Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Rắc rối chuyện nghe, nhìn

NGUYỄN VẠN PHÚ -

“Nghề chơi cũng lắm công phu”... và càng công phu hơn trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh ngày nay khi không phải cứ có tiền là chơi được.

Nhạc hay do thiết bị đắt tiền?

Không biết người khác thì sao chứ mỗi lần bước vào các cửa hàng âm thanh cao cấp, tôi đều có cảm giác ngại ngùng. Nhìn giá cặp loa 200 triệu đồng hay cái ampli 300 triệu đồng chắc nét mặt mình có biểu lộ một chút hốt hoảng nào đó nên nhân viên bán hàng tiến lại, hỏi tôi cần mua gì mà chắc hẳn không mấy tin tưởng sẽ bán được hàng. Mặc dù họ vẫn rất lịch sự, ít khi mình dám nhờ họ cho nghe thử quá hai sản phẩm!

Chính vì vậy mỗi lần có triển lãm âm thanh như cuộc triển lãm thiết bị nghe nhìn vừa qua tại cả Sài Gòn rồi Hà Nội, nhiều người không bỏ qua cơ hội được nghe thử hầu hết những dàn máy đắt tiền. Ai mà không muốn nghe dàn máy có bộ dây loa không thôi, đã lên đến cả trăm triệu đồng. Nhất là khi các chủ máy rất khôn, chọn mấy bài của Leonard Cohen với giọng ca trầm lắng thủ thỉ tâm tình ra để “hù” chúng ta nữa.

16

Và, cũng không biết mọi người khác thì sao chứ nghe xong, cái cảm giác nổi lên là “Hừm, cũng chừng đó!”. Sự khác biệt giữa một dàn máy 1 tỉ đồng và một dàn máy hai ba chục triệu đồng là có nhưng không tương ứng với mức chênh lệch phải bỏ ra. Hay nói cách khác, trong chuyện nghe, không phải cứ bỏ thêm nhiêu tiền là nghe hay thêm chừng đó. Dĩ nhiên một headphone vài chục ngàn đồng làm sao sánh được với headphone 2 triệu đồng nhưng tăng lên 2,5 triệu đồng rồi 10 triệu đồng thì chất lượng cảm nhận được chỉ tăng thêm chút ít. Và đến một ngưỡng nào đó, sự hơn kém chỉ còn là cảm nhận chủ quan đi kèm với sự ghen tỵ hay thán phục người có khả năng vung tay và dám vung tay, còn mình thì không.

Cách đây mấy tuần tình cờ đọc bài viết trên một diễn đàn chơi âm thanh, kể chuyện một người ở nhà đang có dàn máy đắt tiền, vì nhu cầu công việc cần mua một máy nội địa giá rẻ chỉ cần phát ra tiếng là được. Anh được chào dàn Onkyo hàng nội địa của Nhật giá chỉ 1,5 triệu đồng, đúng cho nhu cầu anh đang cần. Khi xong việc, anh thử bỏ vô máy một đĩa nhạc CD anh từng nghe thời trẻ và sững sờ vì âm thanh quá hay của dàn nhạc rẻ tiền. Anh bâng khuâng về chuyện vừa tốn tiền vừa tốn công sức tuyển chọn dàn máy ở nhà, cuối cùng nghe không “đã” bằng thứ gần như bỏ đi.

Có lẽ đây là một ngoại lệ, có lẽ nhạc anh này nghe gắn với một kỷ niệm nào đó, nay bỗng ùa về làm anh choáng váng chứ không phải tiếng nhạc hàng nội địa độc đáo làm anh tiếc rẻ. Nhưng đó là cảm giác hoàn toàn có thể chia sẻ được. Nghe nhạc từ chiếc Sony ZX2 giá 23 triệu đồng ắt là tuyệt vời rồi nhưng giả dụ máy trưng bày trong cửa hàng cho bạn nghe thử toàn chép loại nhạc bạn không thích thì tôi tin chắc nghe từ chiếc điện thoại Sony quen thuộc của bạn có lúc hay chẳng kém.

Và đã nói chuyện hơn kém vì giá cũng nên nói luôn hơn kém vì lý do khác. Nhiều người cầu kỳ, chuyển hết kho nhạc số ở dạng mp3 qua lossless định dạng flac. Nhưng cứ thử dùng cùng một bản nhạc lưu ở hai định dạng rồi bịt mắt, hỏi 10 người có bao nhiêu người phân biệt được đâu là nhạc mp3 (320 kbps), đâu là nhạc flac. Đây là một vòng luẩn quẩn không kém chuyện giá khi người ta đi từ đĩa CD qua nhạc nén mp3 rồi giờ quay về nhạc lossless và chơi lại đĩa than. Từ có dây đến không dây, không dây cũng đi từ Bluetooth qua AirPlay hay DLNA. Có lẽ vì thế mới có chuyện “nghề chơi cũng lắm công phu”.

Lên mây xem phim

Chuyện nghe nói vậy chứ không thay đổi nhiều như chuyện nhìn. Tôi nhớ có lần viết bài về cái đĩa phim DVD “lắm chuyện”, từ DVD Trung Quốc sao chép đĩa gốc đến DVD camera mờ mờ nhòe nhòe, tức phim quay lén trong rạp bằng camera cầm tay; hết DVD 5 đến DVD 9. Cũng từng có nhiều bài báo một thời nói về cuộc đấu thoạt tiên là bất phân thắng bại giữa định dạng HD DVD và Bluray nhưng cuối cùng dù Bluray thắng cuộc lại đang dần đi vào chỗ bị quên lãng.

Chuyện xem gần đây đang thay đổi nhiều – nếu chú ý sẽ thấy các cửa hàng bán băng đĩa cũng dần biến mất như tốc độ biến mất của các sạp báo. Không nói đến các thay đổi ngày xưa như từ băng VHS qua đĩa VCD rồi đĩa DVD, cái muốn nói tới là cách thức người xem tiếp cận nguồn phát. Dù “rip” từ đĩa DVD hay đĩa Bluray, giờ hầu như người ta không còn dùng các nguồn phát sờ mó được nữa mà đã chuyển thành file lưu trên ổ cứng, trên thanh USB vài chục GB hay lưu trên mây. Tức không còn cảnh ra phố mua cái đĩa phim về bỏ vào máy xem nữa. Giờ là xem trực tiếp từ file – vấn đề là cái file đó nó nằm ở đâu trong tương quan với người xem.

stream

Cho đến nay, đa số người dùng vẫn xem phim lưu trong ổ cứng qua các đầu phát HD hay máy tính. File trong ổ cứng có thể đem ra các điểm dịch vụ nhờ chép hay tải về từ Internet. Cách đây chừng năm bảy năm, thật khó hình dung một ổ đĩa 1 hay 2 TB chứa được hàng trăm bộ phim độ phân giải cao. Cái giá phải trả cũng như bỏ tiền đi ăn buffet mà không chế ngự được lòng tham: với một ổ đĩa trên trăm phim, có người sẽ không dừng lâu ở một phim coi cho hết, họ cứ nhảy từ phim này qua phim khác và không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Ở đây mở ngoặc, một số công ty lớn ở Việt Nam đang kinh doanh loại hình tải về này nhưng có lẽ không kéo dài được lâu. Chuyện bản quyền sẽ ngày càng được chú ý, nhất là sau khi TPP có hiệu lực.

Nhưng ngày càng phổ biến loại hình xem phim từ file lưu đâu đó trên các server trên mây. Có thể đó là dịch vụ xem phim trực tuyến mà thực chất là tải bằng torrent ở đằng sau; có thể đó là các dịch vụ hay ứng dụng mà người bán các Android Box cài đặt sẵn cho người mua mà phổ biến nhất là Kodi.

Và ở đây lại xuất hiện một câu chuyện luẩn quẩn không kém: xem từ trên mây thì hay bị đứng hình, chất lượng không cao không thể nào so sánh được với coi trực tiếp từ file chép sẵn. Nhưng dường như cái cảm giác điều khiển được, muốn phim nào là có phim đó rất hấp dẫn đối với nhiều người nên họ vẫn thích coi phim trực tuyến hơn.

Mong chờ

So với nước ngoài, chuyện nghe nhìn ở Việt Nam không có gì thua sút, thậm chí còn đi trước trong một số lĩnh vực. Nhưng đến khi thế giới đi vào giai đoạn streaming (hình ảnh và âm thanh chạy từ máy chủ về máy của người dùng rồi phát luôn) là chính (cho cả nghe lẫn nhìn) thì Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi.

Thiệt thòi là muốn bỏ tiền ra để sử dụng dịch vụ ổn định, chất lượng cao, có bản quyền đàng hoàng cũng không phải dễ. Trong lĩnh vực nghe ngoài Apple Music có ưu ái cho thị trường Việt Nam khi tính phí hàng tháng rẻ hơn ở Mỹ, hầu như các dịch vụ quen thuộc khác chưa cho người Việt sử dụng. Có lẽ ai mua máy đời mới đều thấy quảng cáo nghe nhạc trực tuyến qua Spotify nhưng mấy ai xài được vì Spotify chưa chấp nhận đăng ký dịch vụ từ Việt Nam. Ngay cả Google quen thuộc cũng không mở Google Play Music cho thị trường Việt Nam trong khi tiềm năng hiệu dụng của dịch vụ này là rất lớn. Google Play Music cho phép mỗi người dùng lưu trên mây đến cả 50.000 bản nhạc của mình rồi sau đó có thể nghe ở bất kỳ thiết bị nào, bất kỳ ở đâu tùy ý. Các dịch vụ nhạc Hi-Res khác như Tidal cũng chưa mở ra cho Việt Nam. Có thể mọi người đã quen với các dịch vụ trong nước như Zing MP3, Chiasenhac hay Nhaccuatui… nhưng chưa có dịch vụ nào đạt đến sự chuyên nghiệp và kho nhạc phong phú như Spotify.

Về phim ảnh cũng vậy, giờ đây người dùng các nước không còn ra tiệm mua DVD hay Bluray nữa. Họ cũng đâu có tiệm dịch vụ tin học như chúng ta để đem ổ cứng ra chép phim về coi. Họ chuyển sang coi phim trên Hulu Plus hay Sling.TV… Nhưng cũng như các dịch vụ streaming âm nhạc, hầu như các ứng dụng này không thể nào xem từ Việt Nam trừ khi phải đổi IP rất phiền phức (ngoại trừ Netflix – dịch vụ video trực tuyến vừa chính thức được cung cấp tại Việt Nam, tuy nhiên mức giá khá cao so với mặt bằng chung thị trường).

Nghe đâu các công ty Việt Nam đang tìm cách khai thác thị trường xem phim trực tuyến có bản quyền đàng hoàng này. Nhưng thâm nhập cho được một thị trường đã quen với phim lậu coi bộ khó. Cái khó nữa là tốc độ Internet và 3G ở Việt Nam, sau những bước tiến đột phá ngày trước, nay đã chững lại và tụt hậu so với ngay các nước láng giềng. Ở nước ngoài chỉ cần chờ tải một ít về bộ đệm là người ta đã có thể xem phim ngay một cách mượt mà; ở Việt Nam chắc là khó.

Mong sao giới “anh hùng trên thế giới ảo” ứng xử cho tốt vào một chút để người ta khỏi nghi ngại về thị trường Việt Nam nữa và đồng ý mở cửa dịch vụ cho các IP từ Việt Nam. Bởi chỉ có chất lượng dịch vụ và chất lượng sản phẩm mới thay đổi được thói quen của người tiêu dùng, chịu bỏ tiền ra để mua hàng có bản quyền. Từ đó mới mong thói quen này tác dụng ngược trở lại để hỗ trợ cho ngành âm nhạc và điện ảnh Việt Nam phát triển thật sự.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối