THỤC ANH -
Hai năm trước, anh bạn tôi tích cóp được một số tiền nho nhỏ, chỉ đủ để mua một căn nhà ở vùng ven TPHCM.
Anh mua một căn nhà “ba chung” ở đường TA 18, khu phố 4, phường Thới An (quận 12) có diện tích khoảng 3,5 x 8 m với giá 660 triệu đồng. Giấy tờ của căn nhà gồm sổ đỏ, giấy phép xây dựng và quyết định cấp số nhà đều là bản photocopy và kèm theo vi bằng do một văn phòng thừa phát lại cấp. Mặc dù giấy tờ không hợp lệ nhưng anh bạn tôi vẫn chấp nhận mua vì nghĩ rằng đã có vi bằng của văn phòng thừa phát lại làm căn cứ thì dễ gì anh không làm được chủ quyền nhà. Nhưng chuyện không dễ như anh tưởng, đã hai năm nay kể từ ngày mua nhà anh chưa thể làm được sổ đỏ bởi chính quyền địa phương không chấp nhận tính pháp lý của vi bằng.
Chuyện mua nhà có vi bằng khi mua bán như anh bạn tôi là không hiếm bởi thời gian gần đây các quận, huyện ngoại thành như quận 12 và huyện Hóc Môn đều mua bán nhà “ba chung” thông qua vi bằng. Nhà xây đều có giấy phép cho cả khu sau đó họ chia nhỏ diện tích thành nhiều căn nên không hoàn công được.
Trên thực tế, vi bằng chỉ là chứng cứ giữa người bán và người mua đã trả tiền cho nhau và không có giá trị pháp lý. Theo quy định, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất đều phải có hợp đồng và qua công chứng, hoặc UBND xã, phường xác nhận mới có giá trị. Hiện nay các quy định cũng không cho phép các văn phòng thừa phát lại chứng thực vào các giao dịch mua bán nhà đất không rõ ràng, không có giấy tờ pháp lý đầy đủ.
Vì vậy, người mua nhà không nên tin vào các vi bằng do các văn phòng thừa phát lại chứng thực trong giao dịch mua bán nhà để tránh đẩy mình vào thế rủi ro như anh bạn tôi.