Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Ra ngõ gặp trái cây nhập khẩu

(SGTT) - Thị trường trái cây nhập khẩu vốn nhộn nhịp trong mấy năm gần đây nay còn sôi động hơn. Nhiều người bán trái cây nói đùa rằng, hễ trên thế giới người ta ăn được loại trái cây gì thì ở Việt Nam cũng có loại trái cây đó.

Có thể nói hiện nay, chỉ cần ra ngõ là có thể mua được trái cây nhập khẩu. Nói vậy là bởi, những người trước đây chỉ bán trái cây theo mùa, kiểu mùa nào thức nấy, như những người bán trái cây dạo trên xe, các cửa hàng nhỏ, quầy hàng bán trái cây gọt sẵn ở các con đường trong TPHCM nay cũng bán thêm đôi ba loại trái cây nhập khẩu (măng cụt, bòn bon, sầu riêng Thái Lan, táo…).

Những quầy hàng, gánh hàng di động này cùng với các sạp trái cây tại chợ; quầy trái cây trong siêu thị hay cửa hàng chuyên kinh doanh trái cây nhập khẩu và vô số những gian hàng trái cây trên mạng xã hội Facebook đang tạo ra một thị trường cung ứng trái cây nhập khẩu nhộn nhịp, sôi động.

Từ trái cây nội địa đến hàng nhập khẩu

Trái cây nhập khẩu như đào và nho bán tại cửa hàng Mia Fruit, TPHCM.

Chị Minh, một người bán trái cây dạo quanh các con đường Bùi Viện, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Thái Học, quận 1, TPHCM, cho biết nếu trước đây chị chỉ bán các loại trái cây trong nước như cóc, ổi, mận, xoài… thì nay còn bán thêm cả táo Mỹ, Úc; bòn bon, măng cụt Thái Lan khi chúng vào mùa. Những loại này, chị mua trực tiếp tại chợ đầu mối nông sản.

“Sở dĩ tôi bán thêm vì có nhiều khách tới hỏi. Giá cả của những loại trái cây nhập khẩu này cũng không phải quá cao, nên tôi mua về bán cho khách du lịch, các cô chú làm văn phòng và các chủ cửa hàng ở xung quanh”, chị Minh nói.

Nho Queen Nina.

Giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu trái cây tại TPHCM cho biết, trung bình mỗi tuần công ty ông nhập và tiêu thụ khoảng 25-30 tấn trái cây các loại dành cho các phân khúc thị trường từ bình dân tới cao cấp.

Số lượng này tăng khoảng 5-10 tấn so với cùng kỳ cách đây hai năm. Còn ở hệ thống siêu thị Co.opMart, trái cây nhập khẩu hiện chiếm khoảng 10% lượng trái cây đang được phân phối trên toàn hệ thống.

Các loại trái cây này được nhập từ Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Úc, Nam Phi, Chi Lê và New Zealand.

Dâu anh đào.

Riêng ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TPHCM, số liệu thống kê từ tháng 1 tới tháng 4 năm nay cho thấy lượng trái cây ngoại nhập chợ là 62.874 tấn, chưa kể 42.472 tấn trái cây từ Trung Quốc trong tổng số 205.130 tấn trái cây nội, ngoại được đưa vào chợ này.

Và nếu lượng trái cây ngoại nhập vào chợ trong năm 2017 xấp xỉ 227.000 tấn, thì con số này gần 237.000 tấn trong năm 2018, chưa kể lượng trái cây nhập từ Trung Quốc.

Bà Nguyễn Ngọc Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Mia Fruit, cho biết doanh thu của ba cửa hàng trái cây Mia Fruit tăng khoảng 25-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể doanh thu theo tháng ở một cửa hàng trung bình khoảng 800 triệu đồng - 1,2 tỉ đồng và đạt đến 2-3 tỉ đồng vào các tháng cao điểm (tháng có ngày lễ), tháng tết.

“Trên thực tế số lượng khách mới không tăng, nhưng tổng giá trị đơn hàng tăng và giá bán của các loại trái cây tăng nên doanh thu tăng theo”, bà Huyền chia sẻ.

Nho 11 triệu đồng/kg vẫn có người mua

Trái cây ngoại nhập được bán tại siêu thị Co.opmart Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TPHCM. Ảnh: Vũ Yến

Theo ghi nhận, các loại trái cây hiện nay phong phú về chủng loại, nguồn gốc, chất lượng và giá cả, nên phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng.

Về giá bán, có những loại quả nhập khẩu được bán với giá chấp nhận được dành cho người tiêu dùng có mức thu nhập thấp, trung bình và cũng có nhiều loại quả chất lượng cao hay loại thượng hạng (giá bán dĩ nhiên rất cao) dành cho người có mức thu nhập cao và rất cao.

Trái cây hiện cũng được bán dựa trên tiêu chuẩn, như loại trồng theo phương pháp hữu cơ, còn gọi là trái cây organic hoặc loại trái cây “sạch”.

Thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam.

Tuy vậy, thị trường cũng có những loại trái cây được canh tác đặc biệt hoặc được bán không chỉ đơn thuần là bán sản phẩm mà còn là bán thương hiệu.

Ví dụ, cùng là táo ngoại được nhập khẩu, nhưng tùy theo xuất xứ, phương pháp canh tác mà giá bán cũng khác nhau. Có loại khoảng 50.000-60.000 đồng/kg nhưng cũng có loại khoảng 500.000 đồng/kg.

Cũng đều là nho nhập từ nước ngoài nhưng giá bán có sự chênh lệch khá lớn, từ mức giá trung bình là 120.000-250.000 đồng/kg, đến mức cao với giá 1,15 triệu đồng/chùm 400gr (như nho vị rượu của Nhật Bản) hay nho mẫu đơn của Nhật có giá bán khoảng 5 triệu đồng/kg.

Nhưng giữ ngôi vị giá cao ngất ngưỡng là nho Ruby Roman Nhật Bản với một chùm tầm 800gr có giá bán 11 triệu đồng.

Số liệu nhập khẩu rau quả của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2019.

Nói về trái cây phân khúc cao cấp, vị giám đốc công ty nhập khẩu nói ở trên, cho biết trong tổng lượng trái cây nhập khẩu của công ty ông, hơn 50% số loại trái cây thuộc phân khúc cao cấp có giá bán từ 450.000 đến 1.000.000 đồng/kg hoặc cao hơn.

Trong khi bà Huyền của Mia Fruit cũng cho biết trái cây cao cấp nhập khẩu rất thu hút người tiêu dùng. Có những loại trái cây có giá đặc biệt cao, tưởng như không ai dám sử dụng nhưng nhập khẩu về vẫn không đủ bán.

“Tôi đã từng nhập và bán hết trong một tháng 200 trái xoài đỏ Miyazaki của Nhật hay còn gọi là xoài ruby, xoài này có giá tầm 3-4 triệu đồng/kg. Hay chùm nho 11 triệu đồng/800gr ai tin được là có một số người Việt Nam chịu chi để sử dụng.

Sắp tới tôi sẽ có chuyến khảo sát thị trường, sản phẩm mới tại Nhật và dự định sẽ nhập khẩu loại nho có hương dưa lưới, hương táo”, bà Huyền chia sẻ thêm thông tin.

Một số loại trái cây độc lạ trên thị trường hiện nay:

Mận vàng Úc, có giá 350.000 - 500.000 đồng/kgMận vàng Úc, còn gọi là mận October Sun Plum hay mận khổng lồ bởi mỗi ký chỉ có 6-7 trái.
Mận ngọc bích đài loan, giá bán 1.000.000 - 1.200.000 đồng/kg, trọng lượng trên dưới 250 gr, mỗi ký khoảng 4-5 trái.
Đu đủ mini Nhật Bản, được bán với giá 1.000.000 đồng/kg, nặng khoảng 600gr/trái.
Bơ Đài Loan có giá 400.000 đồng/kg, mỗi trái nặng khoảng 1,5kg.

Vũ Yến

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối