Vũ Yến
Theo đại diện của một số hợp tác xã (HTX) và cơ sở sản xuất rau sạch đạt chuẩn VietGap, mặc dù thời gian triển khai chương trình đưa rau sạch VietGap vào một số chợ truyền thống tại TPHCM đã khá lâu nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Theo đó, tính hiệu quả của chương trình chưa cao, rau sạch vẫn chưa vào nhiều chợ.
Do thiếu mặt bằng
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thỏ Việt, cho biết sau một thời gian tạm ngưng do khó khăn, ngày 21-3 vừa qua Thỏ Việt đã triển khai lại chương trình đưa rau sạch vào chợ, mà mở đầu là chợ Tân Định, quận 1.
Tuy nhiên, theo bà Ngọc, khó khăn hiện tại của HTX khi đưa rau vào chợ truyền thống không phải do không có người mua mà do thiếu mặt bằng.
“Ban đầu ban quản lý chợ sắp xếp cho chúng tôi thuê lại hai sạp của tiểu thương tại khu vực bán rau. Sau bốn ngày vì thấy chúng tôi bán được hàng nên tiểu thương không đồng ý cho thuê nữa. Thỏ Việt phải dời vào bán ở khu vực không phải để bán rau. Từ doanh thu 5 triệu đồng/ngày giảm xuống chỉ còn khoảng 3 triệu đồng/ngày”, bà Ngọc kể.
Bà Ngọc cũng cho biết bà đã đi khảo sát, đặt vấn đề thuê sạp để đưa rau sạch vào một số chợ nhưng đều gặp khó ở khâu mặt bằng. Tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, giá thuê sạp hàng khá cao do đó Thỏ Việt đang thương lượng lại với tiểu thương. Còn tại chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, sạp hàng đẹp trong chợ để thuê không còn hoặc phải thuê giá quá cao, vì vậy, từ ngày 11-4 ban quản lý chợ tạo điều kiện bằng cách cho Thỏ Việt thuê diện tích trước cửa ban quản lý để dựng sạp hàng giới thiệu và bán sản phẩm.
“Tuy thế, vì đây là khu vực trước cửa ban quản lý nên chỉ được phép bán từ 6 giờ đến 9 giờ sáng, chiều không thể bán”, bà Ngọc nói thêm.
Ông Nguyễn Kim Long, Phó trưởng ban quản lý chợ Hoàng Hoa Thám cũng cho biết, trong năm 2014 và từ đầu năm 2015 cũng có nhiều HTX, đơn vị sản xuất rau sạch tới đề cập đưa rau sạch vào chợ. Ban quản lý đã tạo mọi điều kiện cho nhà sản xuất gặp gỡ, tiếp xúc với tiểu thương cũng như giới thiệu địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông, các phương án mà ban quản lý đưa ra, bàn bạc với nhà sản xuất và tiểu thương đều gặp những chỗ vướng.
Cụ thể, với phương án cho nhà sản xuất thuê mặt bằng để tự kinh doanh thì những vị trí đẹp không còn, chỉ còn chỗ khuất. Theo đó, nhà sản xuất, nhà cung cấp không chọn phương án này.
Thậm chí, nếu để nhà sản xuất thuê vị trí ngay mặt tiền của ban quản lý thì cũng khiến nhà sản xuất gặp khó vì phí cho thuê áp dụng không phải là phí sạp hàng mà là phí dịch vụ quảng cáo với mức khá cao, lên tới 800.000-900.000 đồng/tháng.
Kế đến, với phương án nhà sản xuất cung cấp rau sạch để tiểu thương trong chợ bán thì lại gặp vướng trong việc hai bên thương lượng tiền chi trả, mức độ hoa hồng, giá cả hay lượng hàng cung ứng cho những ngày bán đắt hàng...
“Vì những khó khăn như thế, nên cho tới thời điểm này rau sạch vẫn chưa vào được chợ Hoàng Hoa Thám”, ông Long nói.
Do vận chuyển
Ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên ở Đà Lạt, cho biết ông là người trực tiếp đi một số chợ, gặp gỡ tiểu thương để bàn bạc, tìm phương án tốt nhất đưa rau sạch vào chợ truyền thống.
Mặc dù vậy, khó khăn lớn nhất mà Thảo Nguyên gặp phải đó là các tiểu thương ở các chợ tại các quận khác nhau, trái tuyến đường đều yêu cầu giao hàng cùng một giờ. Tức khoảng 5-6 giờ sáng mỗi ngày, không sớm hơn cũng không trễ hơn.
Trong khi đó, theo ông Sơn, nhân lực của Thảo Nguyên còn mỏng, xe chuyên chở rau từ Đà Lạt cung cấp cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tại TPHCM lại là xe lớn, tập kết tại một điểm, không thể cùng lúc đi vào các quận nội thành.
“Nếu thêm một xe nhỏ để chuyên chở hàng giao cho các chợ thì phát sinh quá nhiều chi phí mà cũng không thể cùng một giờ giao cho tất cả các chợ”, ông Sơn nói.
Cũng gặp những khó khăn, phải ngưng việc cung cấp rau sạch tại chợ đầu mối nông sản Bình Điền, ông Trần Văn Thích, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp SX-TM-DV Phước An (TPHCM), kể rằng khách hàng chê rau sạch HTX không tươi, giá cao, tiểu thương yêu cầu tăng hoặc giảm giá theo giá ở chợ trong khi rau mà HTX ký kết với người nông dân trực tiếp sản xuất có giá ổn định trong vòng một tuần. Thậm chí có trường hợp, HTX Phước An cho thương lái lấy hàng số lượng lớn với số tiền lên tới 60-70 triệu đồng nhưng rồi thương lái không hoàn trả...
Mặc dù khó khăn chồng chất khó khăn nhưng đại diện các nhà sản xuất, HTX vẫn cho biết sẽ tiếp tục triển khai, cố gắng để đưa rau sạch vào chợ truyền thống, mà trước mắt là 17 chợ loại 1 tại TPHCM.
Bà Ngọc của Thỏ Việt nói mặc dù hiện tại sạp hàng của Thỏ Việt bị lùi, khuất phía trong chợ Tân Định và không nằm ở khu vực bán rau nhưng đơn vị bà đã áp dụng các giải pháp như cho nhân viên đứng ở khu vực đông người của chợ phát tờ rơi, quảng cáo, giới thiệu và hướng dẫn để thu hút người tiêu dùng. Quan trọng hơn, Thỏ Việt mong muốn tiểu thương làm đại lý phân phối rau sạch tại chợ truyền thống.
“Các chợ loại 1, đặc biệt là chợ Tân Định, nhu cầu sử dụng rau sạch của người tiêu dùng cao theo đó tôi sẽ cố gắng bám trụ tại đây trước. Tôi mong muốn lượng rau, củ, quả tiêu thụ ở đây sẽ chiếm khoảng 50% trong tổng lượng rau cung ứng ra thị trường của Thỏ Việt”, bà Ngọc chia sẻ.
Ông Thích của Phước An hay ông Sơn của Thảo Nguyên cũng cho biết, để rau sạch ra chợ nhiều hơn, hai đơn vị này mong muốn và khuyến khích tiểu thương làm đại lý phân phối rau trực tiếp tại các chợ truyền thống.