Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025

Rác thải điện tử: Chờ cái bắt tay từ nhiều phía

CHÍNH PHONG - CHÍ THỊNH - 

Có lẽ việc thu gom rác thải điện tử còn nhiều chuyện phải làm hơn là khuấy động phong trào rồi để nó lắng xuống. Những gì đang diễn ra cho thấy muốn một người từ bỏ thói quen cũ để tập một thói quen mới là điều không đơn giản. Chương trình này sẽ khó thành công nếu không có cái bắt tay từ nhiều phía.

Vẫn chưa quen

phuong-2-Binh-ThanhThùng chứa rác thải điện tử được đặt trong khuôn viên UBND phường và người dân trong phường hầu như chưa biết để bỏ rác khi có nhu cầu. Ảnh: Chính Phong

Tuần rồi, chương trình Việt Nam tái chế do hãng Apple và HP tài trợ đã được thí điểm ở TPHCM, với bốn điểm thu gom rác điện tử gồm Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM (quận 1), UBND phường 15 quận 4, UBND phường 17 quận Phú Nhuận và UBND phường 2 quận Bình Thạnh. Theo ghi nhận thực tế trong những ngày đầu, các thùng rác ở các tụ điểm này đang trong cảnh chờ… rác.

Bà Mai Hằng, người phụ trách vận hành bốn điểm thu gom rác điện tử thí điểm tại TPHCM, cho biết chuyện thùng rác không có rác không làm bà ngạc nhiên. “Thực ra, chúng tôi mới mang thùng rác đến đặt ở các điểm trên, chưa in ấn và treo banner nên nhiều người dân chưa biết”. Bà cho biết thêm, sắp tới chương trình sẽ làm việc thêm với các phường để đưa thùng rác ra nơi dễ nhận thấy, treo banner tại trụ sở phường và các tuyến đường chính trong phường, đồng thời sẽ cùng chính quyền phường đi đến từng cụm dân cư để vận động người dân.

“Thu gom rác thải điện tử là việc còn rất mới với nhiều người dân, nên chắc chắn chúng tôi phải thực hiện nhiều sự kiện truyền thông nữa mới có thể thay đổi một phần nhận thức của người dân”, bà Hằng nói.

Anh Quốc Huy, người đang thuê nhà trên địa bàn phường 17 quận Phú Nhuận, cho biết trước đây thấy tổ chức ngày hội gom rác máy tính, nhiều người mang đồ đến bỏ còn được phát nón đội, anh tưởng chương trình được phát động có mấy ngày, đâu biết là có điểm thu rác thường trực. “Nhưng mang đồ đến vứt ở đó có được gì không?”, anh Huy hỏi.

Anh Huy hỏi vậy là bởi muốn bỏ chiếc màn hình máy tính cũ phải mất công đi xe từ nhà đến nơi bỏ, đã vậy còn phải nhờ người ngồi sau ôm. Trong khi đó, hàng ngày những người đi mua đồ cũ, thường gọi là người mua ve chai, nườm nượp đi qua nhà. Một chiếc màn hình máy tính 14 inch kiểu cũ bán được 40.000-50.000 đồng, một bộ CPU không sử dụng cũng được bán ve chai với giá 100.000-120.000 đồng.

Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), trong rác thải điện tử có chứa khoảng 1.000 hợp chất khác nhau, chủ yếu là thành phần kim loại nặng, kim loại quý… Chính vì vậy, rác thải điện tử nếu xử lý tốt sẽ là một “mỏ vàng” bởi nó chứa nhiều vật liệu quý có thể thu hồi như vàng, bạc, đồng, platin, niken. Ước tính, trong một tấn điện thoại di động có đến 150 g vàng, chưa kể đến 100 kg đồng, 3 kg bạc và nhiều kim loại khác.

Tuy nhiên, trong rác thải điện tử cũng chứa nhiều thành phần gây ô nhiễm nghiêm trọng, cực kỳ nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường. Chẳng hạn như chì (Pb), cadmium (Cd), thủy ngân (Hg), các hợp chất của brom như PBBs, PBDEs, asen (thạch tín), CFC, HCFC (có khả năng phá hủy tầng ozone)… Các chất này ảnh hưởng đến sức khỏe con người, là nguyên nhân gây ra mầm bệnh ung thư, đường hô hấp, tim mạch và thần kinh.

Xử lý rác thải điện tử cần những công ty chuyên nghiệp, có công nghệ xử lý kỹ thuật cao và thân thiện với môi trường. Song, khi được hỏi về vấn đề rác thải điện tử, giám đốc một kênh bán lẻ sản phẩm kỹ thuật số cho rằng thói quen của khách hàng với những mặt hàng không còn sử dụng được là bán phế liệu hoặc cho vào thùng rác ở nhà. Việc họ đem rác điện tử đến các điểm thu hồi là điều khó khăn.

Một cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết hồi tháng 4-2015 sở đã phối hợp với một số nhà sản xuất tổ chức Ngày hội tái chế, thu hồi rác thải điện tử ở TPHCM. Tuy nhiên, đây là một quy định mới nên người dân vẫn chưa quen với cách thức thu hồi rác thải điện tử ở các điểm thu hồi theo quy định.

Kết hợp nhiều phía

racthaidientuViệc thu gom rác thải điện tử còn nhiều chuyện phải làm hơn là khuấy động phong trào rồi để nó lắng xuống. Ảnh: Thành Hoa

Đại diện một nhà phân phối hàng điện máy cho rằng lập điểm thu gom thì quá dễ, mỗi điểm bán hàng chỉ cần đặt một thùng rác như chương trình Việt Nam tái chế đang thí điểm ở TPHCM và Hà Nội là xong. Vấn đề là người dân có mang sản phẩm điện tử không còn sử dụng nữa đến bỏ vào đó hay không. Vị này có lý khi nhìn vào những thùng rác thải điện tử trống trơn ở các điểm thí điểm đặt ở các quận Phú Nhuận và Bình Thạnh.

Theo ông, việc mua bán đồ phế liệu chắc sẽ còn tồn tại lâu dài ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy, để giải quyết vấn đề rác thải điện tử, nên chăng Nhà nước thu phí môi trường dành cho nhóm sản phẩm nằm trong quy định của Quyết định 16/2015/QĐ-TTg khi sản phẩm vừa được tung ra hoặc được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện việc này. Khoản phí môi trường trên những sản phẩm sẽ được chuyển giao cho các tổ chức chuyên về thu hồi sản phẩm thải bỏ để họ có kinh phí thu gom từ người tiêu dùng hoặc đại lý phế liệu rồi từ đó tiến hành phân loại và xử lý.

Trước mắt, khi chưa có chủ trương đó, theo bà Mai Hằng, chương trình phi lợi nhuận Việt Nam tái chế sẽ tiếp tục đi tiên phong trong việc vận động thu gom rác thải điện tử, vận động thêm nhiều nhà tài trợ nữa bên cạnh HP và Apple để trở thành một tổ chức mạnh tập hợp các nhà sản xuất có ý thức bảo vệ môi trường.

[box type="info"] Ngày 22-5-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg về việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ thuộc nhóm hàng thiết bị điện, điện tử như máy vi tính, máy in, điện thoại di động, đầu đĩa, máy chụp ảnh, điều hòa nhiệt độ, máy giặt, ti vi, tủ lạnh, bình ắc quy, pin, dầu nhớt, săm lốp các loại. Theo đó, từ ngày 1-7-2016, các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu chính thức và nhà phân phối chính thức phải có trách nhiệm “thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ, có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ của mình và khuyến khích tiếp nhận sản phẩm cùng loại với sản phẩm mình đã bán ra thị trường mà không phân biệt nhãn hiệu hoặc nhà sản xuất…”.[/box]

Cũng theo các ý kiến trên, hoạt động thu hồi sản phẩm điện tử thải bỏ sẽ phải có sự kết hợp của nhiều bên, từ người tiêu dùng, nhà sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, các nhà phân phối, bán lẻ thiết bị điện tử cũng là các đầu mối quan trọng trong việc thu hồi rác thải điện tử. Song cũng cần có thời gian để thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với các thiết bị điện tử không còn sử dụng. Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết hiện đang xây dựng kế hoạch để trình UBND thành phố ban hành thực hiện, bao gồm tuyên truyền để kêu gọi người dân cùng tham gia; hướng dẫn và hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà phân phối tổ chức việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ theo quy định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối