Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Rau quả lo dội chợ, rớt giá

Trung Chánh

Xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm chứng tỏ việc tiêu thụ mặt hàng rau, quả nội địa đã có sự cải thiện. Thế nhưng một số người trong cuộc dự báo, tình trạng rau quả giảm giá sẽ tiếp tục tái diễn trong vụ thu hoạch rộ năm nay.

Xuất khẩu nhiều

Trong khi kim ngạch xuất khẩu của nhiều loại mặt hàng nông, lâm, thủy sản sụt giảm mạnh trong quí đầu năm 2015 thì rau, quả vẫn tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Cụ thể, số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau, quả trong quí đầu năm nay đạt 274 triệu đô la Mỹ, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhiều thị trường có tốc độ tăng trưởng rất mạnh như Hàn Quốc (tăng 100%), Hồng Kông (tăng 230%), Singapore (tăng 300%). “Riêng đối với thị trường Trung Quốc, dù tốc độ tăng trưởng chỉ 36% so với quí 1-2014, nhưng đây vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam”, TS Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường, thuộc SOFRI nói.

Xuất khẩu rau, quả tăng, nhưng dự báo vẫn khó tránh khỏi điệp khúc dội chợ, rớt giá trong vụ thu hoạch năm nay được.   Ảnh: Trung Chánh
Xuất khẩu rau, quả tăng, nhưng dự báo vẫn khó tránh khỏi điệp khúc dội chợ, rớt giá trong vụ thu hoạch năm nay được. Ảnh: Trung Chánh

Điều đáng mừng hơn, theo ông Lập, đó là kim ngạch xuất khẩu trái cây sang một số thị trường nổi tiếng khó tính cũng có sự tăng trưởng mạnh trong quí 1-2015. Chẳng hạn, xuất khẩu chôm chôm sang Mỹ đạt gần 2,3 triệu đô la Mỹ so với 1,6 triệu đô la của quí 1-2014.

Trong khi xuất khẩu tăng, thì nhập khẩu rau, quả lại sụt giảm mạnh. Theo SOFRI, trong quí 1-2015, Việt Nam nhập khẩu rau, quả các loại với tổng kim ngạch khoảng 53 triệu đô la Mỹ. So với cùng kỳ năm 2014, con số này giảm khoảng 42%. Như vậy, sau khi cân đối giữa kim ngạch xuất và nhập khẩu rau, quả trong quí 1-2015, xuất khẩu trong nước còn thặng dư một khoản kim ngạch hơn 220 triệu đô la Mỹ.

...nhưng cũng nhiều mối lo

Xuất khẩu rau, quả tiếp tục có sự tăng trưởng và doanh nghiệp cũng đã có sự chú trọng hơn trong việc sử dụng nguồn hàng trong nước phục vụ chế biến để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Thế nhưng, một số người trong cuộc vẫn lo ngại tình trạng rau, quả dồn ứ sẽ tiếp tục tái diễn khi bước vào thu hoạch rộ.

Ông Võ Ngọc Diệp, Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất thanh long Lương Phú (Tiền Giang), dự báo giá trái cây sẽ sụt giảm mạnh và tiêu thụ khó khăn trong thời gian tới. Theo ông Diệp, từ tháng 6 đến tháng 8 là thời điểm nhiều loại trái cây ở ĐBSCL được thu hoạch khi vào mùa. “Khi các loại trái cây vào mùa thu hoạch rộ thì xảy ra tình trạng dồn ứ, tiêu thụ khó khăn. Năm nay chắc cũng sẽ không có ngoại lệ”, ông Diệp nói.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng SOFRI, cho rằng thời điểm bắt đầu mùa hè cũng là vụ thuận thu hoạch của nhiều loại trái cây. Qua tháng 6 tới đây thì mùa vải ở ngoài Bắc cũng vào vụ nên sản lượng tăng lên rất nhanh. “Cây ăn trái bắt buộc phải thu hoạch và tiêu thụ ngay khi chín, cho nên áp lực tiêu thụ tăng cao, dẫn đến đội chợ rớt giá”, ông Châu nói.

Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, hiện tại dù chưa phải là lúc cao điểm thu hoạch trái cây nhưng nhiều chủng loại giá đã giảm khá mạnh so với trước. Cụ thể, sầu riêng ở vùng chuyên canh của huyện Cai Lậy, Tiền Giang được thương lái mua tại vườn với giá 40.000-45.000 đồng/kg đối với loại tốt nhất, giảm khoảng 40-50% giá so với thời điểm cách đây vài tháng.

Để hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”, theo ông Châu, các địa phương ở ĐBSCL nên xem xét chuyển một phần diện tích cây ăn trái sang sản xuất rải vụ sao cho thời điểm thu hoạch rơi vào các tháng từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm. Hiện cũng đã có nhiều địa phương thực hiện sản xuất rải vụ cho cây ăn trái rồi nhưng diện tích thu hoạch vào vụ thuận vẫn còn rất nhiều nên dự báo chưa thể tránh khỏi điệp khúc dội chợ, rớt giá trong vụ thu hoạch chính năm nay được”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối