Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Quyền tác giả trong nghệ thuật: chỉ số ít tuân thủ

Nguyễn Huy-

Trong lĩnh vực nghệ thuật tại Việt Nam, hiện có một số trường hợp quyền tác giả được tuân thủ khá nghiêm ngặt, nhưng đấy chỉ là những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh tổng thể hiện nay.

Những điểm sáng hiếm hoi

Nhóm nhạc kịch Buffalo (TPHCM) lên kế hoạch trình diễn vở Chicago phiên bản Việt vào tháng 9-2017. Tuy nhiên, gần đến ngày trình diễn, đơn vị giữ bản quyền (công ty Samuel French của Mỹ) kiểm tra và thấy có nhiều điểm sai khác nên họ yêu cầu nhóm Buffalo điều chỉnh lại vở diễn cho đúng thỏa thuận.

Theo đó, nhóm Buffalo phải hoãn diễn vở kịch trên, và đưa ra các phương án đổi trả vé, hoàn lại tiền, tùy theo lựa chọn của khán giả. Đây được xem là một trong những điểm sáng trong bức tranh vi phạm tác quyền nghiêm trọng đang diễn ra trong đời sống nghệ thuật Việt Nam.

Theo đạo diễn Nguyễn Khắc Duy, người sáng lập nhóm nhạc kịch Buffalo, Chicago là vở nhạc kịch kinh điển của sân khấu Broadway (Mỹ). Vở diễn này tồn tại ngót nghét trăm năm, và được diễn đi diễn lại thường xuyên tại Mỹ.

Nhiều quốc gia muốn dựng lại vở Chicago đã đến tận nơi mua bản quyền với hợp đồng thỏa thuận nghiêm túc. Nhóm Buffalo cũng thế. Để mang Chicago về Việt Nam, nhóm nhạc kịch này phải trả tiền tác quyền hàng ngàn đô la Mỹ cho mỗi suất diễn, kèm theo đó là thỏa thuận không làm mất đi cái hồn của vở.

Tuy nhiên, trong quá trình dàn dựng, để Chicago gần gũi với khán giả Việt Nam hơn, Buffalo đã điều chỉnh vài chi tiết trong kịch bản. Đơn vị giữ bản quyền phát hiện và yêu cầu dựng lại đúng với thỏa thuận.

Điều đáng nói là yêu cầu chỉnh sửa này được phát ra khi số vé cho vở Chicago đã được bán khoảng 70%. Nhóm Buffalo không còn đủ thời gian nên buộc phải thông báo dời vở diễn đến tháng 11-2017. Vì không hài lòng với sự thay đổi lịch diễn một cách đột ngột, khán giả trả lại toàn bộ vé đã mua. Điều này khiến cho Buffalo thiệt hại nặng, theo nghệ sĩ Cát Tường, người quản lý nhóm Buffalo.

Số tiền bị mất trắng gồm chi phí tổ chức họp báo, tiền hoa hồng bán vé trực tuyến, tiền thuê rạp,... Để “chữa cháy” và giữ lại tình yêu nhạc kịch đang được nhen nhóm trong lòng khán giả, Buffalo quyết định diễn thay thế bằng vở nhạc kịch tựa đề Vũ nữ.

Đạo diễn Nguyễn Khắc Duy cho biết: “Sau khi phúc khảo tại Việt Nam, chúng tôi đã có quyền trình diễn Chicago trong lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, khi phía đối tác yêu cầu ngưng để điều chỉnh, chúng tôi vẫn tạm ngưng vì muốn hòa nhập vào môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp của thế giới. Chúng tôi hiểu rằng nếu chúng tôi không đáp ứng lời yêu cầu chính đáng này, lần sau chúng tôi không còn cơ hội hợp tác với họ”.

Được biết, có thể do sự thay đổi đột ngột của vở Chicago đã ảnh hưởng đến tâm lý khán giả, nên lượng vé bán được cho vở Vũ nữ không được cao. Biết được tình hình khó khăn này của Buffalo, phía đối tác đã chủ động giảm tiền tác quyền Chicago xuống thấp hơn nhiều so với thỏa thuận ban đầu.

Trước khi xảy ra vụ việc của nhóm Buffalo, Công ty Galaxy, nhà sản xuất phim, cũng từng gặp trường hợp tương tự. Kịch bản phim Nắng 1 được biên kịch gửi đến Galaxy. Nhận thấy kịch bản có nhiều điểm hấp dẫn, đơn vị này đã quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, đến khi xem lại bản dựng, Galaxy phát hiện kịch bản này bắt chước kịch bản phim Phòng giam số 7 của Hàn Quốc. Để giải quyết vấn đề nan giải này, Galaxy quyết định bồi thường tiền cho phía Hàn Quốc. Nhờ đó, Galaxy biết được phía Hàn Quốc mua lại bản quyền từ phía Nhật Bản. Đương nhiên đơn vị sở hữu bản quyền gốc đã đăng ký thương quyền quốc tế. Bất cứ quốc gia nào vi phạm đều sẽ bị kiện, và nếu thua sẽ phải trả số tiền bồi thường rất lớn.

 1quyentacgiaVì tuân thủ yêu cầu chỉnh sửa đúng kịch bản gốc của phía đối tác, nhóm Buffalo đã diễn vở Vũ nữ thay cho vở Chicago.

Vẫn vi phạm tràn lan

Tuy nhiên, đấy chỉ là hai trong số hiếm hoi các trường hợp tuân thủ nghiêm ngặt bản quyền kịch bản trong môi trường nghệ thuật Việt Nam. Trên thực tế, việc đánh cắp ý tưởng, đánh cắp kịch bản đang trở thành căn bệnh trầm kha.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh vốn là một biên kịch ăn khách. Cách đây không lâu, anh đã chấp bút kịch bản truyền hình Nhịp sinh tử. Thế nhưng, khi phim được phát sóng, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chỉ được giới thiệu với vị trí người đưa ra ý tưởng kịch bản, còn vị trí biên kịch được thay bằng tên của người khác.

Nhà sản xuất cho biết, kịch bản gốc không hấp dẫn, nên họ phải thuê người điều chỉnh. Do đó, tên tác giả bị gạt ra khỏi vị trí biên kịch.

Câu chuyện này đã khiến báo giới vào cuộc và tạo nên cơn sóng dư luận.

Chuyện tương tự cũng xảy ra với nghệ sĩ Xuân Hương. Một đơn vị sản xuất đã thuê chị viết kịch bản một series truyền hình. Sau khi nhận kịch bản, nhà sản xuất đã yêu cầu chị viết lại. Nghệ sĩ Xuân Hương nhận thấy đây là yêu cầu bất hợp lý nên không đồng ý. Khi phim phát sóng, tên chị biến mất khỏi vị trí biên kịch.

Nhà sản xuất lý giải rằng do họ có nhiều chỉnh sửa nên thay tên người khác cho vị trí biên kịch. Theo nhận định của nhiều nhà chuyên môn, dù nhà sản xuất có thuê người viết lại kịch bản, nhưng một khi họ vẫn giữ hồn cốt của câu chuyện thì không có quyền xóa tên biên kịch.

Biết là vậy, nhưng những trường hợp như thế vẫn thường diễn ra trong môi trường nghệ thuật hiện nay; và thậm chí diễn biến ngày càng tinh vi hơn. Nếu như trước đây, người đánh cắp ý tưởng sao chép toàn bộ nội dung, giờ đây họ đầu tư thêm ý tưởng để tạo ra những phân đoạn đầu khác biệt. Thế nhưng càng về sau, kịch bản vẫn giống như kịch bản gốc.

Điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân sức sáng tạo của biên kịch trẻ đang đuối dần, trong khi nhu cầu kịch bản mới vẫn có liên tục. Để đối phó, nhiều người đã xoay xở tình thế bằng cách “cầm nhầm” kịch bản người khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối