NGUYỄN HUỆ NGHI -
Trong lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng vào đầu tháng 5 vừa qua, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể lại câu chuyện mình đã may mắn được ông Nguyễn Thắng Vu, nguyên giám đốc NXB này phát hiện, động viên viết từ khi chưa nghĩ sẽ viết văn cho trẻ em. Nguyễn Nhật Ánh nói rằng, nhờ con mắt xanh của người làm xuất bản có tâm mà ông đã trở thành một ngòi bút viết sách cho thiếu nhi đến ngày hôm nay.
Còn ai về ấu thơ?
Gian sách thiếu nhi ở nhà sách Phương Nam Vincom, quận 1. Ảnh: Nguyễn Huệ Nghi
Câu chuyện thiếu nguồn sách hay trong nước dành cho thiếu nhi, khủng hoảng thiếu người viết sách cho thiếu nhi đã được nói đến nhiều. Nhưng thường là sự than vãn từ các nhà xuất bản. Trong khi đó, bản thân giới xuất bản cũng đóng vai trò quan trọng để cải thiện tình hình. Kỷ niệm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với ông cựu giám đốc có con mắt xanh của NXB Kim Đồng có thể cho thấy một điều, chính nhà xuất bản phải đi tìm, phát hiện, bồi dưỡng người viết chứ không thể nằm chờ tác giả mang tác phẩm có sẵn đến. Sự chủ động trong việc kiếm tìm bản thảo tốt, người viết tốt đáp ứng độc giả thiếu nhi hiện nay chưa thực sự được chú trọng.
Trong khi đó, đứng về phía tác giả, mảng sách thiếu nhi tưởng là đơn giản, nhưng thật ra là “món khó nhằn”. “Đừng tưởng dễ. Kinh nghiệm đọc cho tôi thấy những người viết cho thiếu nhi hầu hết đã già. Phải già dặn trong cuộc đời thì mới viết cho thiếu nhi hay được. Khi có tuổi, họ có nhu cầu hướng tâm hồn về tuổi thơ đã mất, nâng niu ký ức và muốn chia sẻ. Những nhà văn khi còn trẻ thường thích theo đuổi những vấn đề nóng, gây sự chú ý tức thời trong cộng đồng, khi muốn khẳng định tên tuổi, nhiều người thấy viết cho thiếu nhi khó nổi tiếng…, đó là lý do ít người chọn con đường này. Nếu vì tiếng, vì tiền thì khó viết cho trẻ em”, nhà văn Lê Văn Nghĩa nói tại một buổi tọa đàm về viết cho thiếu nhi do NXB Trẻ vừa tổ chức tuần qua.
Câu chuyện nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trở thành hiện tượng phát hành hàng đầu (ở quyển sách mới nhất – Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng của ông do NXB Trẻ in, số ấn bản đợt đầu đạt 100.000 bản). Sự thành công của ông, ngoài tài năng, còn cho thấy việc chuyên chú với mảng sách này bằng một sự đầu tư lao động nghiêm túc hiếm có nhà văn trong nước nào có được. Tuy nhiên, trong đời sống xuất bản Việt Nam, Nguyễn Nhật Ánh vẫn “là một, là riêng, là thứ nhất” trong mảng sách thiếu nhi.
Ngõ hẹp phát hành
Một trong những thách thức khác, đó chính là người làm sách phải quyết liệt bước qua suy nghĩ mua bản quyền có sẵn của nước ngoài về in là xong, mà không tìm tòi đầu tư, phát triển những bản thảo tốt trong nước. Vài năm gần đây, thị trường sách thiếu nhi thiên hẳn về nguồn sách dịch, soạn lại hoặc bê nguyên xi sách mua bản quyền nước ngoài để phát hành trong nước. Điều này có cái hay, đó là thiếu nhi Việt sẽ dễ dàng tiếp xúc được với những ấn bản đẹp, giá trị – sản phẩm của các nền xuất bản lớn, sẽ thụ hưởng những tác phẩm được “đóng gói” phù hợp với độ tuổi, tâm lý tiếp nhận. Nhưng sự hạn chế đó là các em thiếu đi những sản phẩm thuần Việt để gắn bó với thực tại, với không gian và điều kiện sống của mình để những bài học giáo dục, thẩm mỹ phù hợp với bối cảnh cộng đồng.
Tiếp theo, việc đầu tư sách cho thiếu nhi, vì sao đến nay hãy còn gây rụt rè với những nhà làm sách trong nước? Một phần là ở khâu phát hành. Chính vì trong hệ thống phát hành hiện nay tại Việt Nam chưa có nhiều nhà sách dành riêng cho thiếu nhi với đặc thù trưng bày phù hợp với dòng sách này. Và đây là một sự “bất công” với sách thiếu nhi thường thấy trong các nhà sách: “Đa số sách cho thiếu nhi thì mỏng, việc bày biện trên giá sách chật chội sẽ rất bất tiện để giới thiệu đến với độc giả. Thường để tiết kiệm diện tích, các nhà sách lớn sẽ xếp sách thiếu nhi theo kiểu “những loại sách khác”, đưa gáy sách ra ngoài và chỉ cho trưng bày trong thời gian ngắn, dẫn đến việc những đầu sách thiếu nhi dễ chìm nghỉm giữa những dòng sách khác”, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ nói.
“Thêm vào đó, giá mỗi quyển sách thiếu nhi, do mỏng, nên việc chiết khấu xong không đem lại nhiều lợi nhuận cho các nhà sách, nên họ cũng chẳng mặn mà cho lắm khi nhận sách”, ông Nhựt nói thêm.
Những vướng mắc trong “kỹ thuật” phát hành nêu trên có thể được giải quyết nếu thị trường có nhiều hơn những nhà sách chuyên doanh sách thiếu nhi chứ không nên chỉ dừng lại ở những nhà sách do các đơn vị làm sách thiếu nhi dựng nên chỉ để giới thiệu sản phẩm của riêng mình.
Kẹt từ nguồn cung, đến sản xuất và hệ thống phát hành, nên sách thiếu nhi, đặc biệt là sách thiếu nhi của tác giả trong nước đang khủng hoảng thiếu trong khi nhu cầu độc giả ngày càng cao và cũng đã có xu hướng phụ huynh tìm sách Việt giới thiệu cho con mình đọc. Và thị trường rộng lớn này sẽ thuộc về những người làm sách giàu tâm huyết và biết thăm dò, nắm bắt, khai thác hiệu quả để thay đổi một thực tế còn nhiều phi lý hiện nay.