Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Sân khấu du lịch: Đánh cược với nghệ thuật

Nhà hát nghệ thuật Phương Nam đã chính thức mở cửa trình diễn tại sân khấu Sen Hồng (công viên 23-9, TPHCM) vào tuần qua. Sự xuất hiện của một nhà hát mới, trong bối cảnh khó khăn của thị trường, cho thấy tâm huyết của những người hành nghề trong việc tạo ra một không gian nghệ thuật nhằm phục vụ khách du lịch (tạm gọi là sân khấu du lịch) và cộng đồng. Thế nhưng, để con đường nghệ thuật và kinh doanh song hành cùng nhau thật không dễ dàng.

Chương trình đầu tiên của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam có tên gọi là Sắc màu Phương Nam, với sáu tiết mục mang tên Khẩn hoang, Duyên quê, Vũ điệu trên sông, Đời sống tâm linh, Trò chơi dân gian và Nhịp sống hiện đại, kết hợp hình thức biểu diễn xiếc và rối. Các nghệ sĩ ngoài các tiếc mục uốn dẻo, giữ thăng bằng, đu dây còn trình diễn các trích đoạn múa rối nước và rối que. Nhà hát đã quy tụ hơn 100 diễn viên chuyên nghiệp trong hai lĩnh vực xiếc và rối cho chương trình đầu tiên này, trong đó có những cái tên quen thuộc như Giang Quốc Cơ, Giang Quốc Nghiệp, Phi Sơn, Phi Vũ, Bích Liên...

Các tiết mục xiếc và rối có giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam trong chương trình Sắc màu Phương Nam của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam.
Các tiết mục xiếc và rối có giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam trong chương trình Sắc màu Phương Nam của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam.

Gian nan tìm lối đi mới

Theo ông Nguyễn Đức Thế, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, các nghệ sĩ đã lên kế hoạch chuẩn bị và tập luyện cho chương trình trong khoảng thời gian bốn tháng, với kinh phí đầu tư hơn 1 tỉ đồng. Ngoài việc biên đạo động tác biểu diễn mới lạ, phục trang và dụng cụ biểu diễn cũng được đặt may và mua sắm riêng cho Sắc màu Phương Nam. Đêm diễn đầu tiên đã nhận được sự tán thưởng từ công chúng. Nhiều du khách phương Tây cho biết họ có thể cảm nhận được văn hóa Việt Nam qua chiếc áo bà ba, tiết mục múa rối, múa lân, múa đèn... còn các em nhỏ thì hào hứng với những trò chơi dân gian và tiết mục múa rối.

Trong thời gian đầu, ban giám đốc nhà hát quyết định phục vụ miễn phí công chúng. Tuy nhiên, sau ba đêm diễn đầu tiên, số phận của Sắc màu Phương Nam sẽ phải phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Ông Nguyễn Đức Thế cho biết nguyên nhân là do sân khấu Sen Hồng – nơi nhà hát đang đóng quân – vẫn đang chờ một quyết định chính thức từ cấp thẩm quyền về việc giao cho một đơn vị cụ thể sở hữu. Do đó, sau ba đêm diễn đầu tiên, Nhà hát Phương Nam đã phải ngừng hoạt động và chờ đợi. “Có thể trong tương lai chúng tôi sẽ thuê một nhà hát, và lúc đó mới tính đến chuyện bán vé tạo doanh thu”, ông Thế nói.

Trong những năm gần đây, có một số nhà hát nghệ thuật truyền thống ở TPHCM nhắm đến việc dàn dựng các chương trình phục vụ du khách, trong đó có thể kể đến Hồn Việt và Nhà hát Nón Lá. Cả hai chương trình này đều có điểm tương đồng tập hợp nhiều nghệ sĩ chơi nhạc cụ và hát nhạc dân tộc. Khán giả sẽ có dịp khám phá những nét độc đáo trong kho tàng âm nhạc Việt Nam ở ba miền Bắc, Trung, Nam và cả các dân tộc thiểu số. Sau gần một năm trình diễn tại Nhà hát TPHCM và nhận được sự tiếp sức của quỹ đầu tư Dragon Capital nhưng Hồn Việt vẫn thua lỗ nặng, đành rút về sân khấu IDECAF. Hiện tại, lượng vé bán ra rất yếu nên nguồn thu không đủ bù cho chi phí.

Còn Nhà hát Nón Lá tại Cung văn hóa Lao Động sau ba tháng mở cửa đành tạm ngưng vì không thu hút được du khách. Nếu nhìn lùi lại vài năm trước, bà bầu Hồng Vân đã nhắm tới việc đưa sân khấu nghệ thuật vào phục vụ du lịch nên đã tập trung dàn dựng các vở kịch nói tiếng Anh. Nhà thiết kế Sỹ Hoàng đầu tư chương trình thời trang áo dài ngay tại phòng trưng bày trên đường Lý Tự Trọng nhằm thu hút khách nước ngoài. Nhưng sau cùng cả hai dự án này điều phải hủy bỏ. Chính vì vậy, sự xuất hiện của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam cũng gợi lên niềm hy vọng cho hoạt động của sân khấu nghệ thuật truyền thống, dẫu cho những người làm nghề vẫn đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn.

Hy vọng vào tương lai

GT3

Trong hành trình đưa nét đẹp của nghệ thuật, của văn hóa truyền thống đến với khán giả, vẫn có những trường hợp thành công và đã tạo sự khích lệ lớn cho những người đã từng thất bại. À Ố Show được xem là một trường hợp tiêu biểu cho loại hình sân khấu nghệ thuật phục vụ du khách. Chương trình này tập trung vào ngôn ngữ múa và xiếc với các diễn viên có thực lực và kỹ năng biểu diễn. Âm thanh và ánh sáng góp phần rất lớn vào việc thu hút thị giác của người xem. Vì vậy, mặc dù không sử dụng ngôn ngữ nói nhưng khán giả nước ngoài vẫn hiểu được thông điệp mà các nghệ sĩ gửi tới người xem. Hiện tại, chương trình trình diễn ba suất/tuần tại Nhà hát TPHCM, và mặc dù giá vé không hề rẻ (30-70 đô la/vé) nhưng những hàng ghế tốt luôn trong tình trạng kín chỗ.

Bà Kimmy Nguyễn, người đại diện của chương trình, nói rằng đến nay À Ố Show đã diễn được 16 tháng. Khởi đầu khán giả chỉ là những khách du lịch vãng lai nghỉ tại khu phố Tây ba lô ở quận 1, còn bây giờ du khách nghỉ tại các khách sạn năm sao ở thành phố đã chiếm hơn 40% lượng khán giả mỗi đêm diễn. Theo thống kê sơ bộ của nhà tổ chức, tính đến tháng 2 năm nay, chương trình này đã thu hút được 50.000 lượt khách quốc tế. Thông qua lời giới thiệu của những người đã xem chương trình đến bạn bè và người thân của họ, À Ố Show lại tiếp tục có thêm khán giả mới, có những người còn đặt vé xem đêm diễn trước khi họ đến Việt Nam.

Và để duy trì sự quan tâm và yêu mến của khán giả, nhà tổ chức À Ố Show cũng chú trọng việc đầu tư thêm tiết mục, nâng cao chất lượng chương trình và làm tốt khâu chăm sóc khách hàng. Ngoài việc giới thiệu đến du khách quốc tế những địa điểm ẩm thực mang hương vị truyền thống Việt Nam, nhà tổ chức chương trình cũng thường xuyên gửi tặng khán giả các phiếu giảm giá tại những nhà hàng này. Mặc dù gây tiếng vang trong lòng khán giả, nhưng chương trình vẫn chưa thành công về mặt doanh thu. Bà Kimmy Nguyễn cho biết chi phí mặt bằng cao, chi phí tái đầu tư và lương nhân viên cũng là những thách thức lớn đối với nhà tổ chức.

Đối với ông bầu Huỳnh Anh Tuấn – nhà đầu tư “mát tay” của sân khấu kịch nói IDECAF – việc đầu tư cho Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng cũng là một hướng đi mới trong việc đem nghệ thuật dân gian đến với khách du lịch. Ông Tuấn cho biết hiện tại, hơn 80% lượng khán giả của Rồng Vàng là du khách nước ngoài và do các công ty lữ hành giới thiệu. Rối nước được xem là một loại hình biểu diễn nghệ thuật khá độc đáo và đặc trưng ở Việt Nam, đây cũng là lý do để môn nghệ thuật này thu hút khán giả, giúp họ thỏa mãn thị giác với những tiết mục độc đáo và một không khí biểu diễn đầy sống động.

Những thành công bước đầu của À Ố Show và Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng cho thấy du khách quốc tế có nhu cầu cao trong việc thưởng thức nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Và vấn đề quan trọng đối với những nhà tổ chức là biết cách tạo ra một bữa tiệc văn hóa độc đáo, hấp dẫn và phù hợp với thị hiếu khán giả.

Nguyễn Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối