Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Rộn ràng đua “xe F1”

Thái Ngọc

Tiếng động cơ đanh giòn rít lên, những pha ôm cua “nghẹt thở”. Có lúc, chiếc xe bay trên không rồi lăn vài vòng... Đó là hình ảnh mà những chiếc xe đua mô hình có gắn động cơ mang đến cho người chơi và người xem.

Vui, đã và... mệt

Những người am hiểu lĩnh vực này cho biết, chơi xe đua mô hình du nhập vào Việt Nam từ hơn chục năm nay. Đây là môn chơi khá công phu, đòi hỏi nhiều công sức, và cả tiền của.

Một chiều cuối tuần, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị theo chân những “tay đua” xe mô hình về đường đua gần cầu Thủ Bộ (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Mang xe ra chạy vài vòng trên sân, anh Nguyễn Hoàng Nam (nhà ở quận 8, TPHCM) không hài lòng lại đưa xe vào lấy đồ nghề ra chỉnh lại dù trước khi đến với cuộc đua này, anh phải thức đến hai giờ sáng cho việc cân chỉnh xe. Theo thông lệ, trước khi cuộc đua bắt đầu, xe lại được đưa vào đường đua để hệ thống nhận diện và phần mềm quản lý ghi nhận. Xe ô tô mô hình có chiều rộng khoảng 20 cm, dài khoảng 40 cm, cao khoảng hơn 15 cm, gầm xe thấp. Tốc độ của xe có thể lên đến gần 100 km/giờ, theo đồng hồ đo trên xe.

Khi cuộc đua bắt đầu, hàng chục chiếc xe lao đi vun vút với tiếng động cơ rít lên, chạy chưa hết một vòng đường đua nhiều xe đã bị bỏ lại phía sau. Một số chiếc văng khỏi đường đua khi ôm cua, có chiếc sau khi bay qua những dốc cao liên tục đã lật nhào khi tiếp đất. Những thanh niên lượm xe vội vã chạy đến lật lại chiếc xe để tiếp tục cuộc đua.

Cân chỉnh lại xe trước khi vào cuộc đua.
Cân chỉnh lại xe trước khi vào cuộc đua.
Thử xe lần cuối trước khi đua.
Thử xe lần cuối trước khi đua.

Sau vòng loại, 12 xe có thành tích xuất sắc bước vào vòng chung kết. Thời gian cho vòng chung kết là một giờ đồng hồ, tính luôn số vòng chạy quanh đường đua của xe. Tại vòng này, do thời gian chạy dài nên xe phải tấp vào hành lang kỹ thuật tiếp xăng, chỉnh lại xe... rồi nhanh chóng lao ra đường đua. Quan sát cuộc đua, có nhiều nét giống với giải đua công thức 1 (F1) của thế giới dù đây chỉ là xe mô hình.

Điểm thú vị ở cuộc đua này là chủ xe không thể ôm vô lăng như xe thật mà phải đứng trên một gác cao phía trên bộ phận kỹ thuật để nhìn bao quát cả đường đua và để “lái” chiếc xe của mình với bộ điều khiển trên tay. “Tài xế” luôn tập trung cao độ, căng thẳng. Anh Nguyễn Văn Thành, một người chơi cho biết, “đã” nhất là những lúc ôm cua, khi cho xe bay qua chướng ngại vật tiếp đất an toàn. “Dù không ngồi trên xe nhưng “tài xế” cũng có được cảm giác thật như ngồi trên xe thông qua thiết bị điều khiển của mình”, anh Thành nói.

Kết thúc giải, anh Nam đoạt ngôi vô địch. Phần thưởng, ngoài chiếc cúp, còn có thêm ba gallon (hơn 11 lít) xăng nitro. Giải này do Câu lạc bộ Xe mô hình địa hình tại TPHCM tổ chức. Cuộc đua có sự tham dự của nhiều người, đến từ TPHCM và một số tỉnh lân cận. “Trừ những người mới tập tành chơi, những người đã tương đối thành thạo dù là cuối tuần chạy cho đã đam mê cũng phải thi thố chút mới vui, dù chỉ là trả cà phê, bữa ăn tối”, anh Nguyễn Công Chính, một người chơi “lão làng” đến từ quận Tân Bình nói.

Đam mê nhưng phải có tiền

Xe vào cuộc đua.
Xe vào cuộc đua.

Theo những “tay đua” này, để có thể thi thố, chi phí mua xe ít nhất cũng phải 20-40 triệu đồng/chiếc, hoặc cao hơn. Dân chơi xe phải tự mua linh kiện về lắp ráp. Trước đây muốn sắm xe phải ra nước ngoài, nhưng hiện nay tại Sài Gòn có nhiều nơi bán linh kiện, phụ tùng thay thế. Theo tính toán của một thành viên câu lạc bộ, giá một bộ khung xe tương đối tốt có thể đến 10-15 triệu đồng, động cơ chạy được cũng phải 6-8 triệu đồng, bộ điều khiển từ một đến cả chục triệu đồng, một cặp giảm sốc cho xe tàm tạm cũng một triệu đồng, bộ vỏ xe gần cả triệu đồng, bạc đạn từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/cái, bugi 100.000-150.000 đồng/cái, bộ đồ nghề đầy đủ để có thể sửa xe phải 20 triệu đồng. “Riêng khoản xăng đã mất hơn một trăm ngàn đồng một lít. Mỗi tháng, để duy trì thú vui này, người chơi mất khoảng một triệu đồng tiền xăng là thấp nhất”, anh này nói.

Có tiền vẫn chưa đủ, để chơi được xe ô tô mô hình phải là một thợ máy thật sự. Theo đó, người chơi phải biết cân chỉnh từng bộ phận, linh kiện trong xe. Mỗi chiếc xe có nhiều cách lắp ráp, tùy theo địa hình, đường đua mà có cách cân chỉnh khác nhau. “Muốn thắng trong cuộc đua ngoài việc điều khiển giỏi, còn phải là một thợ sửa xe thực thụ”, anh Nam nói.

Hiện nay, có hai địa điểm để người chơi môn này tập trung là sân đua tại tỉnh Long An hoặc tại thành phố mới của tỉnh Bình Dương. Sân chơi với đường đua tạo nhiều địa hình tại Long An được anh Phan Quang Vinh, một người cũng tham gia môn này xây dựng. Theo anh Vinh, không kể tiền đất, tiền bỏ ra làm sân đã gần 1 tỉ đồng. Trước đó, anh đã qua Thái Lan để tìm hiểu, tham gia các cuộc đua mà người Thái tổ chức để về thiết kế sân cho mình. “Làm sân cho anh em có nơi chơi, tới đây mọi người không phải đóng phí. Giải đua cuối tuần sẽ đóng phí và đó là chi phí cho giải thưởng cũng như cho đội ngũ trợ giúp”, anh Vinh nói.

Do sự tốn kém của thú chơi này nên anh Vinh ước tính, cả Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai mới chỉ khoảng 50 người chơi xe loại này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối