VŨ YẾN -
Khi học sinh bước vào kỳ nghỉ hè cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học mới tại TPHCM hoàn thành quá trình chuẩn bị hàng hóa. Theo đại diện các đơn vị sản xuất, lượng hàng năm nay phong phú và đa dạng. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn gặp khó bởi sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu và mức chiết khấu cao của các siêu thị.
Dồn sức từ bây giờ
Tuy còn xa mới đến ngày khai giảng nhưng các sản phẩm dành cho học sinh đã được doanh nghiệp chuẩn bị ngay từ khi niên học cũ chưa kết thúc. Ảnh: Thành Hoa
Ông Dương Chí Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Tiến, chuyên sản xuất giấy-văn phòng phẩm (quận 8, TPHCM), cho biết để chuẩn bị cho mùa khai giảng năm học 2016-2017 hiện tại lượng hàng đã vào kho của Vĩnh Tiến là hơn 5 triệu quyển tập học sinh, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm dành riêng cho chương trình bình ổn thị trường chiếm gần 40%.
Ở mặt hàng ba lô, túi xách, ông Trần Bá Dũng, Phó giám đốc Công ty TNHH TM-SX Hương Mi (huyện Bình Chánh) nói doanh nghiệp đã chuẩn bị xong 600.000 sản phẩm, bao gồm 80 mã hàng bình ổn để phục vụ mùa khai giảng năm học tới.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Kiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lilamiti, thương hiệu Miti, cho biết hiện 700.000 sản phẩm đã được công ty chuẩn bị sẵn sàng để cung ứng ra thị trường. Sản phẩm của công ty được phân phối tại hơn 400 điểm bán bao gồm hệ thống siêu thị Co.opMart, hệ thống nhà sách Fahasa, hệ thống nhà sách Phương Nam. Bên cạnh đó, trong năm 2016, công ty đã mở thêm 8 điểm bán mới và vẫn đang tiếp tục làm việc với các siêu thị để mở rộng kênh phân phối.
Ở mặt hàng giày, ông Trần Văn Tắc, Giám đốc Công ty TNHH Giày Tuấn Việt, nói doanh nghiệp đã chuẩn bị 60.000 đôi giày và sẽ đưa ra thị trường thêm từ 6.000 đến 10.000 đôi vào cao điểm mua sắm mùa tựu trường (tức khoảng tháng 7, tháng 8).
[box type="download"] TPHCM đã chuẩn bị lượng hàng tham gia bình ổn thị trường phục vụ mùa khai giảng năm học 2016-2017 chiếm từ 35% đến 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố.
Mặt hàng và số lượng cụ thể gồm 28 triệu quyển tập, 450.000 bộ đồng phục học sinh, 1.369.000 cặp, ba lô, túi xách, 320.000 đôi giày, dép. Lượng hàng bình ổn được cung ứng từ 15 doanh nghiệp tham gia chương trình.
Cơ chế điều chỉnh giá tiếp tục được thực hiện theo hướng linh hoạt, trong đó doanh nghiệp tham gia chương trình tự xây dựng và kê khai giá bán sản phẩm tại Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá, đảm bảo giá bán hàng trong chương trình bình ổn phải thấp hơn giá thị trường ít nhất 10-15%.
Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng cung ứng mùa khai giảng năm nay tiếp tục được triển khai thực hiện xuyên suốt 12 tháng, từ ngày 1-4-2016 đến 31-3-2017.[/box]
Mỗi năm mỗi khó
Mùa khai trường là mùa kinh doanh chính của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm dụng cụ học tập. Tuy vậy, theo các đại diện doanh nghiệp, việc kinh doanh mặt hàng này gặp khá nhiều khó khăn.
Ông Dũng của Công ty Hương Mi cho rằng khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp sản xuất khi đưa hàng vào hệ thống bán lẻ, bao gồm cả hệ thống bán lẻ trong nước và nước ngoài vì mức chiết khấu năm sau luôn cao hơn năm trước.
Đơn cử ở một siêu thị mà ông Dũng có đưa sản phẩm vào, nếu năm 2014 mức chiết khấu là 25%, sang đến năm 2015 tăng thêm 6%, thì năm 2016 lại tăng thêm 2%. Như vậy, tổng mức chiết khấu đến thời điểm này là 33%.
“Đó là chưa kể muốn đưa hàng vào hệ thống siêu thị này doanh nghiệp phải chịu thêm 1% phí mở mã, 1% phí bán hàng, phí sinh nhật siêu thị, phí vận chuyển đi tỉnh, các chương trình khuyến mãi đột xuất...”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, theo ông Dũng, việc một số siêu thị dành diện tích không nhiều, thời gian trưng bày không lâu cho nhóm hàng phục vụ mùa khai trường, kéo dài thời gian thanh toán (thậm chí lên tới 45 ngày)… cũng là những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải.
Ông Tắc ở Công ty Giày Tuấn Việt cũng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm của công ty không có mặt tại hệ thống siêu thị là bởi mức chiết khấu cao. Trong khi đó, hàng để ở những vị trí không thuận lợi, không thu hút người tiêu dùng nên việc tiêu thụ chậm.
Ông Dũng của Công ty Hương Mi cho biết thêm, hiện nay hàng Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc mà còn cạnh tranh với hàng Thái, hàng từ các nước châu Âu khác. Vì vậy, để thu hút người tiêu dùng, cạnh tranh giữ thị phần, doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm. Điều này còn nhằm để đối phó với tình trạng làm giả, làm nhái sản phẩm của doanh nghiệp.