Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Rồi ngón tay ta vô thức bấm…

KHÁNH VÂN -

Có một bài văn tả cảnh sum họp gia đình vào buổi tối thời công nghệ: Cha em vừa lướt ngón tay trên chiếc iPhone 6s vừa nói với mẹ: “Này, anh vừa lai em nhá!”, rồi quay qua em bảo: “Con vào còm cái xì ta tút ba vừa mới pốt về bữa cơm gia đình đi!”. Em và đứa em gái mở phây búc của ba vừa cười gần chết vì hồi chiều nhà em đâu có ăn cá chiên, hôm nay mẹ mua heo quay về ăn bánh mì.

Hình ảnh gia đình sum họp như trên khá là phổ biến trong gia đình hiện nay khi mỗi người dường như sống bằng hai cuộc đời: một trên mạng xã hội và một cho chính mình.

Thật khó để chê trách hay để khen ngợi mạng xã hội, nhưng có lẽ phải chấp nhận và cẩn trọng với nó, bởi vì nó là một phần của cuộc sống thực, dù ảo.

49

Hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội phản ánh một phần hoặc toàn phần bản chất con người, ít khi là một người khác hẳn, bởi nếu có thể viết ra những lời thực sự độc ác thì khó có thể là một người nhân hậu. Và gia đình, trong vòng xoáy của thời công nghệ số, dường như là đối tượng bị tác động mạnh mẽ nhất. Thời gian cho công sở thường khó lướt Facebook, chỉ còn giờ nghỉ trưa hoặc giờ chờ thang máy, cho nên, phần lớn thời gian cho Facebook vẫn là buổi tối – lúc đúng ra phải là họp mặt gia đình, khi mẹ đan len hay may áo, ba dạy con học – đúng kiểu bài văn mẫu xưa. Thế nhưng, bài văn ấy bây giờ nếu đọc lại mọi người sẽ phá lên cười vì sự lạc hậu của nó, cũng như bật cười những ai không biết online.

Có lần trên mạng chia sẻ một tấm hình họp mặt đại gia đình, khi khoảng hơn mười người cùng cắm mặt vào điện thoại di động, hình ảnh này đánh động về sự kết nối của các thành viên gia đình trong đời thực. Mạng xã hội dễ gây nghiện, khi ngón tay ta vô thức cũng bấm vào các biểu tượng trên màn hình. Và khi bấm vào rồi, thì một vòng dạo quanh tường nhà bạn bè cũng mất ít nhất 30 phút và khó dứt ra được. Cho nên, nếu không đề ra các nguyên tắc thì cả nhà chỉ gặp nhau trên “phây” và mạng xã hội sẽ là nơi nuốt mất thời gian gia đình bên nhau.

Tuy nhiên, không nên cấm hẳn mạng xã hội trong gia đình mà nên hướng nó vào mặt tích cực. Dạy con chơi Facebook không khác gì dạy con cách ngừa thai, càng cấm càng quyến rũ, càng ít hiểu biết càng dễ trở thành nạn nhân, bởi vì nó là xu hướng và là hội nhập nên tốt hơn là hiểu về nó. Trong các buổi tối, khi trò chuyện với con, nên hướng dẫn con cách hành xử trên mạng. Cách đây không lâu, tôi vào Facebook của con và tá hỏa khi có một nhóm người inbox đòi “xử” con tôi trên trường. Hỏi ra, con tôi đem password cho một người bạn mượn, bạn ấy dùng để anti một ca sĩ và bị fan của ca sĩ này đòi xử. Con tôi không hiểu được tầm quan trọng và giá trị của tên mình trên mạng. Lần ấy, tôi đã phải lên trường gặp bạn của con, đứa bạn đã mượn password, cũng như nói chuyện với giáo viên về chuyện các bạn khác đòi đánh, sau đó thì mọi việc mới ổn.

Một lần, có người hỏi tôi về tác hại của mạng xã hội, tôi nói là tôi không thể trả lời được, bởi mỗi vấn đề đều đáng được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau và chọn góc độ nào là do con người. Nếu những người bạn trên mạng xã hội có tính cách tích cực, họ sẽ truyền sự tích cực ấy đến gia đình của những người bạn, chứ không chỉ bạn họ. Khi những người mẹ chia sẻ với nhau cách nấu một món ăn ngon, bí quyết làm cái bánh đẹp, cách giữ lửa hôn nhân… thì gia đình họ sẽ thụ hưởng những điều hay ho ấy. Nếu những ông bố chia sẻ cách sửa những món đồ lặt vặt trong nhà, cách nuôi dạy con cái, chỗ mua nước hoa tặng vợ… thì gia đình họ sẽ hấp thu những năng lượng tích cực ấy! Có những người đàn ông gọi vợ là “vện”, giọng rất hung hăng ở đầu bài nhưng rất nhút nhát “hèn hạ” ở cuối bài khiến mọi người phì cười, nhưng học được cách để yêu thương.

Có thể khẳng định có nhiều gia đình lung lay vì mạng xã hội, khi các thành viên đam mê cuộc sống ảo mà ít giao tiếp bằng mắt và bằng sự âu yếm da thịt, khi mẹ chỉ like con trên mạng mà không âu yếm ôm hôn con ngoài đời. Tôi có một người bạn phát hiện chồng ngoại tình cũng nhờ Facebook: Một ngày, có người bất ngờ gửi lời mời kết bạn với cô, cô chưa đồng ý nhưng vào danh sách bạn bè tìm hiểu. Từ trong danh sách ấy, cô thấy có vài người bạn chung với chồng mình, lần mò ra một note (ghi chú) anh này tag (gắn thẻ) tên cô gái kia, có lững lờ đề cập đến tên chồng cô. Cô rắp tâm tìm hiểu thông qua những trạng thái vui buồn của cô gái kia và so sánh với trạng thái của chồng mình, và sự thật đã phơi bày sau khi chi tí tiền cho thám tử tư lấy bằng chứng ở ngoài đời thực. Buồn cười thay khi anh chồng nói chỉ vui chơi chút chút, quen nhau trên mạng và chat khi cô cũng bận chat với bạn không dòm đến anh.

Mạng xã hội hay bất cứ tiện ích gì cũng có hai mặt, nhưng gia đình chỉ cần mặt tích cực mà thôi! Nếu gia đình quan trọng, hãy nuôi dưỡng nó bằng những gì tốt đẹp nhất trong đời thực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối