Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Ra mắt sách ‘Cẩm nang sức khỏe Phòng chống đột quỵ’

(SGTT) - Hội đồng Sách doanh nhân đã tổ chức buổi ra mắt sách “Cẩm nang sức khỏe Phòng chống đột quỵ” của TS.BS Trần Chí Cường và nhóm tác giả vào cuối tháng 6. Sách gồm các chuyên đề về bệnh đột quỵ và các bệnh có liên quan khác giúp người đọc có những kiến thức bổ ích, đồng thời có cái nhìn tổng quan về căn bệnh đột quỵ.

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới. Xuất phát từ thực tế đáng báo động này, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành y, TS.BS Trần Chí Cường cùng các bác sĩ chuyên khoa đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã thực hiện cuốn sách “Cẩm nang sức khỏe Phòng chống đột quỵ”.

Sách gồm các chuyên đề về bệnh đột quỵ và các bệnh có liên quan khác như bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, rối loạn nhịp tim… Qua đó, giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về đột quỵ cùng các dấu hiệu nhận biết bệnh sớm, cách điều trị, chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ, cũng như cách phòng ngừa các yếu tố nguy cơ mắc bệnh này.

TS.BS Trần Chí Cường (người ngồi giữa) chia sẻ về "Cẩm nang sức khoẻ Phòng chống đột quỵ" trong buổi ra mắt sách

Dù là cẩm nang sức khỏe, cung cấp các kiến thức y khoa nhưng sách lại được viết với từ ngữ gần gũi kèm hình ảnh minh hoạ, phù hợp với nhiều đối tượng độc giả. 

TS.BS Trần Chí Cường ký tặng sách cho độc giả

Theo TS.BS Trần Chí Cường, đột quỵ là căn bệnh điều trị rất khó khăn và tốn kém, luôn là nỗi ám ảnh tử vong đột ngột và tàn phế lâu dài cho những người may mắn vượt qua. Từng chứng kiến nhiều trường hợp đáng tiếc do thiếu kiến thức nhận biết sớm và phòng ngừa đột quỵ, ông nhận thấy, việc đa số người dân chưa được trang bị đầy đủ thông tin về cách phòng tránh đột quỵ, dẫn đến mất "thời gian vàng" trong cấp cứu, khiến tỷ lệ tử vong và tàn phế gia tăng đáng kể. 

Bác sĩ Cường khẳng định, thực tế, đột quỵ không phải “trời kêu ai nấy dạ” mà có thể được phòng ngừa hoặc giảm thiểu hậu quả nếu cộng đồng có kiến thức và nhận thức đúng đắn về bệnh. Do đó, việc nâng cao nhận thức, giáo dục và phổ biến kiến thức về đột quỵ trong cộng đồng là vô cùng cấp thiết, không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 15 triệu bệnh nhân đột quỵ, mỗi 45 giây có 1 trường hợp mắc mới và cứ mỗi 3 phút có 1 bệnh nhân đột quỵ tử vong. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ. Đặc biệt, người bị đột quỵ ngày càng trẻ hóa. 

Nhã Lý

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối