Ngọc Hùng -
Tôi là người thích sưu tập sách và hàng chục lần lướt qua các cửa hàng sách nhưng những cuốn sách viết về Sài Gòn, TPHCM tôi đều lướt quá. Có lẽ, do tôi là một người tỉnh lẻ nên có cảm giác xa lạ nơi đô thị phồn hoa này vì không phải quê hương của mình.
Đây là năm thứ mười tôi ăn tết ở Sài Gòn. Thú thật, cứ mỗi cái tết cổ truyền đến, gia đình tôi tổ chức một cái tết ấm cúng hơn, sung túc hơn năm trước. Sài Gòn cho tôi nhiều thứ như công việc, sự đoàn tụ gia đình… nhưng trong suy nghĩ của tôi, đây vẫn là “đất khách”.
Nghĩ như thế, quan niệm như thế và khi người ta bàn tán về chuyện cây xanh ở thành phố bị đốn hạ, thương xá cũ bị đập bỏ để xây dựng lại to hơn, cao đẹp hơn, tôi xem như không phải mối bận tâm của mình, đứng ngoài dòng chảy ấy. Đơn giản, với tôi, thành phố này của người ta còn là nơi có miền gió Lào, cát trắng, lũ lụt triền miên ở dãy đất miền Trung mới là quê nhà. Vậy mà, mười năm tôi vẫn chưa về thăm.
Năm ngoái, tôi nhận khá nhiều cuộc gọi của bạn bè hỏi thăm có về quê không? Khi biết tôi không về, bạn lại hẹn đến nhà ở Sài Gòn chơi tết. Năm nào cũng vậy, những ai không về quê được lại điện thoại í ới hẹn đến nhà nhau chơi, uống với nhau một ly rượu mừng năm mới.
Nhiều lúc nghĩ mãi, cái vùng quê miền Trung nghèo khó ấy, có gì lưu luyến mình. Sài Gòn nghĩa hiệp, đầy tình người và bao dung ấy cho ta tất cả sao mình lại không thể yêu, xem đó là quê hương? Hay trong tôi đã có một tâm thế “kiếp ở trọ” cả đời?
Một sáng ngày cuối năm, ở một công viên, tôi gặp một ông cụ. Ông người miền Bắc, đã vào miền Nam đã vài chục năm. Ban đầu, gia đình ông vào Đắk Lắk, Lâm Đồng và nay lại thêm một lần “di cư” đến Sài Gòn để gần con cháu. Mấy chục năm đằng đẳng, cụ chưa một lần về quê. Giờ ở tuổi thất thập cổ lai hy, chiều chiều cụ ngồi trong công viên nhìn theo những vệt mây cuối trời, nhớ lại những ký ức xa xưa ở một vùng quê chiêm trũng ven sông Hồng.
Trò chuyện với tôi, cụ nói rằng nhớ quê nhưng không bao giờ cảm thấy mình cô đơn và lạc lỏng trên mỗi vùng đất mình sống. “Con ạ, quê hương sinh ta ra nhưng không nuôi nổi mình nên phải bươn chải, công dưỡng cũng bằng công sinh. Chúng ta đủ lớn để có đủ chỗ cho hai vùng đất, sao phải chọn một trong hai”, cụ nói với tôi, như kiểu một người cha ngồi tâm sự với đứa con.
Trò chuyện một lúc, cụ rời đi, tôi lặng lẽ ngắm nhìn dòng người hối hả về nhà sau một ngày làm lụng. Ở đó, bao nhiêu người xa xứ như tôi, đã có thể, bắt đầu thấy Sài Gòn nay đã là “quê” mình.