Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Sai lầm thường gặp khiến sốt xuất huyết khó chữa

Khánh Ngân-

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp, bất thường so với nhiều năm trước với khoảng 60.000 ca mắc bệnh trong cả nước. TPHCM được xem là ổ dịch lớn nhất cả nước với hơn 10.000 ca mắc. Trung bình mỗi tuần Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 80-90 ca SXH nhập viện, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, những quan điểm sai lầm của người dân đã làm tình trạng bệnh nặng, diễn tiến phức tạp và khó chữa hơn và từ đầu năm đến nay, ở Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có 3 trẻ tử vong.

SK_1Những ngày này, Khoa Sốt xuất huyết của Bệnh viện Nhi đồng 1 luôn đông bệnh nhân.

Cả nhà nhập viện

TS.BS. Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hiện nay có 110 bệnh nhi đang nằm điều trị SXH tại khoa, trong đó số ca sốc bệnh là 9. Lượng bệnh nhi đến từ các tỉnh chiếm 45%, còn lại là ở TPHCM. Đáng lưu ý, có những trường hợp gia đình 3-4 người bị mắc SXH khiến cả nhà… nhập viện.

Cả hai tháng nay, gia đình bà Nguyễn Thị Năm ở quận Bình Tân cứ phải ra vô bệnh viện thường xuyên. “Người phát bệnh đầu tiên là cậu cháu nội 3 tuổi. Bé bị sốt ba ngày, tôi cho đi bác sĩ gần nhà và họ nói bị nhiễm siêu vi nên tôi không cho đi bệnh viện. Đến ngày thứ 4, tay chân bé lạnh, lừ đừ, chảy máu chân răng nên đưa vô Bệnh viện Nhi đồng 1 khám, bác sĩ nói bị SXH và cho nhập viện. Bé này vừa hết bệnh một tuần thì tới chị gái cậu, cũng sốt cao, ói, lừ đừ. Nhưng nhờ có kinh nghiệm, nên lần này con bé sốt thì cả nhà đều nghĩ SXH nên chăm rất kỹ và đến ngày thứ ba, đưa vô Bệnh viện Nhi đồng 1 thử máu thì đúng là SXH. Tôi chỉ tưởng con nít mới mắc bệnh này, nên cũng không đề phòng. Nào ngờ, hai chị em nó xuất viện về thì đến tôi bệnh, phải vô Bệnh viện Bệnh nhiệt đới nằm cả tuần. Giờ cả nhà tôi đều sợ, phải xịt thuốc muỗi thường xuyên và ngủ mùng cho chắc”.

Cũng cả nhà nhập viện là trường hợp hai anh em bé M., 8 tuổi và N., 5 tuổi ở quận 8. Sau khi đi chơi đá banh và tắm mưa với bạn bè về thì tối đó bé M. bị sốt, gia đình tưởng em bị trúng nắng nên cho uống thuốc hạ sốt và cạo gió. Thế nhưng, qua hai hôm sau M. càng sốt cao hơn, 40 độ, và uống thuốc hạ sốt thông thường không hạ, nên hàng xóm bày một loại thuốc, vậy là bà ngoại của M. ghi tên thuốc và ra hiệu thuốc mua. Uống xong, chỉ 30 phút sau M. hạ sốt và chiều đó uống thêm 2 lần nữa thì qua hôm sau thì M. hết hẳn sốt khiến cả nhà ai cũng mừng, nghĩ đã hết bệnh. Thế nhưng, dù hết sốt, nhưng M. nằm lừ đừ, tay chân lạnh ngắt, nổi nhiều chấm đỏ dưới da và ói ra máu nên chở vào Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu.

Bác sĩ cho biết M. bị SXH và việc người nhà cạo gió, cho uống thuốc hạ sốt tùy tiện đã  làm tình trạng xuất huyết của cháu nặng hơn và đang vào giai đoạn sốc, đe dọa tính mạng. May mắn là sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, M. đã thoát cửa “tử” và khi đó đến N. cũng “dính” SXH, nhưng nhờ phát hiện kịp thời và gia đình đã rút kinh nghiệm nên không phải nhập viện.

 

Sốc sốt xuất huyết gia tăng

Dù ngành y tế, chính quyền địa phương và truyền thông đang tuyên truyền, vận động người dân phòng trừ muỗi đốt để ngăn ngừa bệnh SXH, nhưng tình hình bệnh vẫn chưa giảm. Trong hai tháng 6 và 7, cứ mỗi tuần lượng bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 do SXH tăng lên khoảng 10 ca và nâng tổng số ca nhập viện do bệnh này từ đầu năm đến nay lên khoảng 2.000 ca, trong đó có khoảng 10% là trường hợp nhập viện cấp cứu, đặc biệt là số ca sốc SXH cũng đang gia tăng.

Một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân SXH trở nặng, vào sốc là có sự sai lầm trong chăm sóc của người thân, được bệnh viện cho là:

l Tự ý dùng thuốc hạ sốt khi chưa có sốt hoặc uống quá liều làm suy gan.

l Tự dùng thuốc hạ sốt mạnh như Ibuprofen, Aspirin – những loại thuốc tuyệt đối không được dùng với bệnh nhân SXH dẫn đến rối loạn đông máu và gây xuất huyết tiêu hóa, làm tình trạng bệnh nặng nề hơn.

l Hạ sốt bằng cách lau mát bằng chanh, rượu, cồn khiến da phồng rộp, gây nguy hiểm cho trẻ.

l Thấy người bệnh ăn uống kém, nhiều người có tâm lý “vô nước biển không mất sức”, nên tự mướn người truyền dịch. Việc tự ý truyền dịch hay truyền dịch sớm rất nguy hiểm vì dễ gây phù nề, làm tràn dịch màng phổi, suy hô hấp dễ dẫn đến tử vong.

l Người bệnh SXH thường hay cắt lễ, cạo gió làm tổn thương da, dẫn đến nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, cũng dễ gây đe dọa tính mạng.

l Sai lầm phổ biến nhất là nhiều người chỉ quan tâm, chú ý bệnh ở 3 ngày đầu khi bé bị sốt, đến ngày thứ 4-5 thì lơ là vì thấy bé hết sốt. Trong khi đây là giai đoạn cần phải đặc biệt lưu ý vì bệnh dễ trở nặng, vào sốc. Nếu bệnh nhân hết sốt, mà thể trạng không cải thiện, ngược lại có dấu hiệu li bì, mệt mỏi, bứt rứt nặng hơn thì phải đưa ngay đến bệnh viện.

BS. Tuấn lưu ý: “Đối với người mắc bệnh SXH, nguy hiểm nhất là bệnh trở nặng và có hội chứng sốc gây nguy cơ tử vong cao. Sốc không chỉ có ở trẻ nhỏ, mà còn có ở lứa tuổi vị thành niên và người lớn. Các trường hợp này diễn tiến nghiêm trọng vì bệnh nhân sốt nhiều ngày nhưng gia đình không nghĩ là bệnh SXH, khi đến bệnh viện thì đã vào sốc không cứu kịp”.

Dấu hiệu sốc SXH như tay chân lạnh, đau bụng, ói mửa, huyết áp tụt, mạch khó bắt, gan to… Nếu không đưa đến bệnh viện kịp thời, sẽ diễn tiến đến rối loạn đông máu, suy đa cơ quan và tử vong. Do đó, trong mùa dịch SXH hiện nay, khi có người thân bị sốt, cần phải theo dõi chặt chẽ, nhằm phòng tránh bệnh diễn tiến nặng. Nhưng trên hết là phòng SXH như ngừa muỗi đốt (xịt thuốc, đốt nhang trừ muỗi, thoa thuốc xua muỗi phù hợp lứa tuổi…), diệt muỗi, diệt lăng quăng… Còn khi trẻ sốt 3 ngày liên tục, phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời, nhằm phòng tránh bệnh diễn tiến nặng và hạn chế được nguy cơ tử vong.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối