Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025

Rong nho tươi chật vật tìm thực khách

VŨ YẾN -

Với người Nhật, rong nho tươi là một trong những món ăn khoái khẩu, nhưng với nhiều người Việt Nam vị rong tươi vẫn còn lạ miệng nên chưa quen. Hiện nay, loại rong này đang được một số doanh nghiệp trong nước trồng ở các tỉnh Bình Thuận, Nha Trang (Khánh Hòa) và Ninh Thuận. Bên cạnh xuất khẩu sang Nhật và Hàn Quốc, một số doanh nghiệp đang từng bước tiếp cận thị trường trong nước.

Tại chưa quen!

rong-nho-tuoiNgười tiêu dùng chọn mua rong nho tươi tại siêu thị Lotte Mart ở TPHCM.

Chị Nguyễn Phương, nhà ở đường Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp, TPHCM), cho biết khoảng một năm trở lại đây, khi đi mua sắm tại siêu thị chị có thấy bán rong nho tươi. Qua tìm hiểu chị biết đây là loại thực phẩm tốt, có hàm lượng dinh dưỡng cao nên về nấu canh. Tuy nhiên, rong tươi có mùi tanh nồng, vị hơi mặn nên không ai trong gia đình chị thích. Sau ba bữa cố thử, chị đành bỏ phần rong nho còn lại. “Mặc dù đó là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, nhưng do không hợp khẩu vị nên tôi đành chịu”, chị Phương cho biết.

Tương tự, chị Minh Thiên, nhà ở đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TPHCM), cho biết gia đình chị thỉnh thoảng đi ăn ở nhà hàng Nhật Bản, thấy trong thành phần món ăn như sushi và rau trộn có ít rong nho tươi, lại nghe nói chúng tốt nên mua về dùng thử. Ban đầu chị nấu rong nho tươi với thịt bằm và đậu hũ, chồng và hai con mặc dù vẫn ăn nhưng không tỏ ra thích thú. Sau đó, chị thử làm thêm món rau trộn nhưng vị càng khó ăn hơn do thành phần chủ yếu là rong nho.

“Không hiểu tại sao cùng dùng rong nho làm nguyên liệu, nhưng khi đi ăn ở ngoài thì cảm giác rất ngon, còn mua về nấu thì lại không thấy ngon. Có lẽ do mình không biết cách chế biến khiến rong nho có mùi vị tanh, khó ăn… Tôi tự nấu một hai lần, không ăn nổi nên không muốn thử lại nữa”, chị Thiên nói.

Chủ một cửa hàng bán thực phẩm tên Lan ở quận 7, TPHCM cho biết, trước đây có một vài công ty tới giới thiệu sản phẩm rong nho tươi cho cửa hàng. Ban đầu chị cũng mua thử vài ba hộp về bán thử nhưng rất khó bán. Hơn nữa, sản phẩm không để được lâu, chỉ bảo quản trong vòng 10 ngày, nên chị đề nghị công ty ký gửi, không bán được thì công ty lấy về.

Ông La Duy Hiếu, chuyên viên thu mua rau củ quả của hệ thống siêu thị Lotte Mart, cho biết mặc dù được phân phối tại Lotte Mart từ năm 2013, nhưng sức tiêu thụ các loại rong nho tươi tương đối chậm do người tiêu dùng chưa quan tâm nhiều. Hiện nay, rong nho tươi bán tại siêu thị có giá khoảng 265.000 đồng/kg.

Kỳ vọng sự thay đổi

Ông Nguyễn Phước Thành, Giám đốc Công ty TNHH Rong nho biển Việt Nam (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), cho biết công ty bắt đầu trồng thử nghiệm rong nho từ tháng 9-2012, đến đầu năm 2014 mới chính thức đưa sản phẩm ra thị trường. Theo ông Thành, mặc dù tiềm năng thị trường lớn, nhưng khi có sản phẩm và tiếp cận người tiêu dùng mới thấy, khó khăn của việc trồng không thấm vào đâu so với khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Ông Thành cho biết, để thực hiện kế hoạch đưa sản phẩm đến bàn ăn của từng gia đình, ban đầu công ty mang rong nho tươi đi bán, thậm chí ký gửi ở các cửa hàng thực phẩm, sạp hàng ở chợ, siêu thị nhỏ và cả quán ăn. Thế nhưng lượng sản phẩm bán ra không đủ bù chi phí nguyên liệu, chi phí vận chuyển và chi phí hư hao sản phẩm. Vì vậy, sau hơn một năm thử nghiệm, ông quyết định dừng tiếp thị ở các kênh phân phối này, chuyển hướng qua các nhà hàng, chủ yếu là các nhà hàng Nhật Bản, các đại lý bán sỉ, lẻ mà theo ông biết cũng phân phối lại cho các nhà hàng Nhật Bản. Hiện nay, mỗi tháng công ty cung ứng 600-700 kg rong nho cho các nhà hàng, đại lý. Thực ra, cũng có người tiêu dùng gọi điện trực tiếp tới công ty để mua về nhà dùng, nhưng số lượng rất ít, mỗi tháng chỉ vài người và mua số lượng cũng chỉ khoảng 1 kg.

Theo ông Thành, rong nho là sản phẩm có lợi cho sức khỏe, nhiều chất dinh dưỡng, có thể sử dụng như một loại rau trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, có thể do thói quen tiêu dùng mà các bà nội trợ mới chỉ xem chúng là gia vị thêm vào món ăn, ăn thử cho biết. Cũng có thể do khẩu vị, do người Việt không thích ăn các loại rong biển, nên sau khi nếm thử thấy không hợp là bỏ luôn, không bao giờ ăn lại.

“Tôi thấy rất lạ, có người khi đi ăn ở nhà hàng Nhật Bản với các món ăn có rong nho tươi thì ăn được, nhưng khi mua về nhà tự chế biến thì lại không ăn được”, ông Thành nói. Theo ông, với mức giá 150.000-180.000 đồng/kg, nếu hợp khẩu vị người tiêu dùng vẫn mua. Ông kỳ vọng, một khi đã quen với rong nho có trong các món ăn Nhật Bản, hiểu giá trị dinh dưỡng, người tiêu dùng sẽ dần thích sản phẩm, thậm chí dùng chúng như một loại rau, loại nguyên liệu chính trong bữa ăn. Hiện nay, công ty ông trồng khoảng 6.000 m2 rong nho, có thể cung ứng khoảng 2 tấn rong/tháng. “Quan trọng là tìm người mua, trông đợi vào sự thay đổi của thị trường”, ông Thành nói thêm.

Ông Lê Bền, Phó giám đốc Công ty TNHH Trí Tín (Nha Trang, Khánh Hòa), cho biết công ty bắt đầu mang giống rong nho tươi của Nhật Bản về trồng tại vùng biển Hòn Khói (Khánh Hòa) từ năm 2004. Mỗi năm, công ty thu hoạch 50-60 tấn rong nho tươi, trong đó 80% xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc, 20% còn lại bán tại thị trường trong nước.

Ông Bền cho biết, trước đây công ty cũng từng đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị Co.opMart, Maximark và Citimart, nhưng do số lượng tiêu thụ không nhiều, cộng với điều kiện đổi trả sản phẩm khắt khe nên công ty đã rút sản phẩm về. Theo ông, một trong những khó khăn đối với doanh nghiệp sản xuất rong nho là người tiêu dùng trong nước chưa biết nhiều về sản phẩm, nếu có thì cũng chỉ dùng thử cho biết. Điều này có thể xuất phát từ thói quen, khẩu vị ăn uống. Người tiêu dùng trong nước chưa quen với việc sử dụng rong nho như một loại rau, một món ăn chính, có thể ăn sống, nấu canh, làm salad…

Nhận định về tiềm năng của thị trường trong nước, ông Bền vẫn cho rằng, đây là một thị trường tiềm năng, có triển vọng lớn để tiêu thụ sản phẩm. Theo ông, khi nhu cầu đòi hỏi về nguồn thực phẩm tươi, sạch ngày càng tăng lên thì người tiêu dùng sẽ đi tìm thêm những sản phẩm đáp ứng, mà rong nho tươi là sản phẩm đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối