Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Sân chơi có thêm đối thủ nặng ký

VÂN LY -

Trước việc mạng xã hội Facebook cung cấp cho người dùng ứng dụng mới khiến các nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin, gọi điện thoại trực tiếp trên nền Internet (OTT) tại Việt Nam muốn hay không cũng rơi vào thế “đứng ngồi không yên”.

Những OTT “tám lạng, nửa cân”

Theo công bố của Facebook, mạng xã hội này đã có khoảng 27 triệu người dùng tại Việt Nam. Trước đây, khi mạng này chưa cung cấp tính năng gọi điện thoại thì các nhà cung cấp OTT tại Việt Nam chưa coi họ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Nhưng đến khi mạng xã hội này cung cấp thêm tính năng gọi điện thì mọi chuyện đã khác. Với lượng người dùng mạng xã hội lớn, Facebook có khả năng cạnh tranh mạnh trong lĩnh vực OTT.

Trên thế giới hiện nay, hàng loạt các ứng dụng OTT xuất hiện khiến cuộc đua trong lĩnh vực này dường như không dừng lại.
Trên thế giới hiện nay, hàng loạt các ứng dụng OTT xuất hiện khiến cuộc đua trong lĩnh vực này dường như không dừng lại.

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, đại diện một số nhà cung cấp OTT cho biết với chất lượng gọi điện hiện tại của Facebook thì chưa đáng lo ngại. Tuy nhiên, một doanh nghiệp với tiềm lực tài chính và công nghệ mạnh như họ nếu tập trung đầu tư nguồn lực để phát triển thì sẽ có chất lượng cuộc gọi qua phần mềm này tốt. Trong tương lai, đây là đối thủ đáng gờm nhất trong lĩnh vực OTT tại Việt Nam.

Song, các doanh nghiệp cho rằng với việc có thêm Facebook tham gia thì các nhà cung cấp OTT khác có thể sẽ đầu tư thêm để sản phẩm tốt hơn nhằm thu hút người dùng. Các nhà cung cấp OTT này cũng cho biết họ chấp nhận cạnh tranh. Bởi trước đây, khi Facebook chưa cung cấp tính năng gọi điện, chỉ cho nhắn tin thì sự cạnh tranh cũng đã diễn ra với nhiều thương hiệu như Viber, Kakao Talk, Line...

Tại Việt Nam, theo công bố của Zalo, hiện phần mềm này có hơn 30 triệu người dùng. Còn theo công bố của Viber, phần mềm này có khoảng 25 triệu người dùng. Những OTT như Viber, Zalo nhắm tới những yếu tố cạnh tranh như tính năng phù hợp, tối ưu hóa phần mềm để chất lượng cuộc gọi, nhắn tin ổn định, kết hợp với chương trình quảng bá tốt...

Với Viber, họ thu hút người dùng bằng giao diện đơn giản, gọi điện và nhắn tin khá tốt. Còn với phần mềm Zalo, lúc đầu người dùng biết đến bởi sản phẩm được quảng bá tốt. Lý giải vì sao Zalo thu hút hơn Viber, các chuyên gia cho rằng bởi Zalo tích hợp cả tính năng mạng xã hội, cho phép người dùng chia sẻ thông tin, hình ảnh. Ngoài ra, trong thời điểm Internet của Việt Nam kết nối ra quốc tế bị chậm mỗi khi tuyến cáp quang biển AAG ngừng hoạt động (bị đứt hoặc bảo trì) thì Zalo sẽ hoạt động tốt hơn do Viber đặt máy chủ ứng dụng tại nước ngoài trong khi Zalo là “hàng nội địa”.

Khó cho người đến sau

Không còn kêu vì sự xuất hiện của các OTT làm thiệt hại doanh thu gọi điện và nhắn tin hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm như trước, thời gian gần đây các nhà mạng đã tìm cách “sống chung với OTT” bằng cách cũng đưa ra phần mềm OTT. Tuy nhiên, do tham gia thị trường muộn và coi sản phẩm chỉ là một sản phẩm phụ cung cấp thêm cho khách hàng nên việc thu hút người sử dụng OTT của các nhà mạng chưa thành công.

VinaPhone là nhà mạng đầu tiên tham gia thị trường OTT vào đầu năm 2015 với sản phẩm mang tên VietTalk. VietTalk có thể cài để sử dụng cho mọi thuê bao di động, không chỉ thuê bao VinaPhone. Về cơ bản, các tính năng của VietTalk tương tự các phần mềm OTT như gọi điện, nhắn tin thường và tin nhắn thoại, tin nhắn hình ảnh, trò chuyện theo nhóm. Với các thuê bao VinaPhone, khi nhắn tin qua ứng dụng này, nếu người nhận không còn kết nối Internet, ứng dụng sẽ chuyển qua thành dạng tin nhắn thường. Trong khi đó, với các ứng dụng khác, tin nhắn chỉ được gửi đi khi có kết nối Internet.

Do ra sản phẩm sau và được phát triển bởi nhà cung cấp dịch vụ mạng di động nên VinaPhone đưa ra hai chính sách sử dụng khác nhau cho sản phẩm VietTalk. Theo đó, người dùng có thể cài VietTalk để sử dụng miễn phí như các OTT thông thường hoặc chọn hình thức trả phí. Giới chuyên gia đánh giá, mặc dù VinaPhone đưa ra chính sách khá ổn nhưng cũng không thu hút người dùng. Do đó đến nay VinaPhone không công bố số liệu người dùng sản phẩm này.

Sau khi VinaPhone đưa ra VietTalk được hai tháng, Viettel cũng ra mắt sản phẩm OTT với tên gọi Mocha Messenger. Tuy nhiên, các tính năng của Mocha không giống như các OTT khác. Sản phẩm này không có tính năng gọi điện OTT mà chỉ có nhắn tin. Bên cạnh đó, Mocha thiên về những tính năng mà OTT khác không có như mời bạn bè cùng nghe nhạc, tin nhắn hình ảnh, giọng nói, thu hồi tin nhắn, chuyển tiền. Viettel còn có chính sách cho phép thuê bao sử dụng Mocha được nhắn tin miễn phí đến toàn bộ thuê bao Viettel khác dù đã cài hoặc chưa cài ứng dụng này.

Mới đây, Viettel công bố Mocha vượt 1 triệu người dùng. Đại diện Viettel cho biết đã cung cấp ứng dụng này tại thị trường nước ngoài mà tập đoàn này đầu tư. Ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Media-Viettel Telecom (đơn vị phát triển ứng dụng Mocha), nói: “Một triệu người dùng không phải là con số quá lớn nhưng có sức cổ vũ mạnh mẽ đối với một ứng dụng mới ra đời trong bối cảnh thị trường OTT ở Việt Nam đã bước đầu được xác lập trật tự”.

Không chỉ VinaPhone và Viettel tham gia thị trường OTT, MobiFone cũng đang thử nghiệm hoàn thiện ứng dụng OTT của mình mang tên Halo để ra mắt vào tháng 10 này. Trước khi các nhà mạng tham gia, thị trường OTT Việt Nam ngoài ứng dụng Zalo còn có ứng dụng Btalk của Công ty Bkav. Tuy nhiên, Btalk không mấy thu hút người dùng và nhà sản xuất cũng không công bố lượng khách hàng tải về sử dụng.

Giới chuyên gia đánh giá, các OTT tại Việt Nam ra đời sau chưa thu hút người dùng không phải do chất lượng sản phẩm kém mà do vào thị trường muộn. Trong khi tâm lý người dùng không muốn cài quá nhiều ứng dụng trên máy. “Khi họ đã cài Zalo, Viber mà thấy dùng ổn cũng thì không muốn cài thêm ứng dụng khác nữa vì chẳng để làm gì. Đó là cái khó lớn nhất của những nhà cung cấp đến sau, khi thị trường đã lấp đầy”, một chuyên gia viễn thông tại Hà Nội nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối