Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024

Robot hỗ trợ người già đi lại

Chánh Tài -

Các hãng xe Nhật như Toyota, Honda đang chuyển sự chú ý sang robot hỗ trợ cho người già khi tốc độ lão hóa của dân số ở nước này đang tăng nhanh.

Anh-1Người mẫu trình diễn hệ thống robot hỗ trợ phục hồi chức năng đi lại Welwalk WW-1000 của Toyota.

Thay đổi nhân khẩu học nhanh chóng đã đặt các hãng xe Nhật vào một tình thế riêng biệt. Bên cạnh các vấn đề có liên quan đến dân số đang giảm như thiếu hụt lao động, cắt giảm lương hưu, Nhật cũng đối mặt với nhu cầu xe ô tô trong nước đang yếu dần.

Do vậy, hãng xe lớn thứ hai thế giới Toyota, đã có bước đi đầu tiên để gia nhập một lĩnh vực khá mới mẻ, đó là kinh doanh robot hỗ trợ phục hồi chức năng đi lại cho bệnh nhân, chủ yếu là người già bị liệt do đột quỵ.

Toyota cho biết họ đã nhìn thấy cơ hội trở thành nhà sản xuất robot hàng loạt nhằm chăm sóc lực lương người già đông đảo ở nước này.

Hôm 12-4, Toyota ra mắt một hệ thống robot có tên gọi WelwalkWW-1000. Hệ thống này thực chất là một bộ thanh giằng được thiết kế để giúp những người bị liệt nửa người có thể đứng dậy và tập đi lại.

Bộ thanh giằng bao gồm một kết cấu khung có gắn động cơ và có thể gắn vào chân bị liệt của bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân mang nó vào chân để tập đi lại trên máy chạy bộ đặc biệt. Toyota cho biết sẽ cho các bệnh viện ở Nhật thuê 100 hệ thống Welwalk WW-1000 với mức phí phải trả ban đầu 1 triệu yen (gần 9.000 đô la Mỹ) và mức phí hàng tháng 350.000 yen (gần 3.200 đô la Mỹ).

Welwalk WW-1000 sẽ được đeo ở một chân của người bị liệt nửa người do đột quỵ hay các chứng bệnh khác. Các bác sĩ cho biết nó sẽ giúp bệnh nhân phục hồi chức năng đi lại. Bệnh nhân đeo bộ thanh giằng Welwalk WW-1000 sẽ được hỗ trợ bởi một sợi dây từ phía trên khi họ bước đi. Điều này bảo đảm họ sẽ không bị té ngã và chấn thương.

Anh-2Bộ thanh giằng có gắn động cơ của hệ thống robot Welwalk WW-1000 được gắn ở chân bị liệt sẽ giúp bệnh nhân tập đi lại dễ dàng hơn.

“Hệ thống robot Welwalk WW-1000 sẽ hỗ trợ người già bằng cách giúp họ có cuộc sống độc lập hơn”, thông báo của Toyota nhấn mạnh.

Hệ thống robot hỗ trợ tập đi lại phục hồi chức năng của Toyota được giới thiệu sau khi hãng xe Honda (Nhật) ra mắt các “chân robot” hỗ trợ đi lại vào năm 2015. Honda phát triển các “chân robot” này dựa vào công nghệ để chế tạo con robot thông minh biết khiêu vũ ASIMO nổi tiếng của hãng này.

“Nếu có thể tìm ra cách giúp người già có thể duy trì vận động sau khi họ không lái xe được nữa, chúng tôi phải nhìn xa hơn những chiếc xe và phát triển trở thành nhà sản xuất robot”, Toshiyuki Isobe, Giám đốc trung tâm nghiên cứu các lĩnh vực mới của Toyota nói.

Theo Isobe, những con robot được sản xuất hàng loạt sẽ là một bước đi tự nhiên đối với Toyota, vốn là hãng sản xuất máy dệt chuyển thành công ty sản xuất ô tô vào năm 1905 với sứ mệnh “sản xuất những sản phẩm thiết thực đáp ứng yêu cầu của cuộc sống”.

“Dù sản phẩm đó là robot hay ô tô, nếu có nhu cầu hàng loạt, chúng tôi sẽ sản xuất chúng với niềm đam mê”, Isobe nói.

Nhật có dân số đang lão hóa với tốc độ nhanh hơn phần còn lại của thế giới. Số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 26,7% dân số Nhật trong năm 2015, vượt xa mức trung bình 8,5% của dân số toàn cầu.

Nhu cầu các dịch vụ chăm sóc người già đang bùng nổ ở Nhật nhưng nhân lực chăm sóc người già đang thiếu hụt trầm trọng do dân số ở độ tuổi lao động đang giảm.

Trên toàn cầu, doanh số các thiết bị robot hỗ trợ người già và người khuyết tật dự báo sẽ đạt 37.500 đơn vị trong giai đoạn 2016-2019 và dự báo sẽ tăng mạnh trong vòng 20 năm tới, theo Liên đoàn quốc tế về robot học. Trong khi đó, doanh số xe ô tô ở Nhật giảm 8,5% trong giai đoạn 2013-2016 vì người già ngừng lái xe và việc sở hữu xe cộ không còn là một ưu tiên của giới trẻ.

Giống như những hãng sản xuất ô tô lớn khác, Toyota vẫn đang cạnh tranh quyết liệt để phát triển xe tự lái và đã cam kết dành 1 tỉ đô la Mỹ cho một trung tâm nghiên cứu trí thông minh nhân tạo và robot.

Isobe tiết lộ Toyota đã mất nhiều thời gian để phát triển robot hơn xe cộ vì đây là lĩnh vực không thuộc thế mạnh của Toyota trước đây. Mất hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển, Toyota mới có thể giới thiệu hệ thống robot hỗ trợ đi lại ra thị trường.

“Thách thức lớn nhất là xác định nhu cầu của thị trường robot vốn còn tương đối mới mẻ và bảo đảm rằng sản phẩm của chúng tôi an toàn”, Isobe nói.

Tuy vậy, các chuyên gia ngành công nghiệp robot đánh giá cao năng lực của các hãng xe. Họ nhận định các hãng xe ở vị thế tốt để cạnh tranh với Công ty Công nghệ y khoa Hocoma (Thụy Sĩ) và Công ty Robot ReWalk Robotics (Mỹ). Cả hai công ty này đều đã phát triển các hệ thống robot hỗ trợ đi lại.

“Nhiều hãng xe đang hợp tác với những công ty công nghệ và các công ty khác để nghiên cứu ứng dụng trí tuệ thông minh nhân tạo. Điều này đặt họ ở vị thế mạnh để cạnh tranh các dịch vụ robot phục vụ người già”, Phó chủ tịch trung tâm ưu tú của Viện Nghiên cứu Grartner (Mỹ) nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối