(SGTT) - Các bộ hồ sơ bản vẽ của những di sản kiến trúc Huế như Ngọ Môn, Triệu Miếu, Hiển Lâm Các, Tả Vu, Thái Bình Lâu, Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ đã được thể hiện lại trong cuốn sách "Di sản kiến trúc Huế qua nét vẽ - Tư liệu Viện Bảo tồn di tích", được ra mắt vào ngày 21-3 vừa qua.
- Tưng bừng giải đua ghe truyền thống đầu tiên của TP Huế
- Huế bắt đầu đón những đoàn khách du lịch lớn
Di sản kiến trúc Huế chứa đựng những công trình kiến trúc điển hình của một thời kỳ lịch sử gồm thành lũy, cung điện, đền miếu, lăng tẩm, chùa chiền, nhà ở, phố phường... Qua những kiến trúc trên, mọi người có thể hiểu biết tường tận những loại hình kiến trúc của thời phong kiến Việt Nam.
Trước đây, các di tích của quần thể kiến trúc cung đình Huế chưa hề được vẽ ghi và xây dựng hồ sơ khoa học.
Tới đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Viện Bảo tồn di tích (trước là Xưởng Bảo quản và Tu sửa di tích Trung ương), trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã thực hiện việc tu bổ cấp thiết các di tích Triệu Miếu, Hiển Lâm Các, Thái Bình Lâu, Tả Vu thuộc điện Cần Chánh trong khu Đại Nội, Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ ở lăng vua Tự Đức. Và ấn phẩm "Di sản kiến trúc Huế qua nét vẽ - Tư liệu Viện Bảo tồn di tích" đã được ra đời, nhằm giới thiệu cho người đọc về các bộ hồ sơ bản vẽ nói trên cùng với hồ sơ bản vẽ di tích Ngọ Môn.
Các hồ sơ bản vẽ trình bày ở cuốn sách này đã được thực hiện cách đây 40 năm, đây là những bản vẽ đầu tiên góp phần vào sự nghiệp giữ gìn di sản văn hóa và kiến trúc đặc sắc của Cố đô Huế.
Cuốn sách "Di sản kiến trúc Huế qua nét vẽ - Tư liệu Viện Bảo tồn di tích" ra đời nhằm mang đến cho nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và đông đảo bạn đọc yêu di sản, yêu kiến trúc Huế những tư liệu về kiến trúc Huế, đồng thời tái hiện lại những nỗ lực trong việc gìn giữ những di sản kiến trúc Huế qua nhiều thập kỷ.
Phùng My