Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Rau sạch vào siêu thị còn ít

QUỐC ANH  -

Tại một số tỉnh miền Tây Nam bộ, trong hàng trăm ngàn héc ta trồng rau màu thì chỉ có vài trăm héc ta có rau được trồng theo tiêu chuẩn sạch để đưa vào hệ thống siêu thị.

Ông Trần Minh Hiếu ở xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, đang trồng rau xà lách xoong theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt – VietGap. Hiện tại, cứ mỗi đợt thu hoạch, rau của ông bán được 22.000 đồng/kg, cao hơn rau của nông dân trồng bình thường 2.000 đồng/kg.

Một quầy rau an toàn tại thành phố Cần Thơ.
Một quầy rau an toàn tại thành phố Cần Thơ.

Tại xã này còn có 31 hộ nông dân khác cũng trồng rau theo quy trình VietGap khi họ tham gia vào hợp tác xã (HTX) xà lách xoong Thuận An, do ông Hiếu làm chủ nhiệm. Theo ông Hiếu, người nông dân trước tiên muốn vào HTX phải tập huấn, xây dựng hệ thống tưới tiêu nước sạch cho rau, phải xây dựng nhà vệ sinh hợp chuẩn, phải có nhà kho chứa sản phẩm rau cải, phải dùng phân bón, thuốc trừ sâu sinh học… “Ngành nông nghiệp địa phương có hỗ trợ đường ống và hệ thống tưới nước, hỗ trợ hệ thống xử lý ozon. Thị trường tiêu thụ thì theo hệ thống phân phối của HTX”, ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, số đơn vị trồng rau sạch như HTX Thuận An không nhiều. Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, số diện tích trồng rau đúng chuẩn VietGap ở địa phương rất ít. Cụ thể, cả tỉnh có tổng diện tích trồng rau an toàn tính đến đầu tháng 9-2015 là gần 44.000 ha, nhưng số diện tích đã được chứng nhận VietGap chỉ gần 20 ha.

Tương tự như Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ cũng có diện tích đất trồng rau màu rất lớn trong khi số được cấp chứng nhận VietGap là quá nhỏ. Trong 7.000 ha rau màu trên địa bàn thành phố này hiện chỉ có 50 ha là trồng theo quy trình VietGap. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, ông Phạm Văn Quỳnh, cho rằng sản xuất rau màu theo VietGap đòi hỏi sản phẩm phải có đầu tư, đúng quy trình, trong khi người nông dân chưa quen. “Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra đôi khi khó tiêu thụ, lẫn lộn vàng thau giữa rau VietGap và rau sản xuất bình thường. Nhiều nông dân ở các tỉnh ĐBSCL không thích sản xuất theo VietGap”, ông Quỳnh nói.

Tại một siêu thị ở thành phố Cần Thơ, một khách hàng là bà Nguyễn Thị Phượng, ở phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, cho rằng nếu siêu thị hiện nay kinh doanh rau quả có dấu VietGap, có mã vạch, mã số, thì người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn. Thế nhưng, bà La Ngọc Trương, Phó giám đốc ngành hàng thực phẩm của siêu thị Co.op Mart Cần Thơ, cho biết sản phẩm rau quả theo quy trình như vậy hiện vào siêu thị không nhiều.

Theo bà Trương, để đưa rau quả vào siêu thị tiêu thụ, nhà sản xuất phải có bộ hồ sơ về chất lượng sản phẩm, thông tin về quy trình và tiêu chuẩn sản xuất. Bên cạnh đó, phải có mẫu thử của ngành chức năng, mẫu mã hàng hóa, chất lượng hàng hóa, sản lượng cung cấp cam kết với siêu thị phải ổn định, đảm bảo uy tín. “Hiện nay, cách kết nối giữa hệ thống siêu thị với nhà nông còn chưa tốt”, bà Trương nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối