Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Rồi đến ngày ta sống với robot

Hoàng Xuân Phương - Nguyễn Minh Anh -

Câu chuyện nữ robot Sophia được Saudi Arabia trao quyền công dân vào tháng 10-2017 không chỉ là một sự kiện gây chấn động trong ngành công nghệ thông tin mà còn là đề tài của các cuộc tranh luận về nhân sinh cùng những giá trị đạo đức xã hội.

 Sophia được phát triển bởi Công ty Hanson Robotics, do kỹ sư chuyên ngành trí tuệ nhân tạo (AI) David Hanson đứng đầu. Sau khi ra mắt công chúng, Sophia nhanh chóng nổi tiếng và trở thành khách mời thường xuyên của các talkshow như chương trình Chào buổi sáng ở Anh, được mời phỏng vấn trên kênh CNBC, hay xuất hiện trên bìa tạp chí ELLE như một ngôi sao.

Câu chuyện về Sophia tưởng như chỉ xuất hiện trong các bộ phim viễn tưởng, nhưng đã trở thành sự thật. Và nó cũng làm dấy lên những cuộc tranh luận về viễn cảnh về tương lai của loài người, khi mà việc sử dụng robot để thay thế con người ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Không chỉ làm tốt những công việc giản đơn, robot giờ đây thậm chí có thể thay thế vị trí của các chuyên gia trong một số lĩnh vực.

Khi cơn bão thất nghiệp lan đến

Theo cuộc nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may-da giày và 3/4 lao động trong ngành điện-điện tử có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao do tự động hóa.

Câu chuyện công nhân ‘mất việc bởi robot’ đang xảy ra tại một số công ty sản xuất mỹ nghệ ở Bình Dương, theo thông tin từ báo đài. Nhiều tờ báo về kinh tế đã dẫn chứng con số đáng giật mình, 90% công nhân tại một nhà máy ở tỉnh này đã phải nghỉ việc vì nhiều dây chuyền sản xuất chỉ cần vỏn vẹn 5 robot là đã vận hành suôn sẻ. Những cỗ máy này thừa sức thay thế được hơn 100 công nhân nhưng chỉ tập trung duy nhất vào khâu tạo hình sản phẩm trong toàn bộ dây chuyền. Trung bình mỗi một giờ đồng hồ, mỗi robot sẽ cho ra 500 sản phẩm, với độ chính xác lên đến từng milimet.

Điều quan trọng là, trong lao động, robot không bị ảnh hưởng bởi tâm lý như con người. Các cỗ máy này không mệt, không đói, không bị áp lực căng thẳng bởi những nhân tố bên ngoài nên năng suất luôn ổn định. Do đó, các sản phẩm được làm ra được bảo đảm về số lượng và chất lượng.

Câu chuyện tượng tự cũng xảy ra tại một số công ty chế biến thủy sản ở Cần Thơ. Các công ty này đã đầu tư các dây chuyền tự động hóa cao, các loại nguyên liệu thủy sản khi chạy trên băng chuyền sẽ đi qua những ‘con mắt điện tử’ có chức năng phân loại theo đúng kích cỡ quy định. Phân loại xong, dây chuyền tự động sắp xếp các sản phẩm cùng một kích cỡ vào một nhóm.

Các dây chuyền tự động với độ chính xác cao này đang thay thế công việc của hàng trăm công nhân, với năng suất cao và độ sai số rất nhỏ đã giúp giảm thiểu rủi ro trong quy trình sản xuất so với dây chuyền thủ công.

Giờ đây, mối lo mất việc cho những người công nhân đang càng được nhân rộng ra. Điều gì sẽ xảy ra với những người lao động có trình độ thấp tại hơn 300 khu công nghiệp ở Việt Nam, khi không chỉ các doanh nghiệp lớn mà cả các công ty, nhà máy sản xuất quy mô nhỏ cũng đang hướng tới việc thay thế nhân công bằng các dây chuyền tự động hóa?

Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bột giặt và hóa chất Đức Giang, đến với cuộc hội thảo về đề tài công nghiệp 4.0 diễn ra vào giữa tháng 8-2017 tại Hà Nội bằng chính câu chuyện máy móc thay thế con người nơi các nhà máy của mình. Ông chia sẻ về các dây chuyền tự động hóa đã ‘tiêu diệt’ sức sản xuất của những công nhân tại Đức Giang một cách nhanh chóng như thế nào. “Cứ 1.600 người thì 300 người bị mất việc”, ông Huyền đưa ra một phép tính khi nói về câu chuyện tự động hóa nơi nhà máy ở tỉnh Lào Cai.

Thậm chí tốc độ mất việc còn nhanh hơn đối với các công nhân của ông Huyền tại nhà máy ở Long Biên (Hà Nội). Ông kể về dây chuyền bột giặt tuổi đời hơn 20 năm ở đây, vốn có 100 người nhưng khi đưa hệ thống máy móc vào thì sẽ chỉ cần 10-15 người vận hành.

“Tôi tự nghĩ là các công nhân buộc phải nghỉ việc thì họ sẽ làm gì?”, ông nói, và kể rằng bản thân đã trải qua nhiều lần đắn đo, tự vấn trước khi đưa ra một quyết định có ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm con người. So với máy móc, rõ ràng những người công nhân chịu thiệt thòi hơn rất nhiều. Vị lãnh đạo của Đức Giang lấy ví dụ: “Robot làm gì có bảo hiểm, chỉ có bảo dưỡng, bảo hành. Còn đối với nhân công thì bảo hiểm là rất nặng”. 

“Tương lai tôi nghĩ công ty mình sẽ chỉ có vài trăm công nhân, nhiều quy trình được tự động hóa. Chúng tôi sẽ mời các nhân sự có trình độ và năng lực cao về công nghệ thông tin về làm việc”, doanh nhân này cho biết. Ông lạc quan với sự thích nghi và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trước sức ép đổi mới mà công nghiệp 4.0 mang đến. Khi đó, bên cạnh máy móc thì một tầng lớp người lao động mới sẽ xuất hiện.

Lẽ dĩ nhiên, những nhân lực này là những người có trình độ cao, sẽ thực hiện công việc điều phối hoạt động của cả nhà máy. Ông Huyền đặt niềm tin vào điều này bởi theo ông thì “các kỹ sư Việt Nam giờ đây đã rất nhanh nhạy với cái mới, chịu học hỏi và bắt kịp rất nhanh”.

[box] Theo cuộc nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may-da giày và 3/4 lao động trong ngành điện-điện tử có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao do tự động hóa.[/box]

Nương theo làn sóng 4.0

Dưới góc nhìn của một người làm việc trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phần mềm FPT (FPT Software), luôn đề cập một các trực diện những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong các cuộc hội thảo hay tọa đàm. Theo ông Tiến, hình ảnh những nhà máy mà công nhân bị robot “cướp mất” việc làm sẽ không còn là điều xa vời ở Việt Nam, khi không quá 10 năm nữa, cũng sẽ có hàng triệu công nhân mất việc vì robot.

Ông Tiến gọi những nhà máy này là ‘nhà máy không ánh đèn’ (Dark Factory), nơi đó, không có công nhân đòi hỏi lương thưởng, chế độ hưu trí hay phúc lợi… mà chỉ có những cỗ máy. Khi phần lớn công việc trong chuỗi sản xuất được tự động hóa, nguồn lực lao động sẽ phải chuyển dịch sang xu hướng kỹ thuật cao. Đây chính là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, việc không thay đổi và bắt kịp công nghệ có thể khiến doanh nghiệp bị đào thải, mất năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng lao động giá rẻ luôn luôn là ưu thế ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào. Dù cho công nghệ có những bước tiến mạnh mẽ thì lao động giá rẻ vẫn có lợi thế. Ở mỗi thời điểm, lao động giá rẻ sẽ được sử dụng vào mục tiêu khác nhau. “Chúng ta đã nhìn thấy sự phổ biến khi các nước lợi dụng lao động giá rẻ của Việt Nam để chuyển nhà máy sản xuất, nhà máy lắp ráp sang Việt Nam. Sắp tới đây, chúng ta có một nguồn lực trẻ, giá rẻ hơn, có tính cạnh tranh hơn thì vẫn có ưu thế”.

Tuy nhiên, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, thêm một điều kiện nữa với những người lao động trẻ, đó là cần có thêm lượng tri thức mới nhất, tức là họ phải được đào tạo những kỹ năng và ngành nghề theo xu hướng mới, với thời gian rút xuống chỉ một hai năm.

“Việt Nam - Chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” đã được chọn là một trong những chủ đề chính của cuộc hội thảo cấp cao “ICT Vietnam Summit 2017” diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 9-2017. Tại đây, các nhà quản lý, giới chuyên gia cùng giới doanh nghiệp đã có thời gian để ngồi lại, cùng suy nghĩ về một vấn đề cấp thiết: “Mọi người đều đã lên tàu, chẳng lẽ Việt Nam ở lại?”- Lẽ dĩ nhiên là không, nhưng làm sao để có chiếc vé lên tàu lại là chuyện khác.

Nhiều vị diễn giả cho rằng Việt Nam đang có thời cơ thuận lợi để khởi động lộ trình cách mạng công nghiệp 4.0, bắt đầu bằng việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số quốc gia để từ đó tái cơ cấu nền kinh tế trên nền tảng chuyển đổi số từng ngành, từng lĩnh vực, theo từng cấp độ. Điều quan trọng hơn cả, cuộc cách mạng này là sự nghiệp chung của toàn xã hội, gồm cả những tổ chức công lẫn tư, dàn trải từ lĩnh vực sản xuất, dịch vụ cho đến môi trường, từ các tổ chức giáo dục-đào tạo cho đến các đơn vị nghiên cứu. Chính vì vậy, với tâm lý thoải mái, Việt Nam có thể bắt đầu việc chuyển đổi số ở những ngành nghề, lĩnh vực có nhiều tiềm năng và lợi thế.

Những thông điệp từ cuộc hội thảo là điều đáng ngẫm nghĩ. Trước hết, để thực hiện cuộc cách mạng số phải có con người, và yêu cầu được đặt ra là Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ việc đổi mới giáo dục, trong đó chú trọng hoạt động đào tạo và tái đào tạo các kiến thức, kỹ năng mới cho người lao động. Song song đó, đưa các nội dung liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào chương trình phổ thông, dạy nghề, đại học, đồng thời có kế hoạch chủ động trong chuyển đổi việc làm và đảm bảo an sinh xã hội đối với các nhóm lao động có nguy cơ mất việc cao, nhất là nhóm người lớn tuổi và các ngành nghề dễ bị tổn thương.

Thứ hai, hình thành hệ thống chính sách, pháp luật để khuyến khích phát triển và đảm bảo sự kết nối, chia sẻ cũng như sử dụng hiệu quả hạ tầng số quốc gia, bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng thông tin và hạ tầng tri thức. Nhiều lời đề xuất và khuyến nghị đã được đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước, về việc trong vòng 5-10 năm tới phải đào tạo lại nguồn lực lao động như thế nào, bởi nguồn nhân lực trẻ hôm nay (độ tuổi trung bình 18-25) thì sau 10 năm nữa vẫn còn rất trẻ.

Và cuối cùng, như lời ông Tiến, một người làm việc trong lĩnh vực công nghệ, dù muốn hay không thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là điều tất yếu. Do đó, những người nắm bắt được sự thay đổi trước sẽ giành được lợi thế. “Tôi vẫn thích cách nhìn tích cực với cuộc cách mạng này, đó là số lượng việc làm mới, ngành nghề mới sẽ nhiều hơn số bị mất đi. Chẳng hạn tại các công ty dịch vụ phần mềm, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến hàng triệu cơ hội việc làm cho người lao động. Đây là cơ hội lớn và không giới hạn”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối