Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Rời phố thị về nơi núi đồi

Trang Mai -

Từ bỏ cuộc sống ổn định ở Sài Gòn để bắt đầu cuộc sống mới ở một vùng đất khác, một nơi có thể sẽ buồn chán hơn, quyết định ấy thật không dễ dàng! Vậy mà cũng có những người, lại là người trẻ, đã lựa chọn cách rời đi như thế. Họ là những người muốn trở về đời sống gần gũi thiên nhiên sau khi đã trải qua một số công việc cũng như vui buồn chốn thành thị.

Mùa xuân này, Thi đã có nhà cửa ổn định ở một nơi xa Sài Gòn: thành phố Đà Lạt. Cô gái 27 tuổi mở một farmstay, dạng dịch vụ lưu trú với những trải nghiệm cuộc sống của người làm vườn.

Thay đổi cuộc sống

Ngồi bệt giữa sân, bên những chậu hồng hé nụ, có cả một cây đào đương hoa, Thi trò chuyện với chúng tôi một cách cởi mở. Trả lời câu hỏi vì sao đang có công việc thu nhập tốt ở Sài Gòn lại bỏ lên núi làm vườn, Thi nói: “Khi được ở nơi yêu thích, làm điều mình hứng thú và thực sự muốn gắn bó lâu dài, mình nghĩ đó là một lựa chọn sống, không còn là công việc để kiếm tiền”.

Ôn lại chuyện cũ, Thi kể rằng mình rời Sài Gòn khi đang có một công việc ổn định cùng với cơ hội phát triển bản thân. Sự thay đổi của Thi khiến người thân và bạn  bè, đồng nghiệp ngỡ ngàng. Nhưng theo lời Thi, sự thay đổi này giúp cô sống ý nghĩa, gần gũi thiên nhiên và được là chính mình.

Đà Lạt đúng là nơi lý tưởng để nghỉ dưỡng, nhưng để sống nơi đây đối với những người mới đặt chân đến không phải là dễ dàng. Thi đối mặt với thách thức về thu nhập, công việc và môi trường sống. “Thời gian đầu lên đây, tôi xin được công việc văn phòng ở một bệnh viện tư để có thu nhập nuôi sống bản thân. Đi làm cũng là để có cơ hội làm quen với con người và nhịp sống mới”, cô nói.

Vậy rồi ba tháng sau, Thi lại quyết định rời văn phòng, rong ruổi khắp núi rừng Lang Biang cũng như các con dốc của thành phố nhỏ Đà Lạt. Những ngày tháng đó, Thi cho rằng cô cảm thấy cuộc sống giá trị hơn bao giờ hết. Bỏ hẳn công việc tám tiếng ở văn phòng, Thi nghĩ đến việc mở một dịch vụ gần với tính cách và sở thích của mình. Ý tưởng về lập khu nhà vườn “farmstay” ra đời như thế.

Hiện tại, Thi là chủ một cơ sở lưu trú dưới dạng farmstay. Thi giải thích về hình thức lưu trú này: “Không chỉ để ngủ qua đêm, farmstay là nơi để mọi người nghỉ ngơi sau những mệt mỏi trong công việc, cuộc sống”. Khu nhà vườn được chia ra ba khu vực gồm khoảng sân trước trồng hoa hồng, các phòng ở và mảnh vườn phía sau trồng nhiều loại rau trái theo phương pháp hữu cơ. Tại đây, kể cả con người, thú nuôi trong nhà và cây trồng đều sống thuận theo tự nhiên. Tổng diện tích khu vườn của Thi chưa đến 500 m2, tuy không quá rộng nhưng đủ để mỗi người khách ghé lại được trải nghiệm cảnh sống bình dị, vui vẻ bên nhau.

Đúng như lời Thi nói, ở nơi này chúng tôi có thể hít thở thoải mái bầu không khí tràn nhựa sống. Thay vì tìm đến các địa điểm du lịch nổi tiếng, chúng tôi ở nhà đọc sách, cùng nhau trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cối, làm vườn, tự thu hoạch rau trái trong vườn nhà để nấu bữa ăn cho mình. Mong muốn của Thi là tạo ra không gian để những vị khách có cơ hội được sống chậm lại, tạm gác thói quen “sống ảo” trên mạng, và biết đâu sẽ cảm được điều gì đó tích cực.

Có ý tưởng khá giống Thi, Hoàng Trường Quân - chủ của một homestay trên đường Lê Văn Tám,  thành phố Đà Lạt, cũng là một người trẻ từng gắn bó khá lâu với Sài Gòn rồi quyết định chuyển lên Đà Lạt sống. Homestay của Quân như một ngôi nhà nằm trong rừng, khác biệt so với các hình thức lưu trú khác ở chỗ Quân dành cho những người khách du lịch theo phong cách hide-away, nghĩa là “đi trốn”. Khách đến nơi này hầu hết là những người thực sự muốn nghỉ ngơi yên tĩnh hít thở khí trời, tận hưởng cuộc sống hòa mình vào thiên nhiên, tránh xa những âm thanh ồn ào của phố xá.

Hoàng Trường Quân và vợ (bên phải) mở nhà nghỉ homestay dành cho những người khách du lịch theo phong cách hide-away, nghĩa là “đi trốn”.

Về một lựa chọn sống

Có lẽ đây là cuộc sống mà cũng nhiều người từng suy nghĩ đến. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Thi hay Quân cũng như bao người trẻ “bỏ phố về vườn” đã phải đắn đo rất nhiều.

Thi đang theo học cao học chuyên ngành quản trị kinh doanh thuốc tại trường Đại học Bách khoa TPHCM, từng làm chuyên viên truyền thông ở một công ty dược. Với sức trẻ của mình Thi có thể có nhiều cơ hội thăng tiến và kiếm tiền nếu sống ở Sài Gòn. Gia đình và xã hội sẽ chú ý đến cô hơn là chú ý đến một người làm vườn như hiện nay. Từ bỏ một tương lai như thế để lựa chọn công việc làm vườn trồng rau, chăm hoa ở thành phố được cho là “buồn chán” như Đà Lạt, Thi có những lý lẽ của riêng mình.

Khi quay về với chính lòng mình và để con tim đập theo những nhịp mình muốn, tự nuôi sống bản thân và mang lại giá trị nhất định cho xã hội, đó là niềm hạnh phúc lớn. Giờ đây, cuộc sống của một cô gái ngày qua ngày cắm mặt vào màn hình máy tính đã được thay thế bằng những buổi sớm mai bên cây cỏ, hoa trái giữa núi rừng Đà Lạt.

Còn với Quân, chia sẻ về lựa chọn sống của mình, Quân cho rằng dù rất hài lòng với hiện tại nhưng để có được những ngày bình yên như bây giờ anh cũng trải qua nhiều thử thách. Đầu tiên và về phía gia đình, khi Quân bày tỏ ý muốn lên núi sống, ba mẹ của Quân nhiều lần đặt câu hỏi tại sao. “Có thể con sẽ không giàu có, con cũng không mưu cầu điều đó, nhưng con chắc chắn sẽ sống vui vẻ hạnh phúc như mong muốn của con”, Quân đáp lại những ái ngại từ phía gia đình. Với lời giải thích của cậu con trai mê mạo hiểm, thích du lịch bụi, cha mẹ cuối cùng đã ủng hộ lựa chọn này, còn giúp Quân dọn lại ngôi nhà và mảnh vườn mà anh thuê để làm homestay.

“Nhiều người bảo tôi thiếu suy nghĩ nên mới bỏ lại sự nghiệp đang trên đà phát triển, bỏ hết sự thành đạt đang có để làm lại từ đầu ở một nơi không người quen biết. Lại có người nói tôi chạy trốn tuổi trẻ, thích hưởng thụ an nhàn”, Quân nói. Với Quân, sự thành đạt vẫn nằm trong trái tim và khối óc của mình. Thành công với ai đó có thể là tiền tài danh vọng, nhưng với Quân là một nhận thức trưởng thành hơn trong cách sống. Vì vậy, anh tạo ra không gian để mọi người trải nghiệm cuộc sống hòa mình vào thiên nhiên, thở chậm lại bằng những nhịp chân thật.

Cho đến nay, dự án của Thi, Quân đã đi vào hoạt động ổn định. Lượng khách đến với mô hình lưu trú của họ ngày càng nhiều. Nói về tương lai, Thi nói, cô đang cố gắng hết sức cho hiện tại, chăm chút những thứ nhỏ nhặt cho ngôi nhà ấm cúng, góp nhặt nhiều giống cây, giống hoa cho khu vườn thêm xinh xắn, xanh tươi. “Còn tiền, mong sẽ kiếm đủ chi phí sinh hoạt và tái đầu tư cho farmstay, nếu dư thì đi du lịch”, Thi cười tươi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối