Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Sài Gòn vào mùa “ngập sâu, kẹt lâu”

Văn Nam

Mới chỉ qua vài cơn mưa đầu mùa, nhiều tuyến đường tại TPHCM đã ngập nặng. Chuyện đi lại của người dân thành phố trong mùa mưa năm nay sẽ tiếp tục vất vả bởi tình trạng ngập úng vẫn chưa được khắc phục triệt để trong khi “lô cốt” xuất hiện nhiều.

68 điểm ngập và 51 lô cốt

Mùa mưa năm nay, cùng với tình trạng ngập úng còn sẽ có hàng loạt các rào chắn mọc lên (người dân quen gọi là “lô cốt”) để phục vụ thi công các công trình hạ tầng, khiến người dân thành phố không khỏi thêm lo ngại. Khi trời mưa lớn, giao thông vốn dĩ khó khăn lại vướng “lô cốt” khiến dòng xe cộ càng có nguy cơ tê liệt hơn. Thông tin từ Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TPHCM mới đây cho thấy hiện toàn thành phố còn đến 51 lô cốt (điểm rào chắn thi công) tại 25 tuyến đường. Phần lớn các lô cốt này mọc lên để phục vụ việc thi công hệ thống thoát nước, cấp nước, điện, viễn thông…

Nước ngập trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TPHCM.           Ảnh: Minh Thanh
Nước ngập trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: Minh Thanh

Tuy nhiên, theo thống kê của cơ quan chức năng, những vị trí rào chắn hầu hết đều nằm trên các tuyến đường không còn ngập như Lê Lợi, Pasteur, Phan Chu Trinh (quận 1), dự án metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên... Trong khi đó, vẫn còn những tuyến đường mặc dù không có lô cốt nhưng hễ mưa lớn thì ngập vẫn hoàn ngập. Điểm đen ngập úng có thể kể đến như đường Nguyễn Văn Quá, đường song hành quốc lộ 22, đoạn gần khu vực Chợ Cầu đường Quang Trung (quận 12); ngã tư đường Bạch Đằng-Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh)…

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, cho biết đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) còn đang bị ngập, do tuyến đường này chưa được lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống cống dẫn nước nên chưa thể chống ngập căn cơ cho toàn tuyến đường. Hiện Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị thành phố đang đấu thầu dự án đầu tư hệ thống cải tạo tuyến cống thoát nước ở đây.

Trong khi đó, đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập là do mặt đường thấp hơn miệng cống thoát nước nên khi có mưa, nước ngoài mặt đường không thể chảy vào miệng cống được gây ra ngập. Ông Dũng cho biết, vừa rồi Sở Giao thông Vận tải thành phố cũng chỉ đạo nâng cao mặt đường nhưng mới chỉ nâng được một bên đường vì không đủ kinh phí. Cơn mưa cuối tuần qua đã gây ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh kéo dài khoảng hơn một giờ mới rút hết nước.

Cũng theo ông Dũng, thành phố hiện còn khoảng 68 điểm ngập úng nằm rải rác trên nhiều tuyến đường và trong đó có 51 điểm cần được xử lý trong năm 2015. Đáng chú ý là nhiều tuyến đường có hệ thống cống thoát nước xây dựng trước đây vốn được thiết kế chịu được trận mưa trong ba giờ. “Hiện nay có tình trạng hơi khó xử là có nhiều cơn mưa với vũ lượng lớn trong thời gian ngắn nên một số tuyến đường đầu tư trước đây giờ thoát nước không kịp nên gây ngập trong và sau cơn mưa. Trung tâm chống ngập đã ghi nhận những điểm ngập này và đang tiếp tục xử lý”, ông Dũng nói.

Nước ngập sâu ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TPHCM.             Ảnh: Minh Thanh
Nước ngập sâu ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TPHCM.
Ảnh: Minh Thanh

[box type="download"] Những điểm ngập được cơ quan chức năng “treo” lại qua năm 2016 đa phần là những tuyến đường tập trung nhiều dân cư, mật độ giao thông khá lớn như đường Ung Văn Khiêm (Bình Thạnh), Phan Anh (quận Tân Phú), Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), Gò Dầu, Tân Quý, Trương Vĩnh Ký (quận Tân Phú), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), An Dương Vương (quận 8), Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân), Bạch Đằng, Nguyễn Xí, quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh), Lương Định Của (quận 2), Mễ Cốc 2, Lưu Hữu Phước 2 (quận 8).[/box]

Ngập vẫn còn treo

Với những điểm ngập hiện tại, theo ông Dũng, đối với hệ thống cống thoát nước tại các tuyến đường được đầu tư xây dựng từ năm 2010 về trước nhưng không còn chịu được những trận mưa lớn, thành phố sẽ triển khai giải pháp bổ sung bằng cách xây hệ thống nhiều hồ điều tiết nước mưa phân tán để giảm tải thời gian nước mưa đổ về các cống, giúp giảm ngập. “Tuy nhiên, kinh phí để xây hồ điều tiết nước mưa khá lớn và vị trí xây hồ cũng cần phải được bố trí phù hợp với thực tế ngập ở các quận, huyện hiện nay để nước có thể tự chảy về các hồ, không cần dùng bơm. Đây là giải pháp mà trung tâm sẽ đề xuất UBND thành phố thực hiện trong thời gian tới”, ông Dũng nói.

Ngoài 51 điểm ngập cần xử lý trong năm 2015, theo đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM thì vẫn còn khoảng 17 điểm ngập khác có thể còn tiếp tục kéo dài sang giai đoạn từ năm 2016 trở đi, như điểm ngập trên đường An Dương Vương (đoạn nối quận 6 và quận Bình Tân) và một số điểm ngập khác ở khu vực quận 2, quận 7, quận 8, quận Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp.

Theo một chuyên gia về chống ngập, điều đáng chú ý là rất nhiều điểm ngập sau khi được xử lý thì lại rơi vào tình trạng tái ngập. Thống kê đến nay thành phố có đến 33 điểm tái ngập mà nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của việc thi công các công trình thoát nước, rác thải làm tắc đường cống thoát nước, cống thoát nước quá nhỏ, kênh rạch bị bồi lắng… “Như vậy, với nhiều điểm ngập còn “treo” cũng như những giải pháp xóa các điểm ngập hiện tại vẫn chưa rõ ràng, có thể thấy trong thời gian tới trước tình trạng mưa diễn biến thất thường hơn thì người dân thành phố có thể phải chịu cảnh ngập úng dài dài”, vị chuyên gia này nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối