CHÍNH PHONG -
Chị Vân, một người làm việc ở Hà Nội, muốn có món quà độc đáo để tặng sinh nhật cho sếp. Được bạn bè tư vấn, chị gọi điện vào TPHCM đặt chế tác một bức tượng có tỷ lệ 1/6 so với người thật của ông sếp. Tất cả những gì chị cần là gửi tấm ảnh chân dung sếp qua e-mail cho nơi làm tượng.
Công phu khâu chế tác
Nhận được tấm hình của chị Vân gửi, các nhân viên xưởng chế tác của anh Châu Doãn Trác (quận Bình Thạnh, TPHCM) quét tấm hình vào máy tính, dựng 3D phần đầu, sau đó gửi lại cho khách góp ý để chỉnh sửa. Mẫu được duyệt xong là đến công đoạn sản xuất phần đầu và thân bằng công nghệ in 3D. Rồi đến công đoạn may quần áo và chế tác các phụ kiện (ví dụ như cặp táp, tẩu thuốc..., tùy theo đặc tính và thói quen từng người). Công chế tác một bức tượng giống y hệt người thật bằng nhựa đặc biệt như vậy giá khoảng 10 triệu đồng.
Anh Trác cho biết, để dựng bộ phận đầu dựa vào hình ảnh như vậy trên máy tính mất khoảng 10 ngày, rồi chỉnh sửa, đợi duyệt mẫu và sản xuất mất khoảng 10 ngày nữa. Nếu khách trực tiếp đến xưởng chế tác để lấy mẫu thì quá trình thiết kế nhanh hơn, vì xưởng có máy quét 3D để quét toàn bộ thân hình của khách thành file 3D trong máy tính.
Chiếc máy in 3D hiện đại là loại trong nước chưa sản xuất được, xưởng phải nhập từ nước ngoài về với giá 68.000 đô la Mỹ, có thể in được cỡ lớn nhất với chiều dài 1,09 m. Theo anh Trác, máy in 3D này làm nhiều việc, chế tạo được cả các bộ phận nhựa cho xe hơi cao cấp nên khấu hao lấy lại vốn không phải là vấn đề lớn. Hiện tại, hàng tháng xưởng anh Trác có khoảng 20-30 đơn hàng cá nhân như vậy và các đơn hàng vẫn tăng đều.
Nếu khách thích quá, muốn có thêm phiên bản nữa, cơ sở của anh Trác sẵn sàng làm nhưng sẽ không có chuyện cùng một người mà làm tượng lần thứ ba. “Chúng tôi không nhận, nếu muốn làm nữa thì phải đặt ít nhất 30 phiên bản vì các công đoạn may quần áo và chế tác phụ kiện rất mất công. Không lẽ thỉnh thoảng khách hứng lên đòi làm thêm phiên bản nữa thì thợ phải chạy theo làm từng bộ đơn lẻ một. Tất nhiên, làm nhiều phiên bản một lúc thì giá thành sẽ rẻ đi đáng kể”, anh Trác cho biết.
Trước hết phải đam mê
Thật ra, chế tác tượng là một cách nối dài niềm đam mê của Châu Doãn Trác. Chàng trai gốc Hội An này vốn say mê với đồ chơi mô hình tỷ lệ 1/6 từ chục năm nay. Trò chuyện với người viết, anh cho biết mình mày mò chế tác mô hình qua sách vở, hướng dẫn trên YouTube, và sản phẩm chưa thể đẹp bằng các hãng chuyên sản xuất đồ chơi. Với tỷ lệ kích thước vật mẫu bằng 1/6 người thật, các món đồ chơi làm bằng nhựa dẻo cao khoảng 30 cm. Trên thế giới có nhiều hãng sản xuất đồ chơi như Hot Toys, Dam Toys ở Hồng Kông, McFarlane ở Mỹ. Đồ chơi mô hình 1/6 được chia làm ba dòng chính: dòng theo các nhân vật phim (movie), dòng theo các nhân vật quân đội (military), dòng theo các nhân vật nổi tiếng trong ngành thể thao giải trí (celebrity).
Theo anh Trác, trên thế giới nhiều người chơi mô hình 1/6 từ lâu trong khi tại Việt Nam mới chơi gần đây, ước khoảng gần 1.000 người. “Đừng nói con số này là ít nếu biết rằng các hãng ra phiên bản đồ chơi rất hạn chế. Ví dụ, hãng Hot Toys chỉ ra 5.000 phiên bản nhân vật Jack Sparrow trong phim Cướp biển vùng Caribbe. Các nhân vật khác, họ cũng chỉ ra chừng 15.000-20.000 phiên bản rồi đập bỏ khuôn, không sản xuất nữa”, anh nói.
Kể về những chuyến sang Hồng Kông xếp hàng trước cửa hàng Hot Toys để đặt mua mô hình, anh Trác cho biết các hãng không cho khách đặt hàng qua mạng. Muốn đặt hàng thì phải bay sang tận đại bản doanh của hãng. Sau đó, chờ đến lượt ký giấy đặt hàng, vài tháng sau hàng chuyển về tận nhà. Trước khi đi, anh Trác thường lên Facebook kêu gọi các bạn chơi ai có nhu cầu thì anh đặt hàng giúp. Món đồ chơi mới nhất hiện thời là nhân vật Hulkbuster trong phim Avengers: Age of Ultron (chiếu rạp vào tháng 5-2015). “Đến mùa hè năm sau, nhân vật này mới ra lò, và giá đặt trước của nó đắt nhất từ trước đến nay là 825 đô la Mỹ cho phiên bản 1/6 cao 55 cm”, anh Trác cho biết thêm.
Những người đặt hàng thường có hai loại, một là dân chơi thứ thiệt và hai là những người đầu cơ mua đi bán lại, như khẳng định của một người chơi thuộc dạng có tiếng tại TPHCM. Theo đó, họ đặt mua hàng tại hãng với giá gốc và kiếm lời vì số lượng hàng hãng sản xuất có hạn mà số người chơi ngày càng gia tăng. “Để hàng càng lâu càng có giá, ví dụ nhân vật Captain America hãng bán 500 đô la, sang tay ngay có thể được 700 đô la và để sang năm sau giá tới 1.000 đô la”, người này nói.
Nếu không mua được hàng chính hãng thì mua hàng nhái Trung Quốc thế vào được không? Anh Trác nói rằng, tự ái của một nhà sưu tập không cho phép họ làm điều đó. Hàng của Hot Toys, Dam Toys đúng là đẹp không chê vào đâu được. Bằng mắt thường phân biệt được ngay hàng thật với hàng nhái. Để sản xuất mô hình, Hot Toys phải mua bản quyền từ các hãng truyện tranh, phim ảnh sở hữu nhân vật như Marvel Entertainment, Star Wars Corporation… Khi họ đã mua bản quyền sản xuất mô hình 1/6 có nghĩa là họ độc quyền trong tỷ lệ này. Các hãng khác chỉ có thể mua bản quyền sản xuất mô hình với tỷ lệ khác. Đối với dân chơi mô hình, không tỷ lệ nào đẹp và tiện dụng như 1/6.
Sàn giao dịch đồ chơi
Theo ý kiến của một số người chơi mô hình tại TPHCM hiện nay, dòng được nhiều người chơi nhất và giá cũng mềm nhất là dòng mô hình quân đội. Người chơi được tùy biến rộng hơn với dòng này. Trong cộng đồng người chơi, những người giỏi khả năng custom – kitbash (tùy biến về trang phục, phụ kiện, tư thế cho nhân vật) được ngưỡng mộ. Họ chơi theo các chủ đề, ví dụ lính trong Thế chiến II, lính Mỹ tại Afghanistan… Ở dòng này, hãng McFarlane được ngưỡng mộ ở các bộ sưu tập mô hình 1/9 với các sa bàn, địa hình có tính sáng tạo cao.
Ở dòng mô hình lính, các đời súng, áo giáp, mặt nạ phòng độc… liên tục được cập nhật sản phẩm theo thực tế. Và để sản xuất mô hình, các hãng đồ chơi đều phải mua bản quyền từ các công ty cung cấp quân nhu cho quân đội Mỹ. Một mô hình lính từ đầu đến chân có khi tới cả chục giấy bản quyền cho áo, giày, súng, kính đeo mắt. Các mô hình 1/6 có khớp dẻo ở tay, chân, đầu để có thể tháo lắp thay thế và tạo dáng. Mỗi mô hình, nhà sản xuất bán kèm theo nhiều phụ kiện, như sáu bộ bàn tay ở tư thế khác nhau, các bộ trang phục, tóc, dây chuyền…
Dựa trên nhu cầu custom – kitbash mà người chơi hình thành các thị trường mua bán phụ kiện. Trên Facebook có các nhóm như “Sàn giao dịch mô hình”, “Vietnam Hot Toys Fan Club”, “Thế giới mô hình” hay Diễn đàn cafemohinh.com không thiếu những lời rao như “bán bộ quần áo của nhân vật Black Widow còn dư với giá 400k” hay “Anh chị em nào có dư cốt tay, cốt chân bán rẻ cho em để em dựng chú lính chơi”…
Trong giới chơi ở TPHCM có một số nhân vật “nổi” như ông Khải ở quận Phú Nhuận, ông Quân ở quận Tân Phú, hay ông Long ở quận 3 sở hữu bộ sưu tập hơn 100 mô hình. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì “giáo chủ” trong thú chơi này không ai khác, là anh Trác. Nhóm những người chơi mô hình này đã từng làm một cuộc triển lãm bên một trung tâm thương mại ở quận 7, dưới sự kêu gọi của anh Trác.