Thứ ba, Tháng mười hai 24, 2024

Sắc màu hoài niệm trên màn ảnh rộng

Nguyễn Trang -

Hiện nay, điện ảnh Việt Nam có nhiều nhân tố mới được đào tạo bài bản hay ít nhiều thụ hưởng nền điện ảnh hiện đại của quốc tế nhưng lại đang hứng thú kể những câu chuyện về ký ức.

Một vòng các dự án mới nhất

C_nh-trong-phim-C_-g_i-__n-t_-h_m-quaCảnh trong phim Cô gái đến từ hôm qua.

Bộ phim Việt Nam đang gây chú ý tại phòng vé là Cô gái đến từ hôm qua, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà nhà sản xuất cho biết vốn đầu tư đến tiền triệu đô la với nội dung là kể lại câu chuyện về thế hệ học trò 20 năm trước. Đời cho ta bao lần đôi mươi, tác phẩm điện ảnh của Văn Anh - Tú Vi cũng là một phim kể về thời thanh xuân của những người bạn thế hệ 8X (sinh những năm 80) đời đầu. Phim Cô ba Sài Gòn của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, dự án vừa công bố dời ngày phát hành lại đến cuối năm có hơn một nửa thời lượng kể về Sài Gòn hoa lệ với một cửa tiệm thời trang chuyên may áo dài ở thời điểm cách đây hơn nửa thế kỷ.

Dự án mới ra mắt của đoàn làm phim Mẹ chồng, bộ phim tiếp theo của nhà sản xuất - đạo diễn Lý Minh Thắng, từng gây ấn tượng với nhiều phân đoạn hoài cổ trong phim Sài Gòn, anh yêu em, nay tiếp tục chọn kể về câu chuyện xưa cách thời điểm hiện tại từ mấy chục năm trở lên. Ngay cả phim Người bất tử, dự án mới nhất đang trong quá trình quay của đạo diễn Victor Vũ, cũng có mốc thời gian trải dài hơn 100 năm trước về một người trải qua ba kiếp, trong đó có hai kiếp thuộc về thời quá khứ cách đây cả thế kỷ.

Có lẽ khán giả sẽ đặt câu hỏi: Tại sao những câu chuyện ký ức lại có sức quyến rũ với các nhà làm phim hiện nay đến vậy? Một nhà biên kịch điện ảnh cho một trong những tác phẩm nói trên diễn giải là do các câu chuyện này sẽ gợi nhớ về phần ký ức, phần hiện thực thường được nhà biên kịch lựa chọn kỹ càng để chỉ nhớ những phần tươi đẹp nhất. Khi kể chuyện ký ức, nhà làm phim chiêm nghiệm và nâng niu từng chi tiết, bớt đi sự bốc đồng gặp gì kể nấy của phim tài liệu hay phim truyền hình sản xuất nhanh.

“Ký ức trở nên đẹp, quyến rũ đến độ khó nắm bắt trong mắt người làm và hứa hẹn mê hoặc người xem”, nhà biên kịch này cho hay. Thường nhà sản xuất có thể phải chi nhiều tiền hơn cho bối cảnh, đạo cụ, trang phục để gợi nên không khí thực tế của ký ức, của những năm tháng đã qua.

Vì những thành công không thể phủ nhận

Theo ghi nhận của người viết, không chỉ có các phim điện ảnh mới hiện nay chọn kể về quá khứ mà nhiều bộ phim trước đó chọn khung thời gian cũ đều ghi được dấu ấn cả về chuyên môn lẫn thị trường. Phim thứ hai của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ là Cuộc đời của Yến, kể câu chuyện về nạn tảo hôn được đặt trong bối cảnh nông thôn Việt Nam thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Một đạo diễn hay làm phim hài được cho là phù hợp thị hiếu khán giả là Nguyễn Quang Dũng mới đây nhất cũng chọn kể câu chuyện qua phim Dạ cổ hoài lang về nỗi nhớ quê hương da diết của những người già xa xứ. Một đạo diễn cho rằng phim này còn nhiều điều phải bàn về chất lượng chung nhưng nhiều cảnh hồi tưởng của phim thực sự đáng giá với người xem.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh kể chuyện Lô tô cùng những mảnh đời trôi sông lạc chợ gắn liền ký ức tuổi thơ của nhiều người. Bộ đôi đạo diễn Mai Thế Hiệp - Trầm Nguyễn Bình Nguyên kể chuyện Có căn nhà nằm nghe nắng mưa ôm trọn 30 năm một khúc hát ru con trong góc hẻm nhỏ… Phim Đảo của dân ngụ cư – một tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn của Đỗ Phước Tiến do nữ đạo diễn Phạm Hồng Ánh thực hiện, cũng là một câu chuyện về những năm 1980 ở một vùng biển nghèo, nơi những số phận vùng vẫy để tìm cho mình lối thoát tình yêu và tự do. Phim đã mang về nhiều giải thưởng và cơ hội đến với các liên hoan phim khu vực và quốc tế cho một nữ đạo diễn vừa mới dấn thân vào nghề.

Quá khứ cũng là nơi để nhiều đạo diễn có tuổi và có tên tìm về khẳng định mình. Đạo diễn Victor Vũ, một nhà làm phim được giới chuyên môn đánh giá là có phong cách làm phim đa dạng từng khẳng định tay nghề với phim Thiên mệnh anh hùng, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, cũng kể về ký ức biến bối cảnh Ninh Bình và Phú Yên trở thành điểm đến tham quan nức tiếng. Phim Fan Cuồng của đạo diễn Charlie Nguyễn tuy có yếu tố khoa học giả tưởng nhưng rồi cũng chung hướng đi là… lội ngược về những năm 1990 để đắm chìm trong kỷ nguyên nhạc rock đang thịnh hành, kể chuyện hoài niệm của nhiều thế hệ rocker.

Màu hoài niệm của phim Việt Nam vẫn luôn có sự lung linh trong thời điểm hiện tại nhưng một đạo diễn bình luận, việc chăm chăm tìm về quá khứ không chỉ khẳng định sở thích hoài cổ của các nhà làm phim mà qua đó hé lộ sự thiếu hụt cảm xúc của họ với đời sống đương đại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối