Thứ ba, Tháng tư 8, 2025

Rủ nhau tự làm chất tẩy rửa

YẾN -

Thời gian gần đây, nhiều người tìm mua trái bồ hòn khô để tự chế biến chất tẩy rửa thiên nhiên. Nước trái bồ hòn có thể dùng để rửa chén, giặt quần áo, tẩy rửa sàn nhà, vệ sinh nhà tắm...

Tò mò dùng thử

bohonTrái bồ hòn khô và nước bồ hòn đóng chai được người tiêu dùng mua để rửa chén, giặt quần áo.

Chị Ngọc Anh ở TPHCM kể, cách đây hai tháng chị đọc báo thấy nói về trái bồ hòn với tác dụng tẩy rửa của nó. Tìm đến địa chỉ bán loại trái này, chị mua thử một ký, được khoảng 200 trái, với giá 180.000 đồng. Mỗi lần “sản xuất”, chị Ngọc Anh nấu khoảng 15 trái, với lượng nước đủ để tẩy rửa nhà tắm, sàn nhà và rửa chén trong hai tuần.

Chị Ngọc Anh nói ban đầu chỉ là tò mò, nhưng sau một thời gian sử dụng nước bồ hòn chị thấy hài lòng. Quần áo giặt xong sạch sẽ, có mùi ngọt ngọt như mùi trái cây, vải không bị khô nên không phải sử dụng nước xả vải. Lấy nước bồ hòn rửa chén thấy cũng sạch sẽ. “Quan trọng nhất là nó cho tôi cảm giác yên tâm vì đây là sản phẩm hoàn toàn làm từ thiên nhiên, an toàn, không có hóa chất, thân thiện với môi trường”, chị Ngọc Ngọc Anh nói thêm.

Chị Thanh Thúy, hội trưởng hội quán các bà mẹ, cho biết ba tháng nay thay vì rửa chén bằng các sản phẩm mua trong siêu thị hay cửa hàng như trước đây, chị chuyển sang rửa bằng nước trái bồ hòn. Chị cho biết rửa bằng nước trái bồ hòn thấy chén bát sạch, có mùi thơm dịu nhẹ, nhất là nó cho người dùng cảm giác an toàn, thân thiện với môi trường.

Chị Thúy cho biết nếu so sánh chi phí nước tẩy rửa trong một tháng, số tiền chị bỏ ra nhiều hơn gấp đôi nếu mua trái khô về tự nấu thành nước và gấp ba lần nếu mua nước đã nấu sẵn. Tuy nhiên, vì nghĩ là sản phẩm an toàn cho sức khỏe gia đình nên chị vẫn chấp nhận chi tiêu nhiều hơn.

“Khá nhiều bà mẹ khác trong hội quán mua, sử dụng và truyền nhau công thức, kinh nghiệm nấu, sử dụng trái bồ hòn. Sắp tới tôi sẽ dùng nước này để giặt quần áo luôn”, chị Thúy nói.

Ghi nhận thực tế cho thấy, trái bồ hòn khô, dung dịch và bột làm từ trái bồ hòn hiện được rao bán nhiều trên các trang Facebook bán hàng, Facebook cá nhân, các fanpage bán hàng. Ngoài ra, loại trái này cũng được bán tại một số cửa hàng ở quận 1, quận 7, quận 9 (TPHCM).  Giá bồ hòn khô dao động trong khoảng 180.000-280.000 đồng/kg, dung dịch bồ hòn giá khoảng 70.000-150.000 đồng/lít và bột làm từ trái bồ hòn giá khoảng 810.000 đồng/kg.

Theo giới thiệu của một số nơi bán hàng, trái bồ hòn có xuất xứ từ các vùng núi ở miền Trung, Tây Nguyên hay một số tỉnh khu vực phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Tây, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang…

Dựa trên niềm tin

Chị Tâm Bùi, nhà ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TPHCM), người bán trái bồ hòn, cho biết chị bán sản phẩm này từ khoảng nửa năm nay, mỗi tháng trung bình tiêu thụ 100 kg bồ hòn khô. Nguồn hàng chị mua từ một người thu gom bồ hòn ở khu vực Bình Định và một số tỉnh Tây Bắc.

Nói về tính an toàn của sản phẩm, chị Tâm Bùi cho biết sản phẩm mà chị làm ra hiện nay dựa trên kinh nghiệm, tìm tòi từ các công thức trên mạng chứ chưa được kiểm định, chứng nhận bởi bất kỳ cơ quan chức năng nào. “Sản phẩm tôi làm ra hiện nay bán cho người tiêu dùng cũng chỉ dựa trên niềm tin của khách hàng với mình, mình lấy uy tín ra đảm bảo. Tôi làm dựa trên tiêu chí: chỉ bán thứ mình sử dụng và thấy an tâm”, chị Tâm Bùi nói.

Chị Yến Ngân, chủ shop Quả giặt bồ hòn ở quận 11, người đang bán trái bồ hòn khô và nước bồ hòn có thêm hương sả và hương chanh, cho biết ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng sản phẩm từ bồ hòn cho các mục đích tẩy rửa trong gia đình. Một năm trước lúc mới kinh doanh, trung bình mỗi tháng chị bán khoảng 50 kg bồ hòn khô, nay mỗi tháng chị bán khoảng 70 kg. Từ một cửa hàng ở TPHCM, chị mở rộng thêm ba đại lý tại Hà Nội, Đà Nẵng và Vũng Tàu.

Dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên trường Đại học Y Dược TPHCM, cho biết theo văn bản của Y học Vệ đà (Ajurvedic), một hệ thống y học Hindu truyền thống, trái bồ hòn tên khoa học là sapindus mukorussi thuộc họ bồ hòn sapindaceae. Cây mọc nhiều từ vùng ôn đới đến nhiệt đới, ra hoa trong mùa hè. Những bông hoa nhỏ và xanh trắng, lưỡng tính. Mùa ra trái từ tháng 7 đến tháng 12. trái có một hạt nhỏ màu đen, mịn và cứng. Người ta thường thu hoạch trái vào mùa đông sau đó đem sấy hoặc phơi khô để dành.

Giống như trái bồ kết, bồ hòn được xem như là một loại thảo dược nổi tiếng trong kho tàng dược liệu của Ayurveda. Trái có chứa nhiều saponin, một chất có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt, do đó dùng như xà phòng để rửa sạch nhiều thứ. Là loại trái tự nhiên, giá rẻ, dễ tìm nên nó được dùng để thay thế cho các chất tẩy rửa nhân tạo khác trên thị trường, được ưa chuộng và khuyến khích sử dụng để bớt nhiễm độc từ hóa chất tổng hợp.

Theo dược sĩ Phụng, trái bồ hòn có những lợi ích như dùng làm nước gội đầu, làm nước rửa mặt thay cho việc sử dụng các loại sữa rửa mặt khác, ngăn ngừa gàu trên tóc, giặt sạch quần áo và đồ trang sức. Thậm chí nước từ trái bồ hòn còn được dùng để chữa các bệnh ngoài da như vẩy nến và eczema, loại bỏ mụn đầu đen, mụn mủ và tàn nhang, chữa côn trùng đốt… Trong y học cổ truyền người ta còn dùng bồ hòn để chữa bệnh tiểu đường, bệnh ngoài da và giảm béo phì.

“Chưa thấy tài liệu nói về độc tính của nó, nhưng cần lưu ý tránh nước bồ hòn rơi trực tiếp vào mắt sẽ gây kích ứng, đỏ mắt. Nếu thấy có triệu chứng như phát ban, đỏ da hoặc ngứa ngáy bất kỳ trên da hoặc tóc thì ngưng ngay lập tức vì cơ địa dị ứng với saponin trong trái bồ hòn. Phụ nữ đang có thai những tháng đầu cũng khuyến cáo không nên dùng nhiều hoặc uống”, dược sĩ Phụng khuyến cáo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối