Thành phố Đà Nẵng bắt đầu lấy ý kiến rộng rãi trong người dân dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kéo dài từ nay đến cuối tháng 5-2022.
- Đà Nẵng khởi động lại du lịch biển
- Đà Nẵng, Quảng Nam hợp tác đón du khách
- Đà Nẵng muốn là điểm đến của các “ông lớn” hàng không thế giới
Trong đó, du lịch sẽ được phát triển trở thành ngành mũi nhọn của thành phố bên cạnh các ngành chính theo thứ tự như logistics, dịch vụ, tài chính – ngân hàng, thông tin – truyền thông, thương mại, công nghiệp, nông – lâm – ngư nghiệp, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, văn hóa – thể thao, thông tin báo chí, truyền thanh, truyền hình, giáo dục – đào tạo và y tế.
Cụ thể, du lịch sẽ được phát triển bền vững theo chiều sâu, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, với mục tiêu không chỉ là “cửa đến” và sẽ có những doanh nghiệp “đầu tàu”.
Đến năm 2030, Đà Nẵng phấn đấu trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á về tổ chức sự kiện, du lịch MICE, du lịch khám chữa bệnh và du lịch nghỉ dưỡng; sớm xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch của vùng miền Trung – Tây Nguyên không chỉ với chức năng “cửa đến” mà còn là điểm đến quan trọng để dẫn dắt và tạo sức lan tỏa phát triển du lịch đến các địa phương trong vùng thông qua mô hình liên kết thực chất và có hiệu quả; đẩy mạnh gắn với không gian du lịch Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam – Tây Nguyên, trong mối quan hệ quốc gia và khu vực Đông Nam Á.
Đà Nẵng cũng sẽ hình thành một số sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa miền Trung, có năng lực cạnh tranh tầm khu vực và quốc tế.
Tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Đà Nẵng trở thành Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, là một trong những Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế.
Và để làm được điều này, theo quy hoạch, Đà Nẵng sẽ phải phát triển các loại hình dịch vụ du lịch có chất lượng đẳng cấp quốc tế, có hình ảnh khác biệt với các đối thủ trong khu vực; là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong khu vực Đông Nam Á; là thành phố tham gia tổ chức các sự kiện lớn trong khu vực và quốc tế.
Ngành du lịch sẽ đặt trọng tâm thu hút khách ở các nước phát triển, có điều kiện kinh tế vững chắc, đảm bảo nguồn thu du lịch bền vững và có giá trị cao; đảm bảo du lịch có giá trị lan tỏa lớn và ưu tiên phát triển dòng sản phẩm/dịch vụ cao cấp và siêu sang.
Cụ thể, Đà Nẵng tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm bao gồm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chính và sản phẩm bổ trợ trên cơ sở tài nguyên, tiềm năng, vị trí địa hình và lợi thế của Đà Nẵng.
Nhóm sản phẩm đặc trưng bao gồm du lịch biển và nghỉ dưỡng cao cấp – gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí và du lịch MICE, golf, sự kiện, lễ hội mang tầm quốc tế; du lịch văn hoá, lịch sử; du lịch sinh thái.
Nhóm sản phẩm chính bao gồm du lịch ban đêm, du lịch đường thủy, du lịch ẩm thực, du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp nông thôn. Nhóm sản phẩm bổ trợ như du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe; du lịch cưới; du lịch giáo dục.
Về vai trò doanh nghiệp, Đà Nẵng cần nghiên cứu lựa chọn, xác định 3 đến 5 doanh nghiệp du lịch lớn trên địa bàn thành phố từ đó tạo điều kiện, hỗ trợ thúc đẩy trở thành “con chim đầu đàn” nhằm tạo sự lan tỏa và dẫn dắt hoạt động kinh doanh du lịch, không chỉ đối với điểm du lịch, mà cho cả ngành du lịch thành phố Đà Nẵng.
Về liên kết vùng, đối với du khách nội địa có chu kỳ du lịch ngắn từ 3 – 4 ngày, phạm vi di chuyển trong bán kính 200 km, nhu cầu chủ yếu là các sản phẩm liên tuyến vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Trong đó, ưu tiên sản phẩm du lịch “Con đường Di sản miền Trung” với các điểm nhấn chính là các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể như Hoàng thành Huế, Thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, Nhã nhạc cung đình Huế, nghệ thuật Bài Chòi, bên cạnh các nét văn hoá ẩm thực đặc trưng từng địa phương mà Đà Nẵng đóng vai trò trung tâm. Tuyến du lịch này đã định hình, việc cần làm là tăng cường kết nối quản lý điểm đến và thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia đầu tư làm mới, nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng.
Dự án quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là dự án tổng thể với sự tích hợp các ngành lĩnh vực kinh tế thể hiện được “bức tranh chân dung” về hiện trạng thành phố để từ đó đưa ra những định hướng tầm nhìn có tính chiến lược về sự phát triển thành phố trong tương lai 10- 20 năm sau. Dự án do liên danh tư vấn quy hoạch thành phố thực hiện, dựa trên những nghiên cứu về định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và những cơ chế, chính sách có tính chất nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ cho thành phố trong tương lai.
Nhân Tâm
Theo KTSG Online