến có thể hỗ trợ hữu hiệu hoạt động kinh doanh, tiếp thị của doanh nghiệp như công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR). Công nghệ AR có thể ứng dụng trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực, bao gồm bất động sản, khách sạn, cửa hàng, nhà hàng, bảo tàng và làng nghề ảo... Vì vậy, doanh nghiệp cần mạnh mẽ hơn trong việc ứng dụng công nghệ để phục hồi du lịch nhanh chóng và hiệu quả.

Trong mục tiêu số hóa điểm đến để lan tỏa thông tin nhanh hơn đến thế giới, ngành du lịch có thể nghĩ đến một cổng thông tin để cung cấp trực quan đến khách hàng. Ví dụ, ngành du lịch có thể tổ chức các cuộc triển lãm thực tế ảo, hội nghị trực tuyến tại cổng thông tin này. Khách hàng không cần di chuyển mà có thể thông qua các nền tảng này để quảng bá trực tuyến.

Ông Hồ Việt Hải, nhà sáng lập cùa Triip.me (nền tảng du lịch kết nối du khách với người dân địa phương trên toàn thế giới), trình bày các giải pháp gia tăng doanh thu cho du lịch Quảng Nam từ dữ liệu lớn.

Ông Hồ Việt Hải, nhà sáng lập cùa Triip.me. Ảnh: Trung Châu

Qua ghi nhận thực tế, ông Hồ Việt Hải cho biết các doanh nghiệp du lịch tại địa phương hầu như không có cách thức nào để liên lạc với hơn 13 triệu du khách đã đến Quảng Nam trong năm 2019. Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu sự chia sẻ thông tin giữa khách du lịch lẫn các công ty.

Từ đó, ông Hải dẫn đắt đến câu chuyện ứng dụng mạng dữ liệu Triip trong hoạt động du lịch. Mạng dữ liệu du lịch Triip biết có một khách nam đi công tác thích khám phá tour ẩm thực (food tour) và tour mạo hiểm sẽ ở tại Hội An từ ngày 9 đến ngày 10-6. Và từ dữ liệu này, công ty lặn biển ở Cù Lao Chàm có thể gửi trực tiếp voucher giảm giá 10% đến đúng vị khách nam này. Toàn bộ dữ liệu kể trên được sở hữu bởi tất cả thành viên mạng dữ liệu Triip. Đây là ví dụ cho mô hình kinh doanh ba bên cùng thành công win-win-win mà Triip đang theo đuổi.

Thông tin khách du lịch cung cấp cho công ty được đưa lên hệ thống cơ sở dữ liệu sử dụng công nghệ blockchain (hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin được liên kết với nhau nhờ mã hóa). Các công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận tải muốn có dữ liệu phải được Triip cấp mã.

Điều khác biệt là, trước khi cung cấp mã cho các đơn vị du lịch, hệ thống tự động gửi e-mail cho khách du lịch để hỏi liệu có chia sẻ thông tin được hay không. Nếu khách du lịch đồng ý, họ sẽ được nhận một số tiền nhất định gọi là phí cung cấp thông tin hay điểm thưởng TriipMiles và một số lợi ích khác.

 

Trong phần thảo luận, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hội An, cho rằng những hệ quả từ dịch bệnh lên du lịch của tỉnh Quảng Nam đang hiển hiện. Trong đó, Hội An là điển hình, trong giai đoạn hiện tại, thành phố chỉ đông khách vào cuối tuần, những ngày trong tuần thì hàng loạt nhà hàng, cửa hàng đóng cửa.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hội An (đứng, bên trái), đang chia sẻ ý kiến tại cuộc thảo luận trong khuôn khổ hội thảo ngày 10-6. Ảnh: Trung Châu

"Các doanh nghiệp còn có thể trụ được đến bao giờ khi Covid-19 trên thế giới vẫn còn. Hội An đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, chúng ta không có quyền lựa chọn, chỉ có khách nội địa. Cái chúng ta quan tâm là tái cơ cấu sản phẩm để phục vụ khách du lịch nội địa sao cho hiệu quả", ông Nguyễn Sự - một người có tâm huyết và nhiều năm gắn bó với phát triển du lịch Hội An, chia sẻ.

Theo ông, Hội An và Quảng Nam phải tổ chức nhiều sự kiện nhỏ, lớn khác nhau để thu hút du khách. Những sự kiện này phải có sự đâu tư nghiêm túc, tử tế.

Ông Trần Thái Do, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Á Đông Villas. Ảnh: Trung Châu

Băn khoăn trước bài toán thu hút khách và bảo tồn những giá trị trong mục tiêu phát triển bền vững, ông Trần Thái Do, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Á Đông Villas - chủ đầu tư Silk Sense Hội An River Resort, đặt vấn đề hiện nay Hội An có nên cố kích cầu để kéo khách đến hay không. "Chúng ta có kết quả là doanh thu tăng lên nhưng mất đi giá trị phố cổ. Đây là bài toán đặt ra", ông Do nêu vấn đề. Theo ông, Hội An không nên kích cầu, mà hãy tái cơ cấu xong (về sản phẩm, dịch vụ du lịch) rồi hẳn kích cầu.

Trung Châu

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối