Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Quảng Nam tìm cách ‘kết duyên’ du lịch xanh và văn hóa bản địa

Tại hội thảo diễn ra chiều 16-9, tại tỉnh Quảng Nam, nhiều vấn đề đã được mổ xẻ nhằm tư vấn cho tỉnh miền Trung này con đường phát triển du lịch xanh gắn kết với các văn hóa đặc trưng của địa phương.

Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đồng chủ trì hội thảo “Phát triển du lịch xanh trên nền tảng văn hóa Quảng Nam” tại Khu nghỉ dưỡng Silk Sense Hội An.

Hội thảo nhằm thúc đẩy du lịch xanh Quảng Nam với sự ủng hộ của nhà hoạch định chính sách và đồng hành của doanh nghiệp du lịch vì sự phát triển cộng đồng cũng như gợi ý những giải pháp, mô hình và chia sẻ dữ liệu, trải nghiệm du lịch quan trọng để ứng dụng phát triển du lịch xanh trên cơ sở nền tảng văn hóa, nương tựa giá trị bản địa, đặc trưng ở Quảng Nam.

Ông Peter Debrine, Cố vấn cấp cao về Du lịch bền vững từ UNESCO, cho hay thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam không nên chỉ phát triển du lịch thuần túy. “Các bạn không thể xóa bỏ đi ngành nghề truyền thống và các hoạt động thương mại”, ông nói và đưa ra gợi ý các hoạt động du lịch nên dựa trên những sản phẩm được UNESCO công nhận để phát triển, tập trung vào các giá trị và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa cũng như đặt cộng đồng địa phương vào trọng tâm của quản lý du lịch, xây dựng nhận thức và sự tham gia rộng rãi của cộng đồng”.

“Bất kỳ hoạt động nào cũng nên được đánh giá tác động đến môi trường và di sản”, ông Debrine nói và chia sẻ ông muốn thấy du khách có những trải nghiệm tốt hơn khi đến Hội An và Quảng Nam chứ không chỉ là du lịch và chụp hình. Để làm được điều đó, địa phương cần phải có những câu chuyện kể về điểm đến và khuyến khích khách du lịch ra khỏi phòng ngủ, hưởng thụ thiên nhiên.

Ở khía cạnh doanh nghiệp, bà Celine Wickerhoff, Giám đốc phát triển kinh doanh của Expedia Group Media Solutions, có cái nhìn thực tế hơn. Theo bà, thông tin du lịch bền vững có thể gây choáng ngợp và khó hiểu. Vì vậy, ngành du lịch địa phương phải làm cho khái niệm này dễ hiểu với hành động rõ ràng.

“Người tiêu dùng muốn biết (và thấy) rằng các thương hiệu du lịch cam kết phát triển bền vững, chứ không phải chỉ những cam kết trên giấy và công bố dữ liệu”, bà Wickerhoff nói và cho hay theo quan sát người tiêu dùng hiện nay sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các lựa chọn du lịch bền vững.

Cũng tại hội thảo, các doanh nghiệp và chuyên gia trong nước cũng như quốc tế nhận định rằng hậu Covid-19 là cơ hội tốt để Quảng Nam phát triển sâu rộng hơn du lịch xanh và biến nó trở thành một văn hóa đặc trưng của địa phương mình.

Một doanh nghiệp du lịch dùng báo cũ và các vật dụng thân thiện môi trường để làm ra những túi xách để du khách đựng những đồ vật nhỏ, nhẹ. Ảnh: Nhân Tâm

“Dịch Covid-19 là thời gian tạm nghỉ cho các khu, điểm tham quan sau thời gian quá bận rộn trước đây. Các doanh nghiệp mạnh nhất và tận tâm nhất sẽ trụ lại”, ông Douglas Hainsworth, Trưởng nhóm dự án Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP), nói và cho biết đây là cơ hội để xem xét những thay đổi đáng kể về sự quan tâm và ưu tiên của khách trong việc họ lựa chọn cách thức đi du lịch cũng như sản phẩm, hoạt động du lịch. Cụ thể, ông quan tâm làm thế nào để khai thác nét đẹp văn hoá đặc trưng Quảng Nam cho phát triển du lịch xanh.

Vị chuyên gia này phân tích khách từ thị trường châu Âu quan tâm nhiều đến trải nghiệm văn hóa, chất lượng môi trường thiên nhiên, có thông tin rõ ràng về hướng dẫn đảm bảo sức khỏe và an toàn và thực hành bền vững về sinh thái khi chọn điểm đến. Trong khi đó, 95% người dân châu Á muốn đi du lịch theo cách bền vững. Các thị trường châu Á sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho du lịch bền vững, nhưng họ rất khó để tiếp cận và xác minh thông tin cũng như thiếu những tuyên bố về việc đảm bảo tính bền vững.

“Thời gian lưu trú dài tại các cơ sở lưu trú sinh thái hạng sang đứng đầu danh sách, với 80% thích những cơ sở nhỏ hơn, do người dân địa phương sở hữu. Tài nguyên văn hóa đặc trưng và chưa từng có của Quảng Nam vẫn sẽ là một nền tảng để phát triển ngành du lịch và đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hướng tới phát triển du lịch xanh”, ông Hainsworth cho hay.

Dưới góc độ địa phương, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, thừa nhận phát triển du lịch xanh – bền vững sẽ gặp nhiều trở lực. “Nhưng chúng tôi không bao giờ chồn chân mỏi gối. Đứng lại đồng nghĩa với tụt lùi cho những giá trị bền vững mà Chúng tôi theo đuổi nhiều năm qua”, ông nói và chia sẻ việc hiện thực hóa ý niệm về con đường du lịch xanh của Quảng Nam, sẽ dần được hiện hữu thông qua những nỗ lực để được tiếp bước của hoạt động du lịch Quảng Nam.

Đó là từ vấn đề môi trường- rác thải trong du lịch đến việc nương tựa vào tài nguyên thiên nhiên biển cả, dòng sông, cánh đồng và những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống để tạo ra bầu không khí du lịch trong lành, những sản phẩm du lịch khác biệt riêng của địa phương.

Điều đó, theo ông Thanh, cũng đã được định lượng một phần bởi Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp

Tại sự kiện, Ban tổ chức cũng công bố 11 thương hiệu đã tham gia chương trình đánh giá du lịch xanh 2022. Hoạt động do Hiệp hội du lịch Quảng Nam chịu trách nhiệm triển khai với sự hỗ trợ của Chương trình Du lịch bền vững Thuỵ Sỹ (SSTP) và chính quyền tỉnh Quảng Nam.Các doanh nghiệp bao gồm Silk Sense Hoi An River Resort, La Siesta Resort & Spa, Emm Hotel, Sea’Lavie Boutique Resort, Four Seasons The Nam Hai Resort, An Villa, La Terrazza, An Bang Star, Hoi An Express, Emic Travel và Indochina Unique Tourist.

Nhân Tâm

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối