Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Rác công nghệ đổ về châu Á và châu Phi

KIM BA -

Hàng tấn máy tính và điện thoại cũ được chất đống ở châu Phi và châu Á khiến các nước đang phát triển phải đối mặt với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện chưa có một giải pháp nào để xử lý rốt ráo.

Liên minh châu Âu (EU), Interpol, Liên hiệp quốc và vài đối tác khác vừa công bố một thông tin cho biết trong năm 2014, chỉ có 4,2% trong 9,5 triệu tấn chất thải điện tử có nguồn gốc từ châu Âu được xuất sang các quốc gia đang phát triển, với “định dạng” đơn thuần chỉ là rác, 9,4% là hàng cũ. Trong khi tại Mỹ, một nghiên cứu của MIT năm 2013 cho thấy Mỹ chỉ xuất khoảng 3,1% rác thải điện tử ra ngoài, và Uỷ ban thương mại quốc tế ITC khảo sát 5.200 doanh nghiệp tái chế rác thải điện tử cho thấy có ít hơn 4% rác thải điện tử xuất ra ngoài Mỹ chỉ để tiêu hủy.

Rác điện tử đang ngày một nhiều lên ở các quốc gia đang phát triển tại châu Á và châu Phi.
Rác điện tử đang ngày một nhiều lên ở các quốc gia đang phát triển tại châu Á và châu Phi.

Và đối với các quốc gia đang phát triển, Ghana bị cho là bãi rác điện tử lớn nhất. Trong năm 2011, có 9% thiết bị điện tử nhập vào Ghana là rác thải, không làm gì được ngoài việc phải tiêu hủy. Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Liên hiệp quốc năm 2012 cho thấy 85% rác thải điện tử vào vùng Tây Phi đều được người dân tiêu thụ.

Rõ ràng các quốc gia đang phát triển đang có xu hướng tiêu thụ những sản phẩm điện tử cũ. Theo một nghiên cứu mới nhất trong năm nay của Ericsson, có 3/4 lượng đăng ký di động trên toàn cầu đến từ châu Phi và châu Á, và xu hướng này vẫn còn tiếp tục tăng trưởng cho đến năm 2020. Trung Quốc cũng đã có hơn 1 tỉ thuê bao di động, còn Ấn Độ (dân số 970 triệu người) và châu Phi (910 triệu người) cũng sẽ sớm đạt đến mốc thuê bao ấy.

Người dùng vẫn thích mua điện thoại mới, nhưng vẫn có rất nhiều người mua hàng cũ được nhập về. Điều đáng nói là hàng cũ trước sau gì cũng cần phải được phân hủy và tái chế.

Sẽ đến một lúc nào đó, rác thải điện tử ở đâu cũng như nhau. Theo Liên hiệp quốc, năm 2013, lượng rác thải điện tử từ các nước đang phát triển đã ngang bằng với nước phát triển. Nhưng số liệu này còn nhiều nghi vấn. Ví dụ năm 2014, Trung Quốc thải ra 6 triệu tấn rác thải điện tử, trong khi đó Nhật thải ra đến 2,2 triệu tấn cho dù Nhật không thể so với Trung Quốc về dân số và lãnh thổ.

Đối mặt với nguy cơ ô nhiễm từ rác thải điện tử, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Cụ thể, các nước phát triển cấm xuất khẩu rác điện tử, các nước đang phát triển như Bangladesh hạ giá điện thoại mới nhưng thực tế là luôn tồn tại thị trường hàng cũ cho người dùng không đủ tiền mua hàng mới.

Về lý thuyết, ở đây mở ra một cơ hội kinh doanh. Trung bình 1 tấn máy tính cũ chứa nhiều vàng hơn 17 tấn đất đá khai khoáng. Nhưng để xây dựng một cơ sở thu thập, xử lý và tái chế có thể mất đến nhiều tỉ đô la là điều rất khó đối với các quốc gia đang phát triển. Trung Quốc đã xây dựng được một hệ thống thu thập rác thải điện tử lớn nhất thế giới hiện nay, những hệ thống này chưa thu hồi vốn được và không tự thu, tự chi nổi.

Nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu các nhà sản xuất và thiết kế sản phẩm tạo được thiết bị có thể dễ dàng sửa chữa và nâng cấp giúp kéo dài tuổi thọ của sản phẩm. Vì nhìn chung, những loại sản phẩm như vậy sẽ dễ rã ra thành từng bộ phận nhỏ, riêng rẽ, tiện cho quy trình tái chế hơn khi chúng đã “đến tuổi”.

Đến nay, cũng đã có vài dự án nhắm đến mục tiêu này như Project Ara của Google đang phát triển một điện thoại từ các thành phần khác nhau, có thể trao đổi cho nhau dễ dàng mà không phải nâng cấp cả một điện thoại mới. Trong khi đó, Dell cũng đang thiết kế dòng sản phẩm của họ để làm sao cho dễ tái chế và họ đã nhận được giải thưởng ISRI cho giải pháp này hồi năm ngoái. Dĩ nhiên, những biện pháp “tạm” này sẽ chưa đủ để xử lý hết được làn sóng rác thải điện tử. Dù sao, đây có thể xem như điểm khởi đầu tốt để tìm một lối đi nào đó cho đống đồ điện tử bỏ đi của mình trong vài năm tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối