VÂN KHÁNH -
“Chất lượng nghệ thuật là điều đáng để suy nghĩ khi năm 2015 dẫu có khá nhiều vở diễn mới, nhưng sân khấu kịch vẫn thiếu những vở diễn có chất lượng nghệ thuật, những vở diễn đỉnh cao” – suy nghĩ của đạo diễn-NSƯT Trần Minh Ngọc cũng là nỗi niềm của không ít người làm nghề khi nhìn lại một năm khá trầm lắng của sân khấu kịch TPHCM.
Cảnh trong vở Người mua hạnh phúc. Ảnh: Vân Khánh
Nhiều người xấu, hiếm người tốt
Không khó để nhận ra rằng đa phần các vở diễn được dàn dựng thời gian gần đây đang chạy theo thị hiếu chung của một bộ phận khán giả, đặc biệt là lớp trẻ theo “công thức”: chút hài, chút ma, chút chi tiết liên quan đến vấn đề đồng tính. Vở diễn ra mắt không ít, nhưng để nhớ một vở nào đó thì lại quá hiếm hoi. Trong xu hướng dàn dựng những vở diễn ma, kinh dị, hình sự, đồng tính… hình ảnh những kẻ xấu đang được tô vẽ khá đậm nét trên sân khấu. Với đặc trưng kịch ma, kịch kinh dị, hình sự… người xấu, kẻ ác luôn là tuyến nhân vật trung tâm và người xem thấy trên sân đầy lòng thù hận, những mưu toan trả thù khiến cái ác cứ nối tiếp cái ác nhiều đến thế.
Là thành viên hội đồng nghệ thuật (Sở Văn hóa Thể thao TPHCM), có mặt trong rất nhiều buổi phúc khảo vở mới của các sân khấu kịch, đạo diễn-NSƯT Hoa Hạ trong lần nói chuyện với người viết bài gần đây đã trăn trở: “Chưa bao giờ cái xấu, cái ác xuất hiện trên sân khấu nhiều như hiện nay. Người tốt đang ngày càng hiếm hoi với không ít “khuôn mẫu” người tốt một cách khờ khạo, ngờ nghệch! Có những lần, sau buổi phúc khảo, tôi phải đặt câu hỏi: Vậy thì đâu là người tốt, đâu là nhân tố tích cực của vở diễn? Có những đạo diễn trẻ khi được hỏi chỉ biết gãi đầu, gãi tai!”.
Kịch về thế giới thứ ba cũng là đề tài được khai thác nhưng không ít vở vẫn còn lạm dụng việc xây dựng hình ảnh, cách ứng xử khác lạ của người đồng tính để gây cười mà quá ít vở diễn có thể chạm được vào nỗi đau, tâm tư của những người đồng tính. Một khán giả chia sẻ: “Không ít lần chúng tôi rất dị ứng với cách xây dựng hình ảnh những người đồng tính trên sân khấu. Dù các đạo diễn khi dựng vở về người đồng tính luôn tuyên bố muốn thông qua vở diễn để xã hội có cái nhìn đúng và cảm thông với người đồng tính, nhưng thực tế rất hiếm hoi những vở diễn có thể đạt được thông điệp đó. Có những vở diễn, đạo diễn, diễn viên vẫn xây dựng người đồng tính trong bộ dạng ẻo lả, hay lối nói chuyện ngúng nguẩy, đanh đá… để dễ gây cười. Thông điệp đưa ra có thể có nhưng mờ nhạt trước những tiếng cười dễ dãi làm người xem cảm thấy bị tổn thương”.
Sân khấu có đi vào ngõ cụt?
Cảnh trong vở Bao giờ sông cạn (ảnh do Sân khấu Hoàng Thái Thanh cung cấp).
“Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng sân khấu kịch đang ở giai đoạn thoái trào hoặc đi vào ngõ cụt. Với kinh nghiệm của nhiều năm tổ chức biểu diễn, tôi cho rằng đây là giai đoạn khó khăn theo chu kỳ của sân khấu. Điều này cũng đã từng xảy ra vào khoảng đầu thập niên 1990. Tuy nhiên, trong chu kỳ này khó khăn tăng gấp bội”, ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Nghệ thuật giải trí Thái Dương nhận định.
Những yếu tố khách quan được nhận diện là sự cạnh tranh khốc liệt với nhiều loại hình giải trí, đặc biệt là sự gia tăng của các chương trình truyền hình thực tế. Cuộc cạnh tranh này càng trở nên không cân sức khi sân khấu với trang thiết bị, điều kiện cơ sở vật chất có vẻ đang có khoảng cách rất xa so với các chương trình gameshow được đầu tư tiền tỉ, được quảng bá rầm rộ với sự tài trợ của những thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng. Trong khi đó, không chỉ thiếu thốn mọi thứ, các sân khấu hiện nay vẫn phải “tự thân vận động” từ kinh phí dựng vở đến kinh phí hoạt động, biểu diễn…
Sự phát triển của phim ảnh, các chương trình truyền hình… còn “cuốn” gần hết diễn viên sân khấu vào “guồng”. Nhiều nhà quản lý sân khấu than trời vì quá khó để tập trung diễn viên tập luyện và biểu diễn. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết đã từng phải hủy các suất diễn trong dự án tái diễn các vở diễn kịch sử tại Nhà hát Bến Thành do không thể tập hợp đủ diễn viên để tập dợt lại trước khi tái diễn. Tình trạng phải thay diễn viên giữa chừng ở các vở diễn đang trên sàn tập hoặc chuẩn bị phúc khảo do diễn viên bận chạy sô làm phim, làm gameshow không còn là chuyện hiếm.
Chưa hết, thực trạng khan hiếm kịch bản hay trở nên trầm kha hơn. Việc tái dựng những vở diễn cũ ngày càng phổ biến. Trong năm 2015, sân khấu Idecaf cũng đã làm mới hai vở diễn cũ là Dạ cổ hoài lang và Người mua hạnh phúc. Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng làm mới vở Nửa đời hương phấn, Dòng nhớ (Bao giờ sông cạn) và mới nhất là Đứa con tiền kiếp với tên gọi mới Mình có quen nhau hông?...
Đạo diễn-NSƯT Trần Minh Ngọc nói: “Sân khấu đang khan hiếm kịch bản hay, thay vào đó đang đi vào hai xu hướng: hoặc lựa chọn sự an toàn với những vở diễn sinh hoạt đời thường; hoặc ồ ạt khai thác chuyện tham ô, tham nhũng, mua quan bán chức… của một bộ phận cán bộ, quan chức. Không phủ nhận tham nhũng, tham ô đang là vấn đề nhức nhối, nhưng chưa hẳn đó là mối quan tâm lớn nhất trong đời sống dân sinh. Nhiều hiện thực khác của đời sống, xã hội gắn liền với từng gia đình, từng cá nhân như xung đột gia đình trước sự chao đảo của giá trị vật chất, tinh thần; những vấn đề an sinh, giáo dục, y tế… đang tác động mạnh và ảnh hưởng đến đời sống của toàn xã hội, đến tâm tư, tình cảm của mỗi người dân gần như vắng bóng trong các vở diễn sân khấu”.
Bên cạnh những mảng màu tối, sân khấu vẫn nổi lên những gam màu rực rỡ, đó là sự bền bỉ, là nỗ lực của những người làm sân khấu trong giai đoạn hiện nay. Có thể kể như sân khấu Hoàng Thái Thanh trung thành với thể loại tâm lý xã hội, nhưng rất năng động trong việc tìm ra những cách kể mới cho những “câu chuyện cũ”. Những vở diễn ở sân khấu Hoàng Thái Thanh vì vậy luôn có một sức hút riêng, thể hiện thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc của những người làm nghề với khát khao “giữ lửa” cho sân khấu. Là sân khấu Thế Giới Trẻ, nơi vốn nổi tiếng với thể loại kịch hài, kịch kinh dị nhưng vẫn không ngại đầu tư cho những vở tâm lý xã hội, nhạc kịch dẫu biết đây là những vở tốn tiền nhưng khá kén khán giả. Hay nhóm Buffalo, dù trầy trật với nhạc kịch nhưng vẫn “dốc tiền túi” quyết tâm không bỏ cuộc. Và “những người mới” như sân khấu Hồng Hạc, sân khấu Trịnh Kim Chi đang khiến không ít khán giả lẫn người trong cuộc ngạc nhiên khi khai trương sân khấu mới đúng vào thời điểm một số nhà quản lý sân khấu đã lên tiếng cho biết họ đã nghĩ đến tình huống đóng cửa sân khấu. Ngạc nhiên hơn khi dù “chào đời” ở thời khó nhưng các sân khấu này vẫn có những tiêu chí, mục tiêu riêng mà không bị cuốn theo số đông.
Trong Đại hội Hội Nghệ sĩ sân khấu TPHCM vào tháng 6-2015, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh: “Sân khấu kịch phía Nam, đặc biệt là các sân khấu xã hội hóa, là điểm sáng cần được nhân rộng”. Điểm sáng đó liệu có tiếp tục đủ sức “tỏa sáng”, điều đó ngoài nỗ lực của những người làm nghề vẫn cần sự tiếp sức của cộng đồng.