Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Rêu suối, món lạ thổn thức du khách vùng Tây Bắc

(SGTT) - Vùng đất Tây Bắc không chỉ nổi tiếng bởi những cảnh đẹp hùng vỹ mà nơi này còn lấy lòng du khách phương xa bởi những đặc sản địa phương. Trong đó, rêu suối là món ăn độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.

Thật vậy, khắp các tỉnh, thành vùng Tây bắc nơi có sông suối đều có rêu, những vùng nước sâu, rêu bám chặt lấy những viên sỏi đá, như mái tóc thanh xuân của thiếu nữ quấn chặt lấy những mỏm đá lởm chởm, ai nấy đều cảm thấy bâng khuâng.

Cũng phải thôi, chuyện tình Tây bắc kể rằng, đây là mái tóc của một thiếu nữ cùng người yêu trầm mình xuống dòng suối Thia (Yên Bái) để bảo vệ tình yêu trong sáng của mình khi bị ép duyên. Cũng bởi vậy rêu suối Thia thơm ngon, ngọt và đẹp nhất Tây Bắc.

Theo đó, rêu suối mọc tự nhiên nhưng rêu mọc ở chỗ nước sạch, chảy xiết thì mới có thể chế biến món ăn. Đi hái rêu là một nét đẹp văn hóa của bà con nơi đây. Người dân chọn ngày đẹp trời, lúa thóc đầy bồ, cả bản nghỉ nương rẫy rủ nhau tới các bãi rêu như đi trẩy hội.

Ngoài rêu tươi ăn ngay, người dân tộc Thái còn tích trữ rêu khô phơi gác bếp ăn dần. Những buổi khách quý đến nhà chơi mới đem ra thiết đãi. Khi gia đình đông đủ, nhà hai vợ chồng con cái cùng thưởng thức món rêu hương vị tao nhã, như đang thưởng thức món ăn của tiên thần.

Được biết, rêu suối gồm có rêu tau, là rêu mảng ở các ao hồ hoặc khe suối không bám chặt vào đá, khi lượm chỉ cần dùng thanh tre, gạt rêu vào giỏ. Còn rêu cay là loại rêu mọc rời rạc xanh đậm ở Nậm Mã, Nậm Khoai, Nậm Thi, Nậm He… thuộc sông Mã ở Sơn La. Trong khi đó, rêu cui là loại rêu mọc trên đá hình sợi màu xanh sẫm ở các dòng sông Nậm Mu, Nậm Ma, Nậm Bum, Nậm Mức, Nậm Po, Nậm Rốn… phụ lưu của sông Đà ở Điện Biên.

Thông thường, rêu mọc được 3-4 ngày thì phải ra vớt ngay. Khi ấy rêu mọc tốt nhất và non. Nếu thu hoạch chậm thì rêu sẽ chuyển sang màu trắng và không dùng làm thức ăn được. Rêu ngon là rêu mọc dài thướt tha, sờ vào thấy mát rượi êm ái, chỉ cần lấy tay hoặc vớt nhẹ nhàng lựa theo dòng nước gạt từ ngọn tới rễ.

Về món ăn từ rêu, có thể kể đến là nộm rêu (tau nửng chụp), canh rêu, rêu nướng. Cụ thể, nộm rêu có cách chế biến như sau: rêu sạch đem cắt nhỏ rồi đem hấp chín, trộn muối, đường, gừng, rau thơm, hạt sen, nếu thích cay cho ớt hoặc hạt tiêu rừng để làm món rêu giòn, ngọt, thơm. Trong khi đó, canh rêu tươi (kinh tau) là món ăn được nấu bởi rêu cùng xương heo hầm hoặc luộc gà, với thịt nạc băm nêm gia vị và dùng khi nóng.

Với món rêu nướng, rêu được nêm nếm với các loại rau thơm và gia vị, gói vào lá chuối hoặc lá dong rồi kẹp tre, nướng trên bếp than hồng. Khi nướng, không được để rêu quá gần ngọn lửa, tránh để rêu cháy, chảy gia vị ra ngoài hay dính tro bếp. Rêu nướng được dùng để ăn ngay khi nóng hoặc ăn kèm với cá suối nướng, thịt heo, thịt gà.

Lên du lịch Tây Bắc, thưởng thức món rêu đá - món quà của núi rừng, du khách mới thấy được cái thú ẩm thực của người vùng cao, để rồi chỉ một lần ăn mà nhớ mãi hương vị đặc biệt ấy.

Nguyễn Hưng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối